(Baothanhhoa.vn) - Bình Sơn là xã miền núi, nằm cách trung tâm huyện Triệu Sơn khoảng 20 km về phía Tây. Không chỉ nổi tiếng với đặc sản chè xanh, mật ong rừng, Bình Sơn còn là một vùng đất bán sơn địa có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sức sống mới ở Bình Sơn

Bình Sơn là xã miền núi, nằm cách trung tâm huyện Triệu Sơn khoảng 20 km về phía Tây. Không chỉ nổi tiếng với đặc sản chè xanh, mật ong rừng, Bình Sơn còn là một vùng đất bán sơn địa có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Sức sống mới ở Bình SơnChè xanh là sản phẩm chủ lực của xã Bình Sơn (Triệu Sơn).

Anh Lò Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã và anh Lê Đình Tú, Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn tạm gác lại công việc, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã. Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi được thỏa sức ngắm nhìn những đồi chè hình bát úp rộng hàng trăm héc-ta, được phủ kín bởi một màu xanh ngát. Xa xa, thấp thoáng bóng dáng các cô thôn nữ, tay thoăn thoắt hái những búp chè tươi ngon khi trời còn chưa rạng...

- Con người hiền hòa, cảnh sắc tươi đẹp, Bình Sơn đâu kém gì thủ phủ chè Thái Nguyên anh nhỉ? – tôi mở lời.

Anh Tiến mỉm cười: - Cũng đúng một phần thôi em à. So với các xã trong huyện, Bình Sơn có nhiều khó khăn hơn, do xuất phát điểm thấp, thu nhập chủ yếu từ làm kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp; được thụ hưởng những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện dành cho địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn, xã vùng 135; tăng cường nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; phát huy tinh thần đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, linh hoạt, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền... Vì vậy, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo của xã có nhiều thay đổi so với những năm trước đây. Trong đó, nghề trồng chè nói riêng, kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản nói chung trên địa bàn xã đã có nhiều khởi sắc.

Anh Tiến đưa ra một vài con số để minh chứng cho điều anh vừa nói, đó là: Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 4,13% (mục tiêu là 3,7%), trong đó nông nghiệp tăng 4,37%, lâm nghiệp tăng 4,04%, thủy sản tăng 2,22%. Tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 ước đạt 28,4 tỷ đồng (mục tiêu là 28 tỷ đồng), tăng 22,4% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 35,3 triệu đồng (mục tiêu là 34 triệu đồng), gấp 1,81 lần so với năm 2015...

Để có được những con số đạt và vượt mục tiêu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Bình Sơn đã phải nỗ lực và quyết tâm rất cao. Trong trồng trọt, xã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống lúa năng suất, chất lượng vào sản xuất. Diện tích gieo cấy lúa năm 2020 ước đạt 88 ha, năng suất bình quân từ 52 tạ/ha trở lên. Sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 547 tấn. Trong chăn nuôi phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại, giảm chăn nuôi theo hộ gia đình.

Lâm nghiệp phát triển ổn định, bảo vệ, chăm sóc, khai thác có hiệu quả 957,31 ha rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 37,6%. Sản xuất thủy sản ngày càng phát triển, các mô hình nuôi cá năng suất, chất lượng đang được mở rộng ở nhiều hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hoá. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã là 14,3 ha, tổng sản lượng năm 2020 ước đạt 32,6 tấn, gấp 1,57 lần năm 2015, giá trị ước đạt 2,2 tỷ đồng.

Sản xuất hàng hóa gắn chuỗi giá trị với thế mạnh và đặc điểm của địa phương, kết hợp với mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm. Trên địa bàn xã có 2 sản phẩm OCOP, gồm chè khô và mật ong rừng, là các sản phẩm nông sản chủ lực mang thương hiệu Bình Sơn được bảo hộ. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn chủ yếu là các cơ sở sản xuất: cơ khí, nghề mộc dân dụng, sản xuất gạch không nung, sơ chế chè... góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động từ 45-50 triệu đồng/người/năm.

Là xã có diện tích sản xuất lúa ít, vì vậy xã đã quan tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đến nay có trên 75% diện tích lúa được gieo trồng bằng các giống năng suất cao, chất lượng khá. Xã đã chuyển đổi 5 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác theo mô hình áp dụng công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đàn bò lai hóa theo hướng ngoại, chăn nuôi lợn và gia cầm đang được chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo quy trình VietGAP.

Dịch vụ thương mại được phát triển đa dạng cả về quy mô và loại hình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân địa phương, như: dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải, kinh doanh tổng hợp, sửa chữa các phương tiện phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Toàn xã hiện có 40 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ cá thể, trong đó dịch vụ thương mại 33 cơ sở, dịch vụ vận tải 7 cơ sở, đây là các ngành dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỷ lệ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm đạt 10%. Chi ngân sách thực hiện theo kế hoạch. Công tác quản lý chi chủ yếu tập trung vào ưu tiên đầu tư một số công trình xây dựng hạ tầng nông thôn mới của xã và thực hiện cơ chế hỗ trợ các thôn làm đường giao thông, làm mới, xây dựng nhà văn hóa, mô hình sản xuất, chế độ, chính sách...

Bên cạnh phát triển kinh tế, xã Bình Sơn luôn chăm lo phát triển văn hóa - xã hội. Xã đã thực hiện các chính sách an sinh xã hội đảm bảo kịp thời, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa từ 65% năm 2015 lên 70% năm 2020. Đến nay toàn xã có 5/5 làng đạt danh hiệu làng văn hóa, 2 trường đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh, thường xuyên. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, đáp ứng việc dạy học và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 57% năm 2015, xuống còn 8,24% năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2020 còn 17,64%. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bước vào giai đoạn 2020 - 2025, xã Bình Sơn đặt ra 5 mục tiêu với 24 chỉ tiêu và 4 chương trình trọng tâm. Anh Tiến cho biết, để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm nói trên, xã sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, đó là: Đánh giá, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch phù hợp với việc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung tạo điều kiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Phát triển nguồn lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác dân vận của hệ thống chính trị, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã hội. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Với truyền thống cần cù, sáng tạo, đoàn kết và những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, tin rằng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Bình Sơn sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025, phấn đấu đến năm 2022 đạt chuẩn nông thôn mới. Từ một xã miền núi còn nhiều khó khăn, Bình Sơn đã và đang bừng lên sức sống mới...

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài Và Ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]