(Baothanhhoa.vn) - Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP),  những năm qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai công tác bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về vệ sinh ATTP.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa sẽ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm

Thanh Hóa sẽ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại một cơ sở trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), những năm qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai công tác bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về vệ sinh ATTP.

Để tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhóm thực phẩm thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý. UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học và thức ăn đường phố; đẩy mạnh công tác truyền thông, kiểm tra ATTP theo kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP...

Đến tháng 3-2019, các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương đã tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 781 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xác nhận kiến thức cho 955 chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm cho 61 cơ sở. Sở Y tế tổ chức cho 504 bếp ăn tập thể ký bản cam kết bảo đảm ATTP; cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm cho 118 lượt hồ sơ. UBND cấp huyện đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 798 cơ sở; tổ chức cho gần 21.400 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; xác nhận kiến thức ATTP cho 3.700 chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn cấp gần 40.000 giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm thực phẩm của các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Trong năm 2018, Trưởng Ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP tỉnh đã thành lập 12 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP, thực hiện kiểm tra 274 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 52 cơ sở vi phạm, xử lý 44 cơ sở với số tiền gần 270 triệu đồng. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đã thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với 391 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 56 cơ sở vi phạm, xử lý 52 cơ sở với tổng số tiền xử phạt trên 270 triệu đồng... UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra liên ngành ATTP đối với 10.917 cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát hiện 584 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1,4 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá trên 53 triệu đồng. Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh đã chủ trì tiến hành kiểm tra tại 12 huyện, thị xã, thành phố về việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh giao đối với công tác đảm bảo ATTP... Tuy nhiên, công tác quản lý về ATTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn, công tác rà soát, thống kê cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, cấp xã chưa đầy đủ. Hoạt động thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác quản lý thức ăn đường phố, quản lý cơ sở giết mổ chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản thực phẩm không đúng quy định.

Ngày 26-11-2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 47/2018/QĐ-TTg về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành về ATTP tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố, trong đó có Thanh Hóa. Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm, chính thức có hiệu lực từ ngày 10-6-2019. Việc thí điểm sẽ được triển khai tại 100% số đơn vị hành chính cấp

huyện, xã của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh, thành phố còn lại thí điểm không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP. Thực hiện quyết định này, ở cấp huyện, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP là công chức các phòng: Y tế, kinh tế, kinh tế và hạ tầng, nông nghiệp và phát triển nông thôn và viên chức trung tâm y tế. Ở cấp xã, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP là công chức văn hóa - xã hội, công chức phụ trách nông nghiệp, kinh tế và viên chức trạm y tế. Ngoài các công chức, viên chức nêu trên, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã căn cứ yêu cầu quản lý về ATTP của địa phương giao công chức, viên chức khác thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, cấp xã hoặc công chức, viên chức các đơn vị khác đóng trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý công chức, viên chức đó. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quyết định phân công người thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP; số lượng người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP...

Trao đổi với ông Hà Văn Giáp, Phó chánh Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP được biết: Việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đã mở rộng phạm vi, điều này đồng nghĩa với việc “trao quyền” cho các đơn vị chức năng đã bước đầu phát huy được quyền lực trong việc ngăn chặn thực phẩm bẩn. Điều này, không chỉ nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP, mà còn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh. Vai trò của người đứng đầu cũng đã được “khắc họa” rõ nét. Việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở tuyến huyện và xã, phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP, huy động nguồn lực cho công tác quản lý ATTP.

Tại Thanh Hóa, ngày 29-1, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND về việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP kể từ ngày 10-7-2019; được triển khai tại 6 huyện, thành phố bao gồm: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Tĩnh Gia và 30 xã, phường, thị trấn trực thuộc.

Việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn được chọn thực hiện thí điểm; tạo sự chuyển biến tích cực về công tác bảo đảm ATTP, nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]