(Baothanhhoa.vn) - Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực phẩm chức năng - thực trạng và giải pháp quản lý

Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Ý tưởng về khả năng chữa bệnh của thực phẩm được Hippocrates, cha đẻ của y học phương Tây, nhắc đến qua câu “Hãy để thức ăn là thuốc cho bạn” vào năm 431 trước công nguyên.

TPCN hiện đại thực sự gây được sự chú ý ở Nhật từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tại Việt Nam, những năm gần đây, TPCN phát triển mạnh về số lượng mặt hàng cả sản xuất trong nước và nhập khẩu. Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên thị trường Việt Nam có khoảng 30 nghìn sản phẩm TPCN được cấp phép lưu hành.

Nằm giữa ranh giới thuốc và thực phẩm, có dạng bào chế giống với chế phẩm thuốc (viên hoàn, viên nén, viên sủi bọt, viên nang, siro...) được bán trong các cơ sở bán thuốc dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, thậm chí có một số người bán hàng cũng không phân biệt được đâu là TPCN, đâu là thuốc (?).

Bên cạnh đó, TPCN còn được bán tại các siêu thị, quầy tạp hóa, thậm chí bán theo kiểu đa cấp, qua mạng internet gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa, 100% các cơ sở bán thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có kinh doanh sản phẩm TPCN, tuy nhiên việc bố trí khu vực trưng bày riêng chưa được triệt để tuân thủ, còn khá nhiều cơ sở kinh doanh thuốc để lẫn thuốc và TPCN.

Năm 2017, tỷ lệ các TPCN không đạt tiêu chuẩn chất lượng khá cao (17,6%) so với tổng số mẫu kiểm tra (tỷ lệ này ở thuốc là 1,45%); các chỉ tiêu chất lượng không đạt gồm: Các chỉ tiêu chất lượng tạo nên công dụng sản phẩm như định tính, định lượng, hóa lý...; các chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh và an toàn như giới hạn nhiễm các vi khuẩn gây bệnh cơ hội trong sản phẩm...; có những sản phẩm chứa hoạt chất của thuốc với hàm lượng bằng với hàm lượng điều trị (Glucosamine 1500 mg kết hợp với Lansoprazol 30 mg) được cấp phép có thể gây quá liều nếu người dùng đang điều trị bằng thuốc; một số sản phẩm dùng cho nam giới bị trộn trái phép chất cường dương (PED5: Sildenafil, acetyl denafil...); một số sản phẩm dùng cho phụ nữ bị trộn trái phép hormon nữ (estrogen, progesterol...).

Hiện nay các văn bản quản lý TPCN còn những điểm bất cập, việc cấp phép đang còn dễ dàng, cần siết chặt việc cấp phép lưu hành sản phẩm, tăng mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chất lượng sản phẩm TPCN. Tuy nhiên, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm (mới được ban hành thay thế Nghị định 30/2012/NĐ-CP) đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nên việc đăng ký sản phẩm TPCN được thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó công tác quản lý Nhà nước đối với sản phẩm này còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và bảo vệ người tiêu dùng.

Để thực hiện tốt công tác quản lý sản phẩm TPCN, bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của người tiêu dùng, trong thời gian tới các tổ chức, cá nhân liên quan cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TPCN. Trong đó, chú trọng công tác hậu kiểm, phát hiện các sản phẩm không đạt chất lượng và TPCN giả; đồng thời đầu tư thiết bị, máy móc để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác tuyên truyền để các thầy thuốc hiểu rõ và không kê đơn TPCN, chỉ khuyên dùng những sản phẩm thực sự có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả; đồng thời lồng ghép vào các kiến thức về “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc” (GPP), tuyên truyền cho người bán hàng nâng cao kiến thức chuyên môn, phân biệt rõ ràng các sản phẩm TPCN và thuốc, thực hiện hành nghề đúng quy chế, không vì lợi nhuận mà bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc, hiệu quả kém, chất lượng không đảm bảo. Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua và sử dụng TPCN cần cân nhắc, lựa chọn các sản phẩm uy tín, mua ở những cửa hàng tin cậy, không mua qua mạng internet, mua theo hình thức đa cấp, mua của các đối tượng tư vấn, chèo kéo. Khi mua hàng nên yêu cầu người bán hàng xuất hóa đơn hoặc chứng từ để giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn cũng như đổi, trả sản phẩm khi gặp vấn đề về chất lượng.


Ds. Trịnh Lê Anh, (Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]