(Baothanhhoa.vn) - Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ngay trên vùng biển Thanh Hóa - Nghệ An và bão số 3 đổ bộ vào đêm 18, rạng sáng 19-7, từ ngày 13 đến chiều ngày 19-7 ở Thanh Hóa có mưa, mưa to; khu vực đồng bằng ven biển và khu vực phía Nam, Tây Nam của tỉnh có nơi mưa rất to.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và bão số 3

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ngay trên vùng biển Thanh Hóa - Nghệ An và bão số 3 đổ bộ vào đêm 18, rạng sáng 19-7, từ ngày 13 đến chiều ngày 19-7 ở Thanh Hóa có mưa, mưa to; khu vực đồng bằng ven biển và khu vực phía Nam, Tây Nam của tỉnh có nơi mưa rất to.

Được tiêu nước kịp thời, nhiều diện tích lúa mới cấy tại phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn) đã thoát ngập úng. Ảnh: Lê Đồng

Tổng lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: Huyện Tĩnh Gia 552,5mm; huyện Triệu Sơn 454,1mm; TP Thanh Hóa 383,4mm; huyện Như Xuân 429,8mm...

Theo báo cáo nhanh của các địa phương và các ngành (tính đến 16h30 ngày 19-7), mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, công trình giao thông và gây ngập lụt cho diện tích lúa, hoa màu của nhân dân các địa phương. Toàn tỉnh có 730 ngôi nhà bị ngập, tập trung ở các huyện: Tĩnh Gia 713 nhà, Như Xuân 17 nhà; 12 nhà bị ảnh hưởng của sạt lở đất; 3 nhà bị đổ sập (Tĩnh Gia 1 nhà; TP Sầm Sơn 1 nhà; Yên Định 1 nhà); 4 nhà bị hư hỏng; 8 nhà bị tốc mái; 15 hộ dân phải di dời; 10 khu vực dân cư tại các huyện Quan Hóa và Quan Sơn bị cô lập. Về sản xuất, cả tỉnh có 2.028 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn; 10.692 ha lúa và 2.146 ha rau, hoa màu bị ngập trắng; hơn 300 ha mía và ngô gãy đổ; 55 ha dưa hấu gần đến kỳ thu hoạch bị hư hỏng... Người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng chịu nhiều tổn thất, khi có tới 542 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn; 700 con gia cầm và 2 con trâu bị chết, cuốn trôi. Nhiều công trình hư hỏng nặng, trong đó: 3 phòng học, phòng chức năng của ngành giáo dục bị hư hỏng, gần 800 m2 mái phòng học tốc mái; 3 đập dâng hư hại, hơn 6.000 m kênh mương và 5 cống dưới đê, cống nội đồng hư hỏng; 19 tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 36 cột điện hạ và cao thế đổ gãy...

Ngay trong ngày 19-7, các địa phương đã triển khai công tác kiểm tra, rà soát hệ thống công trình đê điều, hồ đập; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho công trình, đặc biệt tại các vị trí trọng điểm xung yếu. Riêng các huyện miền núi đã triển khai việc kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông, suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; các huyện, thành phố ven biển đã sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển trong phạm vi 200m đến nơi an toàn khi có lệnh.

Các công ty khai thác công trình thủy lợi đã tập trung toàn bộ máy móc, thiết bị vận hành 24/24h phục vụ tiêu úng. Đến nay đã vận hành 78 trạm bơm tiêu, cống tiêu trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để tiêu nước đệm cho các vùng có diện tích lúa mới gieo xạ bị ngập.

Bên cạnh đó, các ngành liên quan đang khắc phục những thiệt hại, sớm đưa mọi hoạt động trở lại bình thường.

*Những ngày qua, mưa lớn đã làm cho 4.342,5 ha cây trồng các loại trên địa bàn huyện Tĩnh Gia bị ngập trong nước; 178,9 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 300 con gia cầm bị nước cuốn trôi; 713 hộ dân tại các xã Hải Bình, Hải Thượng, Hải Yến, Hải Ninh, Tân Trường, Anh Sơn bị ngập cục bộ.

Mưa lũ cũng đã làm 18 xã bị thiệt hại về các công trình, hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi; sạt lở về kênh mương với tổng chiều dài 498 m = 348m3, 30m3 bờ bao nội đồng bị sạt lở, 489 tường rào bị sập, 1 nhà cấp 4 bị sập, 2 nhà bị tốc mái tôn, nhiều công trình trường học, trạm y tế bị tốc mái; 1 cống dưới đê, 3 cống nội đồng bị hư hỏng, 19 cột điện hạ thế bị gãy đổ, đường giao thông liên thôn bị sạt lở nhiều điểm với tổng chiều dài 950m, trên 2.000 cây xanh bị gãy đổ.

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả của mưa bão, ổn định đời sống nhân dân, Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tĩnh Gia đã thành lập các đoàn, các cụm công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền, nhân dân các xã, thôn, bản bị thiên tai, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. UBND huyện Tĩnh Gia đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với UBND các xã tập trung chỉ đạo tiêu úng. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, tổ chức tu sửa, vệ sinh nhà cửa, tiêu độc, khử trùng ổn định đời sống cho nhân dân. Chỉ đạo Điện lực Tĩnh Gia huy động lực lượng và phương tiện, thiết bị cần thiết để khắc phục sự cố đường tải điện bị hư hỏng trong thời gian sớm nhất.

Theo thống kê sơ bộ, mưa lớn trong những ngày qua đã làm cho 1.256 ha lúa trên địa bàn huyện Đông Sơn bị ngập, trong đó có 805 ha ngập trắng.

Ngay sau khi bão tan, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được các ngành, địa phương và người dân trên địa bàn nỗ lực triển khai. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện bám sát cơ sở kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tiến hành tiêu thoát nước cho những diện tích lúa mùa, hoa màu đang bị ngập lụt, hạn chế thấp nhất về thiệt hại. Công ty TNHH MTV Sông Chu - Chi nhánh Đông Sơn bố trí lực lượng tuần tra, xử lý, vận hành cống, đập trên toàn hệ thống tiêu để tiêu úng bảo vệ diện tích lúa mùa. Tuy nhiên ở một số địa phương nhiều diện tích ao hồ nuôi thủy sản, đồng ruộng đang bị ngập, việc khắc phục phải chờ nước rút bớt.

*Tại huyện Hậu Lộc đã có 121,8 ha lúa; 274,9 ha hoa màu bị ngập úng; 5 km kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng; 6,4 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hại từ 30-50%... ước tính tổng thiệt hại gần 8 tỷ đồng. Ngay sau khi bão đi qua, chính quyền địa phương, các ngành, lực lượng chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đã bắt tay vào khắc phục hậu quả. Trước đó, để chủ động kịp thời ứng phó với diễn biến cơn bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã có công điện gửi ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 27 xã, thị trấn và các ngành, đơn vị có liên quan để chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó. Tại các xã ven biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 752 phương tiện/4.081 lao động, trong đó hướng dẫn 641 phương tiện/3.544 lao động vào neo đậu tránh trú bão tại Cảng cá Hòa Lộc và 2 cửa Lạch Trường, Lạch Sung, đảm bảo an ninh trật tự khu vực tàu cá neo đậu, chống va đập, phòng chống cháy nổ và an toàn về người; hướng dẫn 111 phương tiện/537 lao động của Hậu Lộc neo đậu tại nơi tránh trú bão ở khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Nghệ An, Khánh Hòa; kiểm tra, hướng dẫn 225 chủ chòi canh ngao, 336 chòi canh nuôi trồng thủy sản/352 lao động tại bãi vùng triều và ven sông Lạch Trường, sông Lèn thuộc các xã Đa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Hòa Lộc, Xuân Lộc đưa lao động vào bờ... vì vậy đã hạn chế được thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

*Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quan Sơn, tính đến 15 giờ ngày 19-7, mưa lớn trên địa bàn huyện làm 4 hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất; 10 bản tạm thời bị cô lập do lũ cuốn trôi cầu tạm hoặc nước chảy siết tràn qua mặt đập; 3,5 ha lúa mới cấy bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; sạt lở 13 điểm taluy dọc tuyến Quốc lộ 217 và 6 điểm taluy dương tại Trường Tiểu học Sơn Hà, khu hội trường nhà văn hóa xã Sơn Hà, bờ kè sân Trường THCS Sơn Lư, ước tính khối lượng khoảng 5.000m3; 5 cầu tạm bị lũ cuốn trôi, đập tràn bản Hạ, xã Sơn Hà có nguy cơ bị vỡ...

Huyện đã phân công thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện xuống cơ sở kiểm tra các điểm xung yếu; yêu cầu các địa phương nhanh chóng di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; cắm các biển báo nguy hiểm để nhân dân không chủ quan đi qua sông, suối, đập tràn; không bắt cá, vớt củi, gỗ trên sông khi đang có lũ dâng cao, tránh thiệt hại về người và tài sản; sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

*Mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua khiến hàng chục hộ nông dân xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương không kịp thu hoạch dưa hấu và hoa màu. Nhiều diện tích trồng dưa hấu và hoa màu của người dân nơi đây có nguy cơ mất trắng. Theo thống kê của UBND xã, có khoảng 19,7 ha diện tích đất trồng dưa hấu và hoa màu của nông dân trong xã bị nước nhấn chìm. Trong đó các thôn: Điền, Thanh và Tân bị thiệt hại nặng, riêng thôn Tân có hơn 10 ha bị mất trắng. Ông Trần Xuân Lờ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cho biết: Hiện, xã đang thống kê toàn bộ diện tích dưa hấu và hoa màu của bà con trong xã, UBND xã cũng đang làm báo cáo tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra để trình lên huyện, đề nghị các cấp có phương án hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại.


PV và CTV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]