(Baothanhhoa.vn) - Làng Quyết Thắng (xã Vạn Thắng, Nông Cống) những ngày cuối năm, ngôi làng nhỏ yên bình nằm bên bờ sông Yên thêm rộn ràng bởi hoạt động sản xuất hương bài truyền thống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sức sống làng nghề làm hương bài Quyết Thắng

Sức sống làng nghề làm hương bài Quyết Thắng

Hương bài truyền thống làng Quyết Thắng được đóng gói theo phương pháp thủ công.

Làng Quyết Thắng (xã Vạn Thắng, Nông Cống) những ngày cuối năm, ngôi làng nhỏ yên bình nằm bên bờ sông Yên thêm rộn ràng bởi hoạt động sản xuất hương bài truyền thống.

Hơn 500 năm đã trôi qua với đầy những thăng trầm, biến ảo của cuộc sống, những người con làng Quyết Thắng vẫn kiên trì, bền bỉ giữ lại cho đời mùi khói hương thành kính, nhuốm màu sắc tâm linh. Đối với người dân nơi đây, nghề truyền thống làm hương bài không chỉ là món quà quý báu cha ông đã để lại mà hơn hết, nó là biểu tượng của mạch nguồn văn hóa làng, xã được hun đúc tự bao đời.

Theo hồi tưởng của các cụ cao niên trong làng, nghề làm hương bài được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 16, trên đất làng Giãn Hiền (xã Vạn Thắng) với tên gọi hương Bái Hạ. Theo thời gian cùng những biến cố lịch sử, nghề dần bị mai một, thất truyền. Mãi đến năm 1815, khi ông Vũ Đình Phạm truyền nghề lại cho các con của ông là Vũ Đình Nguyên, Vũ Đình Ca thì nghề làm hương bài mới được gây dựng lại tại thôn Quyết Thắng (xã Vạn Thắng). Kể từ đó cho đến nay, bao thế hệ người dân thôn Quyết Thắng chung tay gìn giữ và phát triển nghề theo hình thức cha truyền con nối, bà con làng xóm học tập lẫn nhau. Từ một làng nghề đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, gạch tên, tính đến thời điểm hiện tại, làng nghề làm hương bài Quyết Thắng có 64 hộ gia đình tham gia sản xuất, trong đó có khoảng 15 – 20 hộ gia đình sản xuất thường xuyên. Ông Lê Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng nhận định: “Phát triển nghề làm hương bài truyền thống giúp giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là trong những thời điểm nông nhàn; tạo thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế chung của làng, xã. Từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới”.

Với quãng thời gian gần 30 năm gắn bó, ông Nguyễn Văn Dân (thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng) khái quát về nghề: Để làm ra được sản phẩm hương bài đạt chuẩn cả mẫu mã lẫn mùi hương phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Nó đặt ra yêu cầu khắt khe trong việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Người làm hương không đơn thuần chỉ có sức khỏe tốt, đôi bàn tay linh hoạt mà quan trọng nhất là phải có sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng thao tác. Sản phẩm hương bài của làng Quyết Thắng được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp thủ công với các nguyên liệu chính gồm: Tăm tre, nứa, than hoa với các loại thảo mộc có sẵn trong tự nhiên như nhựa cây trám, củ và rễ cây bài... Những nguyên liệu này chủ yếu được nhập về từ một số huyện miền núi của tỉnh và các tỉnh lân cận, chỉ một phần nhỏ được khai thác ở huyện Nông Cống. Theo ông Dân, trước đây, muốn làm hương bài phải tốn rất nhiều tâm tư, sức lực. Nào lên rừng chặt tre, nứa mang về, củ bài mài sao cho mịn thành bột, than hoa giã bằng chày sao cho khỏe, tay xe hương sao cho thật khéo, thật nhanh... Theo thời gian, nhằm đáp ứng những yêu cầu về quy mô, chất lượng sản phẩm của thị trường mà người dân làng Quyết Thắng đã có sự điều chỉnh về quy trình sản xuất, đưa máy móc vào ứng dụng ở một số khâu như: Trộn nguyên liệu, xe hương. Quy trình sản xuất hương bài hiện nay được ông Dân chia sẻ: Nhựa trám mua về được nung qua nhiều giờ cho tan chảy, sau đó sẽ lọc qua để gạn bỏ tạp chất, giữ lại phần tinh nhựa. Tinh nhựa trám trộn lẫn cùng than đen rồi đổ tất cả hỗn hợp vào máy trộn cho nhuyễn. Hỗn hợp này sau đó được xe vào tăm hương trước khi mang đi phơi khô.

Đốt lên một nén hương bài mà cơ sở sản xuất, ông Dân tự hào chia sẻ: “Khác với các sản phẩm hương bài khác trên thị trường, hương bài truyền thống làng Quyết Thắng có mùi hương dịu nhẹ, phảng phất rất đặc trưng và đặc biệt tốt cho sức khỏe bởi nguyên liệu làm ra hoàn toàn từ các loại thảo mộc. Mùi hương ấy khiến lòng người chẳng ai giục giã mà cũng cứ cảm thấy náo nức, rạo rực như tết đã đến, xuân đã về rất gần”. Có lẽ vì say mùi hương bài truyền thống của cha ông mà trải qua bao thăng trầm cùng nghề, ông Dân vẫn không ngừng cố gắng học hỏi, quyết tâm phát triển nghề. Từ một chàng thanh niên hằng ngày vẫn chăm chỉ đi “học lỏm” quy trình, cách thức làm hương đến nay, ông Dân đã mở được 1 cơ sở sản xuất có quy mô lớn nhất, nhì của xã Vạn Thắng. Hằng năm, cơ sở sản xuất hương xạ Dân Duyên sản xuất được khoảng trên 2 triệu nén hương, trung bình mỗi tháng khoảng 150.000 nén hương. Với giá thành tùy theo chất lượng, quy cách sản phẩm, dao động trong khoảng từ 15.000 đồng/bó đến 150.000 đồng/bó (100 nén hương/bó), cơ sở thu nhập trung bình 15 – 20 triệu đồng/tháng. Trong những tháng cao điểm như dịp lễ, tết, sản lượng tăng lên khoảng từ 500 – 700.000 nén hương/tháng. Cũng trong những tháng cao điểm này, ngoài 3 lao động thường xuyên làm việc, cơ sở thuê thêm 2-3 lao động thời vụ với mức lương dao động khoảng trên dưới 4 triệu đồng/người. Bước sang năm 2019, ông Dân đang ấp ủ nhiều dự định tốt lành cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở như: Mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm. Tuy nhiên, công việc phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết cùng sức ép thị trường và đặc biệt là nguồn vốn... vẫn luôn là những nỗi trăn trở thường trực đối với ông Dân.

Không sản xuất thường xuyên như gia đình ông Dân, gia đình ông Ngô Thọ Biên (làng Quyết Thắng, xã Vạn Thắng) chủ yếu sản xuất theo thời vụ, tập trung cao điểm vào những tháng giáp tết với sản lượng đạt khoảng 20 – 30.000 nén hương/tháng. Hiện tại, gia đình ông Biên chỉ sản xuất hương xạ, quy cách sản phẩm có sự khác nhau tùy thuộc vào giá cả: Hương tăm ngắn có giá 20 – 30.000 đồng/bó (100 nén hương/bó); hương dài 50 – 60 cm có giá 60 – 100.000 đồng/bó (100 nén hương/bó). Trải qua 3 đời làm hương bài truyền thống, ông Biên đúc kết lại kinh nghiệm phát triển nghề trong một câu nhận định: “Đối với bất kỳ một làng nghề nào cũng thế, muốn tồn tại được phải dựa trên nền tảng cái tâm làm nghề. Không có cái tâm làm nghề rất dễ đánh mất mình, mất nghề theo vòng cuốn của thị trường. Ở đây, ai duy trì được chất lượng sản phẩm truyền thống tốt thì sẽ thu hút được khách hàng”.

Bằng ý chí, nghị lực vươn lên cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, tin rằng làng nghề làm hương bài Quyết Thắng sẽ có cơ hội vươn xa hơn, khẳng định được thương hiệu và sức sống bền vững.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]