(Baothanhhoa.vn) - Do ham lợi nhuận, không ít chủ cửa hàng kinh doanh trà sữa trên địa bàn tỉnh đã nhập nguồn hàng “siêu rẻ”, chưa được kiểm chứng về nguồn gốc, chất lượng để làm nguyên liệu chế biến trà sữa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sự thật đằng sau những cốc trà sữa trân châu giá rẻ

Do ham lợi nhuận, không ít chủ cửa hàng kinh doanh trà sữa trên địa bàn tỉnh đã nhập nguồn hàng “siêu rẻ”, chưa được kiểm chứng về nguồn gốc, chất lượng để làm nguyên liệu chế biến trà sữa.

Với hơn 100.000 đồng, có thể mua được đầy đủ nguyên liệu để pha chế hàng chục cốc trà sữa.

Chỉ với 100.000 đồng nguyên liệu

Đi dọc trên các con đường Lê Lai, Lê Qúy Đôn, Chu Văn An... TP Thanh Hóa, chúng tôi dễ dàng đọc tên khoảng chục quán trà sữa của các thương hiệu, như: Gongcha, BobaBop, DingTea, Tocotoco... cho đến những quán ăn vặt không tên dành cho học sinh, sinh viên. Bước vào một quán ăn vặt dành cho sinh viên trên đường Chu Văn An, điều đầu tiên chúng tôi thấy, trên quầy hàng là các can nhựa nhỏ, vỏ màu trắng, bên trong mỗi can là một thứ nước với các loại màu sắc khác nhau, cùng các hộp đựng bột hương liệu để tạo mùi, vị cho trà sữa. Điều đáng nói là hầu hết các can và hộp đựng hương liệu trên đều không có nhãn mác, nếu có nhãn mác thì chỉ ghi những thông tin sơ sài, khó có thể dựa vào đó để truy xuất nguồn gốc.

Trong vai một người đi học nghề pha chế trà sữa, chúng tôi tiếp cận một tiệm trà sữa ven đường Lê Lai. Đây là cửa hàng trà sữa do bà N. làm chủ. Khi đã đủ thân quen, bà N. tiết lộ: “Trước kia, khi mới mở hàng, cô dùng sữa đặc để hòa vào trà bán cho khách. Tuy nhiên, bán được khoảng 1 tháng thì cảm thấy không ổn do số vốn bỏ ra nhiều mà thu hồi không được bao nhiêu. Cô hỏi mấy chủ cửa hàng khác mới biết là họ không dùng sữa đặc mà dùng bột sữa để pha với trà. Điều này giảm được 5 lần chi phí so với dùng sữa đặc”.

Nói về cách thức pha trà sữa, bà N. tiết lộ: “Tất cả nguyên liệu đều phải được chế biến sẵn, khi khách vào chỉ việc cho vào cốc và thêm trân châu, đá, thạch, hương liệu nữa là xong. Cộng thêm các chi phí khác như ly, đá, ống hút, bao nilon thì tổng chi phí chỉ khoảng vài ngàn đồng/cốc trà sữa. Trung bình, 1 gói bột sữa với giá 65.000 đồng/1kg có thể pha chế được hàng trăm ly trà sữa. Hạt trân châu ngoài thị trường bán 2 loại: Loại chưa luộc, loại đã luộc sống và ngâm trong đường rồi về chỉ việc múc ra bỏ vào trà, cô thì hay mua loại sống về luộc. Loại này rẻ hơn rất nhiều, 17.000 đồng/kg nhưng có thể dùng được ít nhất cho 50 ly trà sữa”.

Khi tôi thắc mắc về chất lượng nguyên liệu giá rẻ liệu có đảm bảo an toàn, bà N. cho hay: “Từ trước đến nay, cô chưa thấy ai phản ánh việc uống trà sữa bị ngộ độc hay đau bụng...”.

Không chỉ dùng nguyên liệu thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ để làm trà sữa, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản tại các tiệm trà sữa giá rẻ cũng rất đáng lo ngại. Trà, sữa được pha sẵn để trong tủ bảo ôn nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Khi có khách, họ rót vào cốc nhựa dùng một lần để bán cho khách. Ngoài ra, thạch, hạt trân châu cũng thường được chế biến trước và bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần. Anh T. (nhân viên quántrà sữa X. trên đường Lê Qúy Đôn) tiết lộ: “Hơn 5 năm làm việc ở cửa hàng trà sữa, tôi chỉ bán chứ không dám uống. Bởi, ngoài sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc thì khâu bảo quản ở các tiệm trà sữa khá kém”.

Để tìm hiểu thực trạng các nguyên liệu làm trà sữa không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường, trong vai một người mới mở cửa hàng kinh doanh trà sữa, tôi đến chợ Vườn Hoa và đường Đinh Lễ - nơi có nhiều cơ sở kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm của TP Thanh Hóa. Sau khi lân la ở một vài cửa hàng bên trong chợ, chúng tôi được một tiểu thương giới thiệu vào gian hàng của bà B. trên đường Đinh Lễ. Thấy khách đến, một nhân viên nam trong cửa hàng niềm nở ra bắt chuyện: “Em muốn mua mặt hàng gì? Ở đây anh có bán đầy đủ từ bột sữa, trà, thạch đến các loại hương vị cho trà sữa... ”.

Đặt vấn đề mua hồng trà để làm trà sữa, người đàn ông lấy ra một bịch màu xanh có giá hơn 200.000 đồng. Thấy chúng tôi chê đắt, bán sẽ không có lời thì người đàn ông nói: “Anh tưởng em mua về nhà làm nên mới đưa loại “xịn” chứ mua về bán thì anh có loại khác giá cả hợp lý hơn”. Nói xong, người đàn ông lấy ra một túi màu đỏ, trên vỏ bao bì in chữ Trung Quốc và cho biết đây là hồng trà được bán với giá 65.000 đồng/1 gói/10 túi nhỏ, loại này được các chủ cửa hàng trà sữa rất ưa dùng. “Cái này là hồng trà của Trung Quốc nên giá rẻ hơn các loại khác, bán mới có lời. Anh cam đoan với em là khi về pha ra mùi vị không khác gì nhau. Có khi còn hấp dẫn hơn...”.

Rời cửa hàng bà B., chúng tôi đến một gian hàng khác để mua hương vị pha trà sữa. Đứng từ bên ngoài quan sát, chúng tôi nhìn thấy vô số can nhựa cỡ 1-2 lít được đặt trên các kệ hàng, không có nhãn mác, bên ngoài chỉ ghi dòng chữ: Hương sầu riêng, hương dâu, hương vải,... người phụ nữ khoảng 50 tuổi nói: “Đắt nhất là hương chocolate có giá hơn 300.000 nghìn đồng/kg; rẻ nhất là hương vải có giá hơn 100.000 nghìn đồng/kg, em lấy loại nào?”. Quan sát thấy những can nhựa trên kệ hàng đã cũ, tôi hỏi người bán hàng: “Cái này chắc để lâu rồi không biết có còn hạn sử dụng? Uống vào có bị sao không?”; “Cái này làm gì có hạn sử dụng, người ta mua về bán có nghe phản ánh ai bị ngộ độc gì đâu” – người bán hàng trả lời.

Như vậy, chỉ sau khoảng vài giờ khảo sát ở chợ Vườn Hoa và đường Đinh Lễ, chúng tôi dễ dàng mua được những nguyên liệu cần thiết để làm hàng chục cốc trà sữa với số tiền chỉ khoảng hơn 100.000 đồng, bao gồm: Hồng trà, bột sữa, trân châu... Điểm chung của các loại nguyên liệu được bày bán ở đây là có giá “siêu rẻ”, nhiều loại thiếu các thông tin nhãn mác chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, theo khẳng định của nhiều tiểu thương ở đây, hằng ngày có nhiều người đến để mua nguyên liệu về làm trà sữa bán ra thị trường.

... Có phải là đồ uống an toàn?

Để tìm hiểu thêm về nước uống trà sữa bán trên thị trường, qua trao đổi với Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ông cho biết: Trà sữa thông thường gồm 3 thành phần chính là trà, sữa, trân châu. Một ly trà sữa trân châu có thể cung cấp tới 335 kcal. Do chứa nhiều đường (có thể lên tới 50g) và calo, nếu uống quá nhiều trà sữa, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt là với các bạn lứa tuổi học sinh, đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, thì uống quá nhiều trà sữa (thậm chí có nhiều bạn trẻ uống trà sữa thay cho các bữa chính hàng ngày) có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển.

Ngoài ra, tại nhiều cửa hàng trà sữa vỉa hè, chủ cửa hàng vì lợi nhuận mà không dùng bột trà tự nhiên mà dùng bột màu, bổ sung thêm các chất phụ gia vượt ngưỡng cho phép. Nếu uống quá nhiều các loại trà sữa không đảm bảo chất lượng, sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, thận. Thành phần chủ yếu của trà sữa là dầu thực vật hydro hóa, một loại axit béo dạng trans. Loại axit này sẽ làm giảm lượng hooc-môn nam giới, khống chế sức sống của tinh trùng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức sống của chúng. Nhiều người vì yêu thích món trà sữa nhưng sợ nguồn gốc không đảm bảo nên tự mua nguyên liệu về chế biến. Sữa kết hợp với trà nếu pha không đúng cách sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà. Các protein casein trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch có trong trà.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn cũng khẳng định: Nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu các thành phần, nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là hoàn toàn có thể xảy ra. Vấn đề này không đến từ bản thân trà sữa mà đến từ việc sản xuất cũng như nguồn gốc của nguyên liệu tạo ra loại đồ uống này. “Việc sử dụng hương liệu và phẩm màu thực phẩm quá ngưỡng cho phép có thể gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ vốn là đối tượng rất dễ bị thu hút bởi những hạt trân châu nhiều màu sắc nên thường thích loại đồ uống này. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, bộ máy tiêu hóa còn yếu nên hấp thu loại thực phẩm này rất kém, thậm chí còn bị ngộ độc thực phẩm, nôn, tiêu chảy, hoặc sặc, ngạt thở vì cố hút loại hạt này”.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, các cơ sở kinh doanh trà sữa hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở TP Thanh Hóa và có quy mô hộ gia đình do UBND TP Thanh Hóa quản lý. Chiếu theo quy định hiện hành, cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm mới được hoạt động. Để tăng cường công tác quản lý, thời gian qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra ngẫu nhiên 8 cơ sở kinh doanh trà sữa, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 4 cơ sở với số tiền 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy 40 kg trà các loại.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Để đảm bảo an toàn và tốt cho sức khỏe, người tiêu dùng không nên sử dụng quá nhiều và thường xuyên các loại trà sữa. Trước khi quyết định mua và sử dụng sản phẩm trà sữa cần lựa chọn các cơ sở có điều kiện vệ sinh sạch sẽ trong quá trình chế biến, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Trà sữa là loại đồ uống mới mẻ cho giới trẻ Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, so với những đồ uống truyền thống như cà phê, trà đá, trà sữa đã mang đến một thị hiếu tiêu dùng mới, tuy nhiên dù là một thức uống hấp dẫn nhưng chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ cần cân nhắc giữa sở thích với lợi ích và sự an toàn có thể mang lại cho sức khỏe của bản thân.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]