(Baothanhhoa.vn) - Quảng cáo ngoài trời là một trong những hình thức quảng cáo có mặt tương đối sớm trong đời sống kinh tế - xã hội. Đến nay, dù đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo mới, hiện đại, song loại hình quảng cáo này vẫn giữ được chỗ đứng khó có thể thay thế...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quảng cáo ngoài trời:

Tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội

Tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội

Quảng cáo ngoài trời có thể mang lại hiệu quả thiết thực, nếu được quy hoạch và quản lý tốt.

Quảng cáo ngoài trời là một trong những hình thức quảng cáo có mặt tương đối sớm trong đời sống kinh tế - xã hội. Đến nay, dù đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo mới, hiện đại, song loại hình quảng cáo này vẫn giữ được chỗ đứng khó có thể thay thế...

Đa dạng nhưng...

TP Thanh Hóa - đô thị loại I và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng đồng thời là thị trường sôi động nhất của các loại hình quảng cáo ngoài trời. Từ các ngã 3, ngã 4 đại lộ, quốc lộ; mặt trước các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trung tâm đến các tuyến phố lớn nhỏ..., đâu đâu cũng có thể bắt gặp đủ các loại bảng, biển quảng cáo, với nhiều chất liệu và đủ loại kích cỡ. Sự phát triển của thị trường quảng cáo, một mặt phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khi các tổ chức và cá nhân có nhu cầu quảng cáo ngày càng cao, để gia tăng lợi ích kinh tế. Mặt khác, sự đa dạng của loại hình quảng cáo ngoài trời cũng đã và đang góp phần vào việc hoàn thiện diện mạo tổng thể cảnh quan đô thị hiện đại. Tuy nhiên, chính sự phát triển của loại hình quảng cáo này cũng đã và đang đặt ra cho công tác quản lý và quy hoạch quảng cáo nói riêng, quản lý và quy hoạch đô thị nói chung nhiều vấn đề cần quan tâm. Từ đó, định hình sự phát triển của loại hình quảng cáo ngoài trời sao cho hiệu quả, phù hợp và bảo đảm mỹ quan đô thị.

Karaoke là một trong những hình thức giải trí tương đối phổ biến hiện nay. Song loại hình kinh doanh này cũng đang đặt ra không ít vấn để bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng và chính quyền sở tại. Đó là việc bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, các điều kiện hoạt động kinh doanh, các quy định về cơ sở vật chất... Trong đó, việc bố trí các bảng, biển quảng cáo cũng phải bảo đảm các quy định về kích thước, hình thức, nội dung và tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, các quy định này, có lúc có nơi dường như vẫn đang bị không ít cơ sở xem nhẹ. Nhiều biển quảng cáo được thiết kế và bố trí đều vượt khung quy định. Chưa hết, trước nhiều tấm biển quảng cáo lớn che gần kín mặt tiền các tòa nhà, còn được “phụ họa” thêm các búi dây điện, cáp viễn thông treo lủng lẳng ngay sát. Tất cả đã và đang khiến cho nhiều điểm sinh hoạt văn hóa này, chẳng khác gì những “lô cốt ém lửa” nguy hiểm khôn lường. Cách đây vài năm, các vụ tai nạn cháy nổ quán karaoke gây chết người đã xảy ra liên tiếp trong cả nước. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có một phần từ việc bố trí các biển quảng cáo quá khổ, che chắn hết mặt tiền tòa nhà, khiến cho các đội cứu hộ khó tiếp cận hiện trường để giải cứu nạn nhân.

Nêu trên chỉ là một ví dụ về sự bất cập trong sử dụng các biển quảng cáo kinh doanh karaoke. Trên thực tế, việc quản lý, quy hoạch và bố trí, sắp xếp các biển quảng cáo ngoài trời hiện nay, gồm cả TP Thanh Hóa và nhiều huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, đang cho thấy phần nào sự lúng túng của các địa phương. Đây là loại hình quảng cáo tương đối nở rộ, do khả năng truyền tải thông tin, nội dung tuyên truyền, quảng cáo một cách thường xuyên, không ngừng nghỉ. Đồng thời, khả năng tiếp cận của loại hình quảng cáo này ở tất cả các địa bàn, vùng miền, giúp người dân tiếp cận thông tin một cách trực quan, liên tục, để từng bước “thấm dần” vào cảm quan và tác động đến tâm lý, nhu cầu, sở thích của con người. Thế nhưng, việc bố trí các biển quảng cáo – nhất là từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh hộ gia đình – một cách tự phát, mạnh ai nấy làm, thích kiểu gì làm kiểu đó, đang gây lộn xộn và làm mất mỹ quan. Chưa hết, các bảng quảng cáo, băng zôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo đa dạng kích cỡ, màu sắc thi nhau thò ra thụt vào, choán gần hết vỉa hè, giăng mắc trên cây xanh, cột đèn hay gắn trên các tòa nhà cao tầng... thật chẳng khác nào nồi lẩu thập cẩm và càng không thể nói là đang góp phần làm đẹp thêm diện mạo đô thị. Đó là chưa kể, nội dung quảng cáo khá nghèo nàn, còn hình thức phần đa là lạc hậu.

Siết chặt quản lý

Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định rất rõ “Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo” (Điều 8), trong đó, cấm quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự, mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Ngoài ra, treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng... cũng thuộc các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo nói chung, quảng cáo ngoài trời nói riêng. Đồng thời với quy định của Luật Quảng cáo, Thông tư 19/2013/TT-BXD ngày 31-10-2013 của Bộ Xây dựng, quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời cũng đã nêu rõ: Vị trí, địa điểm, khu vực lắp đặt và công tác quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ quy định của Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Điện lực, Luật Đường sắt. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân không được lắp biển, bảng quảng cáo trên các cột đèn chiếu sáng đô thị hoặc trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, nhằm đảm bảo các yếu tố mỹ quan đô thị, phòng cháy, chữa cháy...

Như vậy là, một tấm biển quảng cáo, dù kích cỡ lớn nhỏ ra sao cũng đều có những quy chuẩn chung và chịu sự quản lý của nhiều ngành chức năng, cùng hệ thống chính quyền các cấp. Tuy nhiên, nếu đối chiếu quy định với thực tế, không khó để nhận ra những bất cập. Ví như, việc treo băng zôn, bảng, biển quảng cáo trên cột đèn không phải chuyện hiếm lạ gì; việc sử dụng tiếng Anh “lai” tiếng Việt trên các bảng, biển quảng cáo lại càng không hiếm có khó tìm... Bên cạnh đó, các tấm biển quảng cáo được làm theo yêu cầu, sở thích của chủ thể quảng cáo (về màu sắc, kích thước, nội dung...), chắc chắn sẽ dễ tìm hơn những tấm biển quảng cáo bảo đảm đầy đủ các quy chuẩn theo luật định. Cũng theo Luật Quảng cáo, thì các biển quảng cáo ngoài trời phải ghi đầy đủ các thông tin liên quan đến tên, địa chỉ, cách thức liên hệ của đơn vị thực hiện. Thế nhưng, nhiều biển quảng cáo chỉ xuất hiện số điện thoại liên hệ, mà không có thêm bất kỳ thông tin nào liên quan, nhằm khẳng định tính hợp pháp của nó. Thêm một bất cập nữa trong công tác quản lý loại hình quảng cáo này, là việc xử lý các vi phạm. Bởi, nếu nội dung quảng cáo thuộc thẩm quyền quản lý của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; thì vị trí đặt các bảng, biển quảng cáo lại liên quan đến các ngành xây dựng, giao thông. Do đó, việc tháo dỡ các bảng, biển quảng cáo không phù hợp có thể thực hiện; nhưng phần khung, suờn kim loại, trụ bê tông lại liên quan đến quy trình cưỡng chế vi phạm xây dựng. Chính vì vậy, việc xử lý sẽ khó có thể triệt để, nếu không nói là đang gây khó cho các ngành chức năng và chính quyền các địa phương.

Không thể phủ nhận, đối với các bảng quảng cáo tấm lớn, có quy định rõ ràng về kích thước, nội dung, thẩm mỹ, vị trí được phép bố trí quảng cáo thương mại và vị trí dành cho tuyên truyền chính trị... thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn. Còn đối với các bảng, biển quảng cáo thuộc phạm vi hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thì việc quản lý, kiểm soát hiện vẫn đang gặp không ít khó khăn, lúng túng. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 3212/QĐ-UBND ngày 24-8-2018, về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quảng cáo ngoài trời tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phát triển hoạt động quảng cáo ngoài trời phải theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp các quy định của pháp luật và bảo đảm tính mỹ quan đô thị, an toàn giao thông. Đồng thời, áp dụng công nghệ quảng cáo tiên tiến, hiện đại, phù hợp với kiến trúc hạ tầng. Từ đó, phát huy tối đa hiệu quả của loại hình quảng cáo này vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ mục tiêu trên, việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời cần bám sát quy hoạch mặt bằng và kiến trúc đô thị. Trong đó, chú trọng đến các trục đường giao thông chính, các trung tâm thương mại, du lịch, vui chơi giải trí, các điểm tập trung đông dân cư, khu dịch vụ công... vừa góp phần cải thiện diện mạo đô thị, vừa phục vụ dân sinh.

Có thể nói, so với nhiều tỉnh/thành trong cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã có sự chủ động trong điều chỉnh và ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cũng như tháo gỡ nhiều nút thắt trong hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện nay. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và sử dụng hệ thống bảng quảng cáo ngoài trời đúng nội dung, vị trí, kiểu dáng quy định. Và suy cho cùng, quy hoạch đi trước một bước và triển khai hiệu quả quy hoạch sẽ tạo tiền đề vững chắc cho loại hình quảng cáo ngoài trời phát triển. Từ đó, mang lại nhiều lợi ích và giá trị kinh tế cho cả người dân, doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]