Khu vực học sinh Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa gửi xe.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tái diễn tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, vi phạm trật tự an toàn giao thông

(THO) - Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT); các trường trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT, nhưng phớt lờ các quy định, tình trạng học sinh đi xe mô tô đến trường, dàn hàng ba, hàng bốn, lạng lách, đánh võng trên đường... vẫn khá phổ biến.

Khu vực học sinh Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa gửi xe.

Học sinh vẫn ngang nhiên vi phạm

Ghi nhận của phóng viên tại một số trường học trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT như: Điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng; đi xe đạp, xe đạp điện dàn hàng ba, hàng bốn không đội mũ bảo hiểm; dừng đỗ lấn chiếm lòng lề đường... đang diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Nhất là, trào lưu sử dụng xe đạp điện, tái diễn tình trạng sử dụng xe mô tô đến trường của các em học sinh tiềm ẩn các nguy cơ mất ATGT trên các tuyến đường. Tại khu vực cổng các trường THPT Hàm Rồng, THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa), sau giờ tan học, từng nhóm học sinh ồ ạt lao ra đường, phóng xe, đạp xe dàn hàng ba, hàng bốn trêu đùa, đánh võng trên đường như “chốn không người”.

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm cấm và triển khai nhiều biện pháp quản lý nhưng tình trạng học sinh điều khiển xe mô tô đến trường vẫn diễn ra ở một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, trong đó có sự “tiếp tay” của một số hộ dân xung quanh các trường học nhận giữ xe mô tô của học sinh để thu tiền. Quan sát tại Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa), cho thấy: Không ít học sinh sử dụng xe mô tô đến trường (khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe); nhiều học sinh dàn hàng ngang trên những chiếc xe đạp điện và đua nhau phóng với tốc độ khá cao. Một số người dân cho biết đã có không ít trường hợp học sinh đi xe đạp điện va quệt với các phương tiện khác do phóng nhanh, vượt ẩu.

Sự quản lý, phối hợp còn lỏng lẻo

Việc học sinh vi phạm trật tự ATGT, trách nhiệm lớn thuộc về gia đình trong việc giáo dục và định hướng cho con cái. Thực tế cho thấy, không có cơ quan, tổ chức nào thực hiện giám sát và quản lý các em tốt hơn chính gia đình của mình. Cùng với nhà trường, gia đình là nơi trực tiếp giám sát, quản lý, giáo dục để giúp các em có những định hướng đúng trong cuộc sống. Tuy vậy, thực trạng hiện nay đang cho thấy, việc giám sát, quản lý các em lại nằm ngoài “tầm” kiểm soát của gia đình. Nhiều bậc phụ huynh khi được hỏi đều có chung tâm sự: Hôm nào con thông báo đến trường đi học là biết vậy thôi, chứ gia đình còn phải lo làm kinh tế lấy đâu thời gian để theo sát các con từng bước. Bên cạnh đó, lại có không ít gia đình khá giả “chăm lo”, nuông chiều thái quá, con chưa đến tuổi được sử dụng xe mô tô nhưng vẫn bất chấp quy định mua xe mô tô cho con đến trường; con điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm vẫn thờ ơ, không có biện pháp nhắc nhở. Chính sự nuông chiều và thờ ơ, buông lỏng quản lý nên nhiều gia đình đã vô tình tạo cơ hội cho con em sa đà chơi bời, tụ tập đua xe, trốn học chơi điện tử... đến khi nhà trường gửi thông báo đình chỉ học hay bị cơ quan chức năng xử lý, nhiều gia đình mới ngỡ ngàng...

Thực hiện các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm quy định về trật tự ATGT, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông, quy định về việc đội mũ bảo hiểm và tuân thủ các quy tắc ATGT. Đồng thời, chỉ đạo các trường triển khai họp phụ huynh học sinh để tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không giao xe mô tô cho học sinh điều khiển khi chưa có giấy phép lái xe; cam kết học sinh đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tham gia giao thông; quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật với những trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục học sinh; giao cho giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, có hình thức kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với học sinh.

Tuy vậy, chia sẻ về vấn đề này nhiều thầy, cô giáo cũng có ý kiến: Mặc dù nhà trường vẫn thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức cho các em học sinh ký cam kết giáo dục không đi xe mô tô ra đường, đến trường nhưng vẫn có những gia đình để con em mình sử dụng xe mô tô, xe gắn máy. Cùng với đó, cũng có không ít bậc phụ huynh đang có chung tâm lý phó mặc việc quản lý con em mình cho nhà trường, theo phương châm “giao khoán” như vậy, thì chẳng khác nào đang “đánh đố” nhà trường. Đành rằng, cũng cần phải khẳng định nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh nâng cao ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và khi có học sinh vi phạm cũng không thể nói là nhà trường không có trách nhiệm. Bởi lẽ, các trường vẫn tổ chức cho học sinh ký kết không vi phạm trật tự ATGT, nhưng thực tế là việc vi phạm của các em vẫn thường xuyên xảy ra và đang ngoài tầm kiểm soát của nhà trường. Như trường hợp học sinh đi xe mô tô đến trường thì các em đối phó bằng cách gửi xe ở ngoài trường học và ra khỏi cổng trường là cởi bỏ đồng phục để tránh bị thầy cô phát hiện.

Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT, góp phần bảo đảm ATGT học đường, rất cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó, ý thức chấp hành pháp luật của từng học sinh là điều hết sức quan trọng.


Bài và ảnh: Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]