(Baothanhhoa.vn) - Con người hay nguồn nhân lực được xem là nhân tố chìa khóa, có tính quyết định đến mọi sự đổi mới và phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự chuyển biến không ngừng của thị trường lao động như hiện nay, thì nhu cầu  về nguồn nhân lực chất lượng cao đang được đặt ra như một đòi hỏi tất yếu khách quan.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thị trường lao động thời cách mạng công nghiệp 4.0: Thay đổi để thích ứng

Con người hay nguồn nhân lực được xem là nhân tố chìa khóa, có tính quyết định đến mọi sự đổi mới và phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự chuyển biến không ngừng của thị trường lao động như hiện nay, thì nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đang được đặt ra như một đòi hỏi tất yếu khách quan.

Thị trường lao động thời cách mạng công nghiệp 4.0: Thay đổi để thích ứngCán bộ kỹ thuật điều hành dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn. Ảnh: Lê Dung

Ngày nay, khái niệm “cách mạng công nghiệp 4.0” được đề cập đến với tần suất dày đặc và có tính phổ quát rộng. Trong đó, những thách thức và cơ hội mà nó mang lại cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đã được giới chuyên gia phân tích, làm rõ. Đặc biệt, cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ và kỹ thuật hiện đại đã, đang ảnh hưởng và sẽ làm thay đổi căn bản thị trường lao động. Cụ thể, bản chất hay chất lượng việc làm sẽ có sự chuyển dịch từ “lượng” (sử dụng nhiều lao động, lao động không cần tay nghề, kỹ thuật cao, lao động chi phí thấp...) sang “chất” (lao động sử dụng nhiều trí tuệ, chất xám, trình độ tay nghề cao...). Đồng thời, cơ cấu lao động cũng có sự thay đổi theo hướng nhiều ngành nghề, việc làm cũ sẽ dần mất đi và được thay thế bằng nhiều ngành nghề, việc làm mới. Một nghiên cứu đã chỉ ra, trong khoảng 1 thập kỷ tới đây, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng tới 70% vị trí công việc hiện tại. Một nghiên cứu khác còn nêu rõ, sẽ có 64% trẻ em đang đi học hiện nay, khi ra trường sẽ làm các loại công việc chưa từng xuất hiện.

Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động trẻ, dồi dào. Song lao động chủ yếu có trình độ tay nghề, kỹ năng còn thấp và giá rẻ. Đó là chưa kể cơ cấu đào tạo chưa hợp lý dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Chính vì lẽ đó, dù muốn hay không, thị trường lao động cũng phải chuyển dịch, hay cung - cầu lao động cũng phải thay đổi, nhằm đáp ứng nhu cầu mới. Đặc biệt, thị trường lao động phải phát triển theo hướng hiện đại hóa và tay nghề người lao động phải tiệm cận theo các chuẩn nghề nghiệp của khu vực, cũng như trên thế giới. Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (gồm cả kiến thức, tay nghề, các kỹ năng và thái độ) trở thành yêu cầu tất yếu. Đồng thời, coi công tác đào tạo nghề và định hướng nghề nghiệp theo nhu cầu thị trường, là chìa khóa để mở cánh cửa thị trường lao động theo các “chuẩn” mới.

Nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường lao động, nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý và phát triển ổn định. Dự kiến hết năm 2020, sau khi sáp nhập các trường, toàn tỉnh sẽ còn 88 cơ sở đào tạo nghề. Trong đó có 56 cơ sở GDNN (gồm 11 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 31 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên) và 32 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Các điều kiện để bảo đảm công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo cũng bước đầu được chú trọng. Theo đó, tổng diện tích đất được giao sử dụng của các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm GDNN là 1.505.923m2. Diện tích phòng học lý thuyết là 72.842m2; phòng/xưởng thực hành là 191.452m2. Ngoài ra, các cơ sở GDNN đã bước đầu biên soạn giáo trình đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Đặc biệt, một số trường cao đẳng nghề đã mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Đồng thời, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề... để có sự điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp.

Thực hiện Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” (thuộc Chương trình mục tiêu GDNN - việc làm - an toàn lao động, giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025), tỉnh Thanh Hóa có 12 trường công lập (11 trường thuộc tỉnh quản lý và 1 trường Trung ương đóng trên địa bàn) được lựa chọn đầu tư 19 ngành, nghề trọng điểm (1 nghề cấp độ quốc tế, 3 nghề cấp độ ASEAN và 18 nghề cấp độ quốc gia). Cũng trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 37 tỷ đồng, để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho 5 cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh (Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp; Trường Trung cấp Nghề Thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn; Trường Trung cấp Nghề miền Núi; Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn; Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn).

Theo Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN”, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp được đầu tư ngành công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm) thuộc nghề cấp độ quốc tế. Đồng thời, cơ sở đào tạo này đang được đề xuất hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo, nhằm tiến tới đánh giá và công nhận trường cao đẳng chất lượng cao (theo mục tiêu Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”, được phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg, ngày 11-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ). Bên cạnh đó, nhà trường được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm công nghệ thông tin; phần mềm hỗ trợ đào tạo, học tập, quản lý tại trường thuộc Dự án “Chính quyền điện tử và các dịch vụ thông minh” (12,5 tỷ đồng). Ngoài ra, nhà trường còn đầu tư 14 tỷ đồng xây dựng xưởng thực hành, nhà đa năng, ký túc xá... từ nguồn vốn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của trường và các nguồn vốn huy động khác.

Có nhận định cho rằng, công nghiệp 4.0 là phạm trù của doanh nghiệp sản xuất. Nói cách khác, đây là “sân chơi” của các doanh nghiệp và do đó, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công tác GDNN nói riêng, tạo dựng thị trường lao động chất lượng cao nói chung, càng cần phải được nhấn mạnh. Trong đó, sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các cơ sở GDNN được xem là giải pháp quan trọng. Việc liên kết này đang được các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng, với nhiều hình thức phù hợp. Điển hình như phối hợp trong xây dựng chương trình đào tạo, thực hành; hỗ trợ giáo viên là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề tham gia giảng dạy tại trường và hướng dẫn học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp... Đây là mối quan hệ hai chiều tương hỗ; trong đó, các cơ sở giáo dục – đào tạo vừa nâng cao được chất lượng đào tạo, vừa giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Còn doanh nghiệp có thể chủ động đặt hàng và đồng hành với nhà trường trong quá trình đào tạo, từ lý thuyết đến thực hành, sao cho sát đúng với yêu cầu thực tiễn.

Theo đánh giá của ngành lao động - thương binh và xã hội, đến nay hầu hết các cơ sở GDNN trên địa bàn đã có sự liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Trong đó, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp là một điển hình. Cơ sở này đã đào tạo và cung ứng lao động theo đơn đặt hàng cho nhiều doanh nghiệp, như Công ty CP LILAMA 18; Công ty CP LILAMA 69-1; Công ty CP LILAMA 5; Công ty CP COMA 17. Các nghề chủ yếu được đào tạo là điện công nghiệp, điện lạnh, công nghệ ô tô, hàn, tiện, cắt gọt kim loại... Người lao động sau đào tạo có mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung trên thị trường lao động hiện nay. Hay như Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn đã ký kết đào tạo công nhân cho Nhà máy May xuất khẩu Như Thanh, với các nghề may thời trang và nghề sửa chữa thiết bị may. Đồng thời, ký kết với Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất để đào tạo các nghề điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề hàn...; với mức thu nhập từ 6,5 - 10 triệu đồng/tháng/lao động...

Cũng theo đánh giá từ phía ngành lao động - thương binh và xã hội, chất lượng GDNN ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Cụ thể, kỹ năng nghề của người lao động tại các cơ sở GDNN đã được nâng lên. Ở nhiều nghề trọng điểm, kỹ năng nghề của lao động Thanh Hóa đã đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Lao động qua đào tạo nghề nghiệp có thể tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp. Trên 80% người học có việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Riêng một số nghề và một số cơ sở GDNN, tỷ lệ này đạt gần 100%. Trong giai đoạn 2016-2019, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho 306.288 người (đạt 101,3% kế hoạch); trong đó, tuyển sinh đào tạo ngành, nghề trọng điểm là 17.786 người. Năm 2020, ước thực hiện việc tuyển sinh, đào tạo và kèm cặp truyền nghề cho 86.700 lao động...

Có thể khẳng định, GDNN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cần sự tham gia của rất nhiều yếu tố. Trong đó, công tác dự báo thông tin thị trường lao động đóng vai trò quan trọng, nhằm làm căn cứ để các cơ sở GDNN đào tạo ra “sản phẩm đặc biệt” là đội ngũ lao động có kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, phải xây dựng được cơ chế 3 bên “Nhà nước - cơ sở GDNN - doanh nghiệp”; trong đó, Nhà nước đặt hàng cơ sở GDNN để đào tạo và cung ứng lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, doanh nghiệp phải tích cực tham gia và cộng đồng trách nhiệm trong việc đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]