(Baothanhhoa.vn) - Hầu hết các vụ cháy tại các khu công nghiệp (KCN) đều để lại hậu quả hết sức nặng nề, có thể gây thiệt hại hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ thế, thiệt hại lớn hơn là có thể khiến công ty bị cháy không còn khả năng tái sản xuất, công nhân mất việc làm... ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự (ANTT) cũng như phát triển kinh tế ở địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ tại các khu công nghiệp

Hầu hết các vụ cháy tại các khu công nghiệp (KCN) đều để lại hậu quả hết sức nặng nề, có thể gây thiệt hại hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ thế, thiệt hại lớn hơn là có thể khiến công ty bị cháy không còn khả năng tái sản xuất, công nhân mất việc làm... ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự (ANTT) cũng như phát triển kinh tế ở địa phương.

Cảnh sát PCCC tỉnh kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại Công ty TNHH Giầy ROLLSPORT 1 Việt Nam, KCN Hoàng Long, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa).

Toàn tỉnh hiện có gần 10 KCN. Theo đánh giá, các KCN với tính chất đặc thù chứa khối lượng lớn nguyên vật liệu, hàng hóa, thiết bị sản xuất và phục vụ sản xuất, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, đặc biệt, nếu xảy ra cháy, thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì vậy, để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp cũng như tính mạng người lao động. Thời gian qua, công tác PCCC tại các KCN luôn được các cấp, ngành, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh đặc biệt quan tâm.

KCN Tây Bắc Ga thuộc phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa với tổng diện tích hơn 68 ha. Hiện KCN Tây Bắc Ga có 108 cơ sở kinh doanh đang hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp cơ khí, sản xuất đồ nhựa, đồ gia dụng, kho chứa hàng hóa. Trong năm 2017, tại KCN Tây Bắc Ga, liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, điển hình như vụ cháy ngày 2-10 tại Công ty TNHH Khánh Vinh; vụ cháy ngày 24-1 tại Công ty TNHH dịch vụ thương mại Khắc Ánh, thiêu rụi toàn bộ hàng hóa, thiết bị vệ sinh...

Mới đây nhất, ngày 22-6-2018 xảy ra cháy tại Công ty TNHH Giầy ARESA Việt Nam tại Lô D, KCN Lễ Môn, TP Thanh Hóa. Rất may nhờ được huấn luyện bài bản nghiệp vụ PCCC và CNCH từ trước nên lực lượng PCCC tại chỗ đã nhanh chóng khống chế đám cháy, không để cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Tất cả các vụ cháy trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các KCN.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, ban quản lý KCN và chủ các cơ sở đã đầu tư trang bị nhiều phương tiện PCCC tại chỗ, xây dựng lực lượng PCCC cơ sở thường xuyên được huấn luyện nghiệp vụ PCCC; bố trí sắp xếp hàng hóa, phương tiện, lối thoát hiểm theo đúng quy định. Tuy nhiên một số cơ sở khác công tác đảm bảo an toàn PCCC vẫn còn nhiều bất cập như chưa đầu tư mua sắm trang thiết bị PCCC, chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định. Qua khảo sát hiện mới có rất ít doanh nghiệp trong KCN tổ chức thực tập được phương án chữa cháy phối hợp với cảnh sát PCCC. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đến nay còn chưa lập được phương án PCCC để từ đó hướng dẫn công nhân thực tập các tình huống riêng. Như vậy, sự lúng túng khi sự cố cháy xảy ra là điều khó tránh.

Qua công tác kiểm tra tại Xí nghiệp may 20B và kho chứa hàng Công ty TMCP Đại Việt thuộc KCN Tây Bắc Ga, TP Thanh Hóa, các cơ sở này vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC, không đầu tư mua sắm các trang thiết bị PCCC, chưa có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; chưa xây dựng lực lượng PCCC cơ sở qua đào tạo. Một số doanh nghiệp đi thuê kho chứa, thời gian từ 2 đến 3 năm nên không trang bị, đầu tư cho hoạt động PCCC. Bên cạnh đó, KCN Tây Bắc Ga đã đi vào hoạt động từ năm 2008 nhưng chưa có lực lượng PCCC chuyên trách, hiện tại lực lượng bảo vệ làm công tác kiêm nhiệm. Với diện tích lớn nhưng cả KCN không có bể chứa nước, các họng nước đều hoen rỉ, có 7 trụ nước chữa cháy được lắp đặt nhưng chỉ 2 trụ có thể lấy được nước gây khó khăn cho công tác chữa cháy.

Có thể nói, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập tại các KCN nói chung và KCN Tây Bắc Ga nói riêng. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là hầu như các doanh nghiệp nằm trong KCN vẫn còn chưa rút ra được bài học từ những vụ cháy lớn, mà cái giá phải trả, không chỉ là giá trị kinh tế mà còn là tính mạng của con người. Bởi nếu hỏa hoạn xảy ra không chỉ một doanh nghiệp bị cháy, mà sẽ cháy lan, thiệt hại sẽ là khôn lường.

Để đảm bảo an toàn về PCCC ở các KCN, phục vụ đắc lực cho việc ổn định sản xuất của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, thời gian qua, Cảnh sát PCCC tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC trong các KCN; rà soát, lập danh sách và phân loại các doanh nghiệp trong KCN để tiện quản lý; phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC trong các KCN, kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ nằm trong KCN mà không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC. Lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào thi đua “Toàn dân tham gia PCCC” tại các KCN để nâng cao nhận thức về công tác PCCC cho người đứng đầu các cơ sở và công nhân lao động. Tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở, tổ chức huấn luyện, trang bị phương tiện đầy đủ cho lực lượng PCCC cơ sở, định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện chữa cháy và nguồn nước chữa cháy, đảm bảo đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại chỗ nếu có tình huống cháy, nổ xảy ra.

Để đảm bảo an toàn PCCC tại các KCN, thời gian tới, lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn để bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho các doanh nghiệp trong KCN; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về việc chấp hành các quy định của Nhà nước về an toàn PCCC; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức thực tập chữa cháy tại cơ sở. Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của lực lượng PCCC, ban quản lý các KCN phải thường xuyên phối hợp với cảnh sát PCCC thực hiện nghiêm các quy chế thẩm duyệt về PCCC, quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC; chủ các cơ sở, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới công tác PCCC, có như vậy, thì công tác PCCC tại các KCN mới thật sự đạt hiệu quả.


Bài và ảnh: Nguyễn Nhung (Cảnh sát PCCC tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]