(Baothanhhoa.vn) - Những cung đường ngoằn ngoèo với vực sâu hun hút, cái lạnh giá vây bủa đến thắt lồng ngực... Nếu ai lần đầu lên vùng cao biên giới, ít nhiều đều có cảm giác sợ hãi về độ an toàn của hành trình. Nhưng tôi lại yêu say đắm những cung đường ấy. Mỗi năm vào mùa xuân, tôi thường thực hiện một hành trình dọc miền biên ải, để được thưởng thức không khí trong lành của bao la của núi rừng, nghe tâm hồn lắng dịu trong sự bình yên của vùng “phên giậu” quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết ấm biên cương

Tết ấm biên cương

Trẻ em bản Cơm, xã Pù Nhi (Mường Lát). Ảnh: M.A

Những cung đường ngoằn ngoèo với vực sâu hun hút, cái lạnh giá vây bủa đến thắt lồng ngực... Nếu ai lần đầu lên vùng cao biên giới, ít nhiều đều có cảm giác sợ hãi về độ an toàn của hành trình. Nhưng tôi lại yêu say đắm những cung đường ấy. Mỗi năm vào mùa xuân, tôi thường thực hiện một hành trình dọc miền biên ải, để được thưởng thức không khí trong lành của bao la của núi rừng, nghe tâm hồn lắng dịu trong sự bình yên của vùng “phên giậu” quê hương.

Những cung đường sáng

Còn nhớ mùa xuân cách đây 20 năm, lần đầu tiên tôi lên biên giới miền Tây Thanh Hóa. Trải nghiệm về chuyến đi ấy là một cung đường khủng khiếp với bụi đỏ lầm lụi, những khúc cua tay áo chóng mặt. Giờ đây, những con đường đã trải nhựa đẹp như những thảm lụa uốn mình giữa màu xanh của núi rừng trùng điệp.

Mường Lát, huyện cao nhất của xứ Thanh nay đã có đường vành đai biên giới và rất nhiều tuyến đường nối bản được thảm nhựa, bê tông. Trước đây, từ trung tâm xã Quang Chiểu lên đến bản Pù Đứa, chúng tôi phải đi bộ hết một ngày đường, chân sưng phù nhức nhối. Bây giờ, ô tô, xe máy thong dong lên đến tận bản chỉ trong vài chục phút. Pù Đứa là một đỉnh núi cao có khoảng 80 hộ dân tộc Mông sinh sống. Trước kia chưa có đường, cuộc sống của bà con hầu như hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Nay có đường giao thông thì trẻ con đến trường thuận tiện, phụ nữ được giao tiếp nhiều hơn nên không còn e thẹn với người lạ như trước, đã có thêm nhiều người biết tiếng Kinh. Tôi gặp già bản Thao Nhia Thái dẫn một bầy cháu đi chơi, cụ vui mừng chia sẻ: “Ai ngờ cuối đời, mình đã được nhìn thấy cái ô tô lên tới tận nhà. Trước đây con ngựa về chợ cũng chồn chân, nay dân bản đi “ngựa sắt” hết rồi”. Già Thao Nhia Thái không còn phải khó nhọc leo từng bậc dốc như trước, cảm thấy tuổi già của mình thanh thản hơn khi cuộc sống bản làng đã thay đổi một trời một vực.

Những năm gần đây, các tuyến đường liên xã vùng biên giới được trải nhựa, các tuyến đường liên thôn bản cũng được bê tông hóa, tạo điều kiện cho đồng bào giao lưu, trao đổi hàng hóa ra bên ngoài, nhất là các bản dân tộc Mông trên núi cao. Những cung đường huyết mạch được rải nhựa hoàn thiện như Quốc lộ 15C nối liền Hồi Xuân đến tận Mường Chanh, Cửa khẩu Tén Tằn, tỉnh lộ 21D từ trung tâm thị trấn Mường Lát đến cầu Chiềng Nưa, Quốc lộ 16 nối liền xã Trung Lý đến xã Mường Lý... rồi các tuyến đường lên các bản Ón, Sài Khao, Con Dao, Suối Tút, Tà Cóm, Cò Cài... được xây dựng, xe máy có thể đến tận nhà dân. Đường lên các đỉnh cao Piềng Mòn, Pù Đứa, Pha Đén đã được bê tông hóa. Nhiều nơi xe ô tô vào được tận bản, xóa dần cảnh “bộ hành” vất vả, bớt đi tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vào mùa mưa lũ.

Thời gian qua, nhiều dự án lớn được thực hiện như: Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 217 đi Cửa khẩu quốc tế Na Mèo; Quốc lộ 15C đi cửa khẩu Tén Tằn; có 15 tuyến đường được mở mới đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô; các tuyến đường ngang nối các huyện phía Tây Thanh Hóa; đường giao thông từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát; đường từ Sông Lò, huyện Quan Sơn đi xã Nam Động, huyện Quan Hóa... Những công trình giao thông ở các huyện miền Tây xứ Thanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, kết nối với các tỉnh lân cận và nước bạn Lào. Có đường thì hàng hóa tiêu dùng được đưa đến tận nơi, bà con làm ra mặt hàng gì cũng có người đến tận nhà mua gom, không còn vất vả gùi thồ trèo đèo lội suối xuống chợ như trước. Có đường về bản, người dân được giải phóng sự khó nhọc của đôi vai, đôi chân, có bệnh tật thì đi viện kịp thời, trẻ con đến trường nhanh hơn, cuộc sống như được sang trang mới. Những con đường mới được mở ra, cũng là mở đường đến với lòng dân. Cán bộ huyện, xã, anh em chiến sĩ biên phòng có điều kiện bám bản, bám dân; việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Lên miền biên ải xứ Thanh vào mùa xuân, sẽ thấy những cung đường bừng lên dưới nắng trời, tạo thành những vệt sáng rạng ngời giữa sắc màu tươi xanh của núi rừng. Những cung đường mang ánh sáng văn minh, niềm tin, hy vọng lên tới những đỉnh cao mây phủ, xua đi giá lạnh, mang đến cho đồng bào các dân tộc vùng cao một tương lai tốt đẹp hơn.

Điện sáng đỉnh trời

Lần ấy, chúng tôi lên bản Pù Đứa thuộc địa phận quản lý của Đồn Biên phòng Quang Chiểu đúng vào lúc diễn ra trận bán kết Việt Nam - Qatar, Giải đấu U23 châu Á. Tưởng nơi heo hút này sẽ không được xem bóng đá, ngờ đâu nhờ điện lưới quốc gia vừa được kéo lên, bà con đã nhanh chóng sắm “cái con ti vi”. Chứng kiến loạt penalty “cân não” phát lộ tài năng của thủ môn Bùi Tiến Dũng và bàn thắng quyết định đưa Việt Nam vào chung kết, phóng viên Lê Văn Tiến Dũng ôm vai bá cổ anh em biên phòng “Cảm ơn Đảng và Chính phủ” vì đã cho đường điện lên bản để xem bóng đá. Trong khi đó, dưới thành phố có mấy khu dân cư bị cúp điện cục bộ, anh em ở nhà lên facebook hỏi anh em trên Pù Đứa lúc này tỷ số “ra răng”, thật là “mất điện thành phố ngố hơn nhà quê”! Càng thấm thía giá trị của điện lưới quốc gia trên vùng đỉnh trời này như thế nào! Trong men say chiến thắng, phóng viên Lê Quang rủ bầy trẻ nít cầm cờ đỏ sao vàng chạy quanh bản hò reo“Việt Nam vô địch” giữa rừng hoa mơ, hoa mận trắng như tuyết, dưới màu trời xanh lồng lộng, nhờ đó đã quay được những thước phim không thể nào đẹp hơn.

Vào mùa rét, nghỉ đêm ở vùng rừng núi khách lạ thường có cảm giác heo hút, cô độc. Nhưng lần ấy dừng chân ở bản Piềng Mòn xã Tén Tằn, huyện Mường Lát vào lúc trời xẩm tối, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì nơi rẻo cao này bừng lên ánh điện, đẹp như khu dân cư nơi phố thị. Chị Vi Thị Hoa, chủ một ngôi nhà ven đường cho chúng tôi biết: Bản mới thành lập năm 2017 và vừa có điện lưới quốc gia. Nhờ ánh sáng điện mà chị có thể dệt cửi ban đêm, bọn trẻ có đèn sáng, không phải dùng đèn dầu tù mù nên học hành chăm chỉ, chuyên cần hơn. Bà con bản Piềng Mòn rất phấn khởi, bởi nhờ có điện, ngày tết trở nên vui tươi hơn vì có ti vi để xem pháo hoa đêm giao thừa.

Dọc hành trình du xuân những ngày giáp tết, năm nào chúng tôi cũng gặp những kỹ sư, công nhân ngành điện đang dựng cột, kéo dây qua những cung đường đèo dốc, sông suối hiểm trở, đưa nguồn sáng đến các bản vùng cao. Việc xây dựng những công trình điện trên địa bàn miền núi vô cùng gian lao, anh em phải ròng rã hàng tháng trời trong thời tiết khắc nghiệt để kịp thời đưa dòng điện đến với các bản làng đúng tiến độ. Nhờ đó những năm qua, nhiều thôn, bản vùng núi cao đã có điện lưới quốc gia. Có điện, đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng ti vi, máy tính, tiếp cận với thông tin khoa học kỹ thuật, từ đó thay đổi tư duy, tập quán làm ăn, từ bỏ du canh du cư, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và sử dụng những tiện nghi điện máy trong sinh hoạt hàng ngày, nâng cao chất lượng sống, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định.

Hoa trên nòng súng

Hành trình du xuân của chúng tôi hầu như không thể thiếu điểm dừng chân là các đồn biên phòng dọc biên giới. Khu vực cửa khẩu Tén Tằn là nơi tiếp giáp với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào, thuộc địa phận quản lý của Đồn Biên phòng Tén Tằn. Đồn Biên phòng Tén Tằn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 22,5 km đường biên với 9 mốc quốc giới thuộc tuyến biên giới Việt – Lào. Ngoài việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên giới, Đồn Biên phòng Tén Tằn còn thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng nước bạn tổ chức các hoạt động song phương, tạo điều kiện cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa, đồng thời góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội. Theo chân các anh trên đường tuần tra, chúng tôi phần nào thấu hiểu những vất vả cực nhọc của những người lính biên phòng hai nước. Nơi đây thường xuyên xảy ra những hoạt động ngầm của các đối tượng buôn bán ma túy, vì vậy không lúc nào các cán bộ, chiến sĩ biên phòng lơi là nhiệm vụ.

Qua cửa khẩu, chúng tôi sang thăm bà con dân bản Xổm Vắng, nước bạn Lào. Ông trưởng bản Xổm Bun So Khăm Phênh vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi rất yêu quý và biết ơn bộ đội biên phòng Việt Nam, các anh giúp đỡ bà con nhiều lắm, đỡ đầu cho con cháu những gia đình nghèo trong bản đi học”. Chúng tôi gặp nhiều chị em Việt Nam sang bản Xổm Vắng lấy chồng, bên khung dệt, họ kể về cuộc sống hôn nhân Việt - Lào, niềm mong ước xây dựng tương lai cho con cái sau này. Trong mắt họ dù còn đọng nỗi lo toan mưu sinh thường ngày nhưng vẫn ánh lên niềm hạnh phúc khi nhắc về quê hương xứ sở Việt Nam.

Trên địa bàn huyện Mường Lát, Đồn Biên phòng Quang Chiểu là đồn xa nhất, quản lý đường biên dài nhất với 44,9 km, 22 cột mốc, có Trạm kiểm soát biên phòng Cang, tiếp giáp với huyện Viêng Xay, nước bạn Lào. Trạm Biên phòng Cang quản lý cột mốc đôi 294, nằm ở bờ suối Sim, một trong những nhánh nguồn của dòng sông Mã. Có lần đi cùng đoàn thiện nguyện “Tôi yêu Thanh Hóa”, chúng tôi đứng nghiêm bên cột mốc cùng các chiến sĩ biên phòng hai nước thực hiện nghi thức chào cờ, rồi các bạn tình nguyện viên nhảy flasmod bài hát “Nối vòng tay lớn” sôi động cả núi rừng. Chúng tôi hướng về phía Tổ quốc hô vang “Tôi yêu Việt Nam”, và hướng về phía Lào, chắp tay cất lời chào truyền thống của nước bạn “Sabaiđi”, thấy dòng cảm xúc thiêng liêng cuộn trào trong huyết quản. Trò chuyện với những người lính, được biết các anh thường xuyên ăn tết xa nhà, ở lại đơn vị trực chiến và cắm bản. Dù nhớ gia đình, nhưng với các anh, bảo vệ đường biên cột mốc là nhiệm vụ thiêng liêng, là niềm vinh dự, tự hào của người chiến sĩ mang quân hàm xanh.

Một lần khác, chúng tôi theo chân các anh biên phòng Đồn Quang Chiểu lên bản Pù Đứa thăm hỏi, tặng quà các già làng, trưởng bản, người tham gia trông coi đường biên, cột mốc, gia đình chính sách, khó khăn. Chứng kiến các chiến sĩ biên phòng hòa mình trong cuộc vui với dân bản mà thấy lòng nao nức. Những bộ trang phục rực rỡ của dân tộc Mông hòa cùng màu áo xanh biên phòng trong tiếng khèn rộn rã, càng thấm đẫm ý nghĩa của câu nói “tình quân dân như cá với nước”. Khi trở về, bà con dân bản tặng các anh một cành đào đá rất đẹp. Ngắm người sĩ quan trẻ vai đeo súng, cành đào kề bên, ánh mắt tràn ngập niềm vui, tôi sững sờ trước vẻ đẹp rạng rỡ của những bông hoa đang nở bừng trên nòng súng.

Một mùa xuân mới lại về giữa đất trời. Bước chân của những chiến sĩ biên phòng vẫn ngày đêm không nghỉ, vững vàng tay súng, canh giữ bình yên cho Tổ quốc, mang đến những cái tết ấm cho đồng bào nơi biên cương.

Mai Anh


Mai Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]