(Baothanhhoa.vn) - Đảm bảo cho trẻ có một môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện là mục tiêu chung của mô hình “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” (XPTTPHVTE) đã và đang được các cấp, ngành, địa phương hướng đến. Việc xây dựng mô hình XPTTPHVTE góp phần tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ

Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ

Diễn đàn trẻ em là sân chơi bổ ích cho trẻ.

Đảm bảo cho trẻ có một môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện là mục tiêu chung của mô hình “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” (XPTTPHVTE) đã và đang được các cấp, ngành, địa phương hướng đến. Việc xây dựng mô hình XPTTPHVTE góp phần tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Huyện Thọ Xuân được đánh giá là một trong những “điểm sáng” trong thực hiện xây dựng XPTTPHVTE. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Việc tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống những hành vi vi phạm quyền trẻ em cũng được triển khai sâu rộng. Hàng năm, địa phương luôn tổ chức tốt các hoạt động như thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, ngày quốc tế thiếu nhi, tết trung thu và các hoạt động vui chơi cho trẻ...; 100% trẻ em trên địa bàn huyện được đăng ký khai sinh trước 5 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí, trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường... Ngoài ra, thông qua những phong trào như toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo... nhận thức của các bậc phụ huynh về việc tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn XPTTPHVTE, qua đó, không chỉ tạo điều kiện cho các em vui chơi an toàn lành mạnh, mà còn góp phần hình thành và tạo điều kiện để các em phát triển một cách toàn diện.

Tương tự như huyện Thọ Xuân, để đẩy mạnh công tác xây dựng XPTTPHVTE, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hà Trung đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương: Xây dựng trường học, điểm vui chơi, làm đường, tổ chức các hình thức vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, TDTT và hoạt động xã hội phù hợp với trẻ em ở từng lứa tuổi. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tham gia các hoạt động, được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến của mình..., giúp các em được hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, hệ thống giáo dục tiếp tục được phát triển, gồm đủ các cấp học, bậc học và của mọi thành phần kinh tế như công lập, dân lập và tư thục; cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục được tăng cường. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng được cải thiện. Trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. Các chỉ số về tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em, tử vong bà mẹ đều giảm...

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 890.976 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm gần 25% tổng dân số, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 42.992 trẻ em (chiếm 4,8%), trong đó 89% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau. Để triển khai hiệu quả công tác xây dựng XPTTPHVTE, hằng năm UBND tỉnh đều ban hành các văn bản, chỉ thị chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh xây dựng, triển khai hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (BVCSGDTE). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của công tác BVCSGDTE đối với mỗi gia đình và xã hội. Đồng thời tổ chức tập huấn về chấm điểm, đánh giá các chỉ tiêu XPTTPHVTE cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tại các địa phương. Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ lao động - thương binh và xã hội các cấp tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đăng ký, xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí XPTTPHVTE. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều thành lập ban chỉ đạo, ký cam kết thực hiện xây dựng XPTTPHVTE; các địa phương đều có nghị quyết về thực hiện công tác BVCSGDTE..., trong đó có nhiều địa phương đạt 100% XPTTPHVTE như: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn; các huyện, Yên Định, Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Hà Trung.

Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn đều quan tâm đầu tư các công trình thiết thực cho trẻ em như: Xây dựng trường học, mua sắm trang thiết bị dạy và học; xây dựng điểm vui chơi, tổ chức các hình thức vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, TDTT và hoạt động xã hội phù hợp với trẻ em ở từng lứa tuổi. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể, được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến của mình... giúp các em được hòa nhập với cộng đồng. Các địa phương đều tổ chức tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân về Luật BVCSGDTE, các chủ trương chính sách liên quan đến công tác BVCSGDTE trong giai đoạn hiện nay; lợi ích và sự cần thiết của việc xây dựng XPTTPHVTE; tuyên truyền sâu rộng các tiêu chuẩn XPTTPHVTE để gia đình, cộng đồng dân cư cùng tham gia phấn đấu thực hiện. Hoạt động BVCSGDTE luôn được thực hiện thường xuyên, đã tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành ở địa phương trong việc phối hợp thực hiện các tiêu chí liên quan đến trẻ em, tạo nên bước chuyển biến mới trong công tác BVCSGDTE. Ngoài các hoạt động nêu trên, tại các trường học phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị được thực hiện thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện, vui chơi, phát triển toàn diện của trẻ... Với những hoạt động đồng bộ, hiệu quả, đến nay toàn tỉnh có 569/635 xã, phường, thị trấn được công nhận là XPTTPHVTE, đạt 89,6% (tăng 6,5% so với năm 2017 và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2018 là 2,5%), tiếp tục duy trì và xây dựng 133.567 ngôi nhà, 728 trường học và 214 cộng đồng đạt tiêu chuẩn an toàn về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Xây dựng XPTTPHVTE là một trong những phong trào mang lại hiệu quả, góp phần tạo cho trẻ môi trường sống an toàn và lành mạnh, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chương trình xây dựng XPTTPHVTE được triển khai từ năm 2011 (theo Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ). Đến ngày 3-1-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg quy định lại tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận XPTTPHVTE. Theo đó, mỗi xã, phường để được công nhận phù hợp với trẻ em phải đảm bảo đạt 13 tiêu chí, trong đó có các tiêu chí quan trọng như tỷ lệ trẻ em được khai sinh đúng quy định, tỷ suất trẻ em bị xâm hại, mua bán, bạo lực, bắt cóc, hay có các vấn đề xã hội (ma túy, vi phạm pháp luật), tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích, lao động trong môi trường nặng nhọc, tỷ suất trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, được đến trường, được vui chơi giải trí...

Theo bà Lê Thị Tuyết, Phó trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Chương trình xây dựng XPTTPHVTE đã được thực hiện trong nhiều năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhất định, nhưng kết quả đạt được rất đáng phấn khởi. Nhìn chung, mô hình đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, đồng thời tạo điều kiện để những mầm non tương lai của đất nước được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]