(Baothanhhoa.vn) - Không đủ tuổi, sức khỏe, điều kiện để đi lao động tại các công ty may mặc, giày da, vậy nhưng, nhiều phụ nữ nông thôn vẫn có cơ hội tìm được việc làm ổn định, có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Những năm gần đây, mô hình HTX, tổ hợp tác do nữ làm chủ đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong công tác tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ nông thôn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn từ mô hình HTX, tổ hợp tác do nữ làm chủ

Không đủ tuổi, sức khỏe, điều kiện để đi lao động tại các công ty may mặc, giày da, vậy nhưng, nhiều phụ nữ nông thôn vẫn có cơ hội tìm được việc làm ổn định, có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Những năm gần đây, mô hình HTX, tổ hợp tác do nữ làm chủ đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong công tác tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ nông thôn.

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn từ mô hình HTX, tổ hợp tác do nữ làm chủ

Sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu tại HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống).

Là thành viên của “câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo” xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, thấu hiểu nhu cầu việc làm của chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ khuyết tật, phụ nữ lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, năm 2010, chị Nguyễn Thị Thắm, xã Tân Thọ, đã quyết định thành lập HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ. Đến nay, sau gần 10 năm hoạt động, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã có một chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường, với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Để tạo thuận lợi cho chị em phụ nữ tranh thủ được thời gian nhàn rỗi tại gia đình, kết hợp công việc với chăm sóc gia đình, con cái, cách làm của chị Thắm là liên kết với các tổ sản xuất giao khoán sản phẩm cho người lao động sản xuất tại nhà. Đến nay, HTX đã liên kết sản xuất ổn định với khoảng 400 hộ tại các xã Tân Thọ, Tân Khang, Công Bình (Nông Cống), Quảng Long, Quảng Yên (Quảng Xương) và Đông Khê (Đông Sơn). Đối tượng lao động chủ yếu là phụ nữ nông thôn quá tuổi lao động, sức khỏe yếu, phụ nữ có con nhỏ, đặc biệt, có tới hơn 100 hội viên là người khuyết tật tham gia sản xuất. Bà Lê Thị Vinh, thôn 5, xã Tân Thọ, chia sẻ: Tham gia sản xuất cho HTX, chúng tôi được đào tạo nghề miễn phí và tạo việc làm với thu nhập khá ổn định. Công việc sản xuất hàng thủ công tuy đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng không quá áp lực, phù hợp với sức khỏe của từng người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Chỉ tranh thủ lúc nhàn rỗi, tôi cũng có thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Vì vậy, chúng tôi rất yên tâm gắn bó với công việc này.

Chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, cho biết: HTX đang nỗ lực để tiếp tục phát triển được nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, đáp ứng ngày càng cao hơn thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh duy trì các đơn hàng truyền thống, HTX cũng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều kênh thông tin để tiếp cận rộng rãi thị trường trong nước, tạo thêm ngày càng nhiều việc làm cho người lao động. Cũng từ năm 2019, HTX đã mở rộng sản xuất thêm lĩnh vực may gia công, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Tại huyện Hoằng Hóa, để tạo thuận lợi cho mô hình HTX, tổ hợp tác phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho các cơ sở hội tập huấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý, hướng dẫn thành lập các HTX, tổ hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho các thành viên HTX, tổ hợp tác tham gia các hoạt động giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Hiện nay, huyện Hoằng Hóa có hơn 30 mô hình HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ trên nhiều lĩnh vực, như: Tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, sản xuất rau an toàn..., tạo việc làm cho hàng trăm lao động, giúp hội viên phụ nữ khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Điển hình như tại HTX tiểu thủ công nghiệp may xuất khẩu Trung Kiên, xã Hoằng Kim có 9 thành viên là hội viên phụ nữ có nghề may, đan xuất khẩu. Hiện HTX có 3 cơ sở tại các xã Hoằng Hà, Hoằng Kim, Hoằng Khánh. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường khoảng 200 nghìn túi siêu thị và 1.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, tạo việc làm cho 300 lao động với thu nhập từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi cũng đang phát huy lợi thế trong các xu hướng liên kết sản xuất. Tuy mới thành lập, nhưng HTX dịch vụ chăn nuôi tổng hợp Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc) đã thu hút 27 thành viên tham gia. Đây là những hộ phát triển trang trại, gia trại tổng hợp, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã. Thay vì mạnh ai nhà ấy làm như trước đây, khi tham gia vào HTX, các thành viên cùng nhau hợp tác, ký kết nguồn thức ăn tập trung không qua khâu trung gian để có giá thấp nhất; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn giống vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, thú y phòng trừ dịch bệnh... HTX còn xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm cho hội viên tại chợ xã, trưng bày và giới thiệu các mặt hàng, như: Trứng gà, các loại thịt gia súc, gia cầm, rau màu, hoa quả... Hiện nay, đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định, tạo việc làm cho các thành viên.

Được biết, từ nguồn vốn thông qua các chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng HTX, tổ hợp tác tại tất cả 9 huyện miền núi. Tham gia mô hình, hội viên phụ nữ được hỗ trợ con giống, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân, hướng đến chăn nuôi an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều tổ hợp tác sau một thời gian hoạt động ngày càng quy tụ được nhiều thành viên, được “nâng cấp” thành lập HTX, như HTX chăn nuôi vịt Sơn Hà, xã Sơn Hà (Quan Sơn).

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 276 mô hình kinh tế tập thể do nữ làm chủ; trong đó, có 64 HTX, 62 tổ hợp tác và 150 tổ liên kết, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Hằng năm, mỗi mô hình đều giúp cho 2-5 hội viên phụ nữ thoát nghèo. Thực hiện kế hoạch năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang hỗ trợ xây dựng 27 mô hình kinh tế tập thể do nữ làm chủ. Để nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ hoạt động cho các HTX, tổ hợp tác, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thường xuyên kết nối giữa hoạt động dạy nghề, tư vấn nghề với hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, vận động hội viên tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, phát triển thị trường. Hội còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như ngày phụ nữ sáng tạo, xây dựng và duy trì gian hàng giới thiệu sản phẩm do phụ nữ làm ra nhằm tăng tính kết nối, tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác do nữ làm chủ.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]