(Baothanhhoa.vn) - Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn chưa đầy đủ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người

Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn chưa đầy đủ.

Tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm khoảng gần 30% trong tổng số bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khói thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất là tác nhân gây ung thư. Cứ hút mỗi điếu thuốc lá là tự mình làm mất đi 5,5 giây của cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút thuốc lá từ 5-8 năm. Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên nhiều bệnh, như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phình động mạch chủ, ung thư thực quản - thanh quản... Thuốc lá gây ra 25 bệnh khác nhau nhưng tính chung, thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mạn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được. Người không hút thuốc nếu hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) cũng bị ảnh hưởng tương tự như người hút thuốc lá trực tiếp. Cũng giống như người hút thuốc lá, Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc: Ung thư, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và tim mạch. Đặc biệt người hít phải khói thuốc có nguy cơ bị bệnh cao gấp 10 lần người hút thuốc. Với phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động có thể bị sảy thai, làm thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non. Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và con số này đến năm 2030 có thể tăng lên đến 70.000 người/năm. Tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao trong tổng số bệnh nhân điều trị, chiếm khoảng gần 30% trong tổng số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Hiện nay việc điều trị cho các bệnh nhân liên quan đến thuốc lá chỉ có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh chứ không thể chữa trị hoàn toàn.

Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, Việt Nam có khoảng 15,6 triệu người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47%, trung bình 2 nam giới có 1 người hút thuốc lá. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc... Tỷ lệ người hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế của đất nước. Trung bình mỗi năm, một người hút thuốc ở Việt Nam phải chi gần 700.000 đồng. Với 15,6 triệu người hút, mỗi năm có khoảng hơn 8.400 tỷ đồng cho mặt hàng này. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, chi tiêu cho thuốc lá ở nước ta cao gấp 3,6 lần phí tổn học hành, gấp 2,5 lần mức chi cho quần áo và gần gấp đôi mức chi cho khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, bệnh tật do thuốc lá gây ra làm tăng gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình và làm mất đi lực lượng lao động. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23.000 tỷ đồng một năm. Các tổn thất Việt Nam chưa tính được do sử dụng thuốc lá bao gồm chi phí điều trị các bệnh khác do thuốc lá gây ra. Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế, giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc trả tiền học cho con em mình.

Nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe cho những người không hút thuốc lá, hạn chế ảnh hưởng của khói thuốc lá nơi công cộng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2005 NĐ-CP, ngày 6-4-2005 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, theo đó sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi: Hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng (trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm); bán thuốc lá, thuốc lào cho trẻ em dưới 16 tuổi...

Cùng với cả nước, trong những năm qua, Thanh Hóa đã tích cực triển khai thực hiện công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), đã thành lập ban chỉ đạo PCTHTL của tỉnh. Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch và triển khai, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng trên hệ thống thông tin đại chúng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá; phát động phong trào thực hiện không khói thuốc lá; kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại nơi có quy định cấm; đưa tiêu chuẩn không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan... Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCTHTL trong công nhân, viên chức, lao động, từ đó nhận thức của người lao động về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường làm việc được nâng lên, từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn không ngừng gia tăng, việc thực hiện các quy định của Luật PCTHTL đã được triển khai nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế. Do đó, để thực hiện thành công cam kết của Việt Nam khi tham gia công ước, triển khai hiệu quả Luật PCTHTL cần sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ban, ngành, địa phương trong hoạt động PCTHTL.


Bài và ảnh: Hà Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]