(Baothanhhoa.vn) - Còn nhớ, một đại thi hào của văn học thế giới từng khẳng định đề cao giá trị con người, bằng hai chữ viết hoa của từ ấy, rằng “CON NGƯỜI: Tất cả trong con người, tất cả vì con người”! Cũng vì cái chân lý rất đỗi cao thượng nhưng giản dị ấy, mà con người, bất kể vùng miền, dân tộc đều xứng đáng được quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn; được tôn trọng và đề cao để “không ai bị bỏ lại phía sau” khi cả đất nước - dân tộc đang cùng hướng về phía trước. Tinh thần ấy, cùng với truyền ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sự lên tiếng của tinh thần “Tương thân tương ái”

Còn nhớ, một đại thi hào của văn học thế giới từng khẳng định đề cao giá trị con người, bằng hai chữ viết hoa của từ ấy, rằng “CON NGƯỜI: Tất cả trong con người, tất cả vì con người”! Cũng vì cái chân lý rất đỗi cao thượng nhưng giản dị ấy, mà con người, bất kể vùng miền, dân tộc đều xứng đáng được quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn; được tôn trọng và đề cao để “không ai bị bỏ lại phía sau” khi cả đất nước - dân tộc đang cùng hướng về phía trước. Tinh thần ấy, cùng với truyền thống tốt đẹp “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” của dân tộc Việt Nam, một lần nữa cần và đang được khơi dậy, nhằm chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ.

Bản Qua... chưa qua lũ. Ảnh:Khôi Nguyên

Tiếng gọi từ vùng lũ

Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành... đã tạm qua những ngày mưa lũ. Nhưng sức tàn phá ghê gớm, hậu quả nặng nề, dai dẳng nó để lại, chắc chắn sẽ còn hằn lên từng nóc nhà, thửa ruộng, mỗi ngọn cây, con suối và sẽ còn in trong tâm thức nhiều người như một hồi ức kinh hoàng và đáng quên nhất, dẫu biết điều đó là không dễ.

Đã có ngót 30 năm công tác ở miền biên viễn phía Tây, nhưng chưa bao giờ Thiếu tá Nguyễn Văn Lương, Đội phó Đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Quang Chiểu, lại phải trải qua chuỗi ngày đáng sợ đến vậy. Anh kể: Mưa như trút nước và không ngừng nghỉ suốt nhiều ngày. Những ngọn núi bao quanh các bản ngấm no nước và khi vượt quá giới hạn chịu đựng, thì việc sạt lở là khó tránh khỏi. Đất sụp xuống, nước dềnh lên nhanh không kịp trở tay. Nhiều nơi, già trẻ bồng bế nhau cố chạy lấy thân, còn nhà cửa, của nả đành mặc nước nuốt sạch. Quang Chiểu, Mường Chanh hoàn toàn cô lập trong những ngày lũ dữ hoành hành. Dầm mình cùng dân chạy lũ giữa khó khăn trăm bề, điện mất, thông tin liên lạc tê liệt, đường sá, cầu cống bị chia cắt, lương thực, thuốc men thiếu thốn... với Thiếu tá Lương, có lẽ không chỉ cần có sức khỏe mà còn phải có ý chí và nghị lực mới có thể chống đỡ được. “Tang thương lắm! Cả bản Qua (xã Quang Chiểu) có mấy chục nóc nhà mà đã có tới 29 nhà bị cuốn trôi hoặc bị sạt lở và mất hết tài sản. Chỉ còn lại 9 nóc nhà tạm coi là nguyên vẹn. Mức độ thiệt hại nặng nề không kém là bao so với bản Poọng, nhưng vì bị cô lập nên thời điểm ấy chúng tôi không thể liên lạc ra bên ngoài để thông báo tình hình”, anh Lương chia sẻ.

Nhưng rồi, khó khăn nào đã hết. Nhà của các hộ dân thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở cao vẫn đang tiếp tục phải di dời. Người dân ở những nơi tạm tránh trú đang lục tục trở về, mong nhặt nhạnh được một phần tài sản mà họa hoằn lắm còn đọng lại dưới đống bùn vàng quạnh và vung vãi khắp nơi là đất đá, cành cây, rác rưởi hay rui mè, ván tường dập nát của những ngôi nhà đã chẳng còn hình còn dạng. Không ít người trong số đó còn chẳng có được cái may mắn ít ỏi ấy, khi họ bỗng nhiên trắng tay chỉ sau một đêm và trở về với cái vạch xuất phát đầy rẫy khó khăn và bất ổn. Chưa hết, những vệt nước lũ và đất đá từ đỉnh tràn xuống, xẻ dọc nhiều ngọn núi như vết sẹo khổng lồ và dữ tợn, đang cảnh báo cho tai họa có thể ập xuống bất kỳ lúc nào, nhất là khi đợt mưa bão mới lại đang đến rất gần... Bản Qua chưa qua lũ. Nhiều bản làng ở khắp các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn cũng chưa qua lũ, dẫu rằng mưa đã tạm lắng và nước đã rút. Bởi, sẽ cần rất nhiều thời gian, công sức, tiền của và sự nỗ lực lớn của mọi cấp, mọi ngành, của các địa phương, cùng sự chung tay của nhiều cá nhân, tổ chức mới có thể từng bước vực dậy đời sống và sản xuất cho người dân vùng “rốn lũ” này.

Mường Lát nghèo khi lũ chưa về và Mường Lát khổ khi lũ đi qua. Cái huyện nghèo nhất nước này đang trong chuỗi ngày chật vật nhất, khi đã chẳng được tự nhiên ưu ái cho tài nguyên hay khoáng sản gì đặc biệt, lại đang phải căng mình gánh chịu cơn thịnh nộ, cùng thói đỏng đảnh, thất thường của thời tiết. Ông Phạm Bá Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho địa phương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống và sinh mạng con người. Khoảng 1.000 tỷ đồng - con số thiệt hại được quy đổi, dường như đủ để đánh bật mọi sự nỗ lực thoát nghèo và nhiều thành quả từ các chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thanh Hóa cho huyện khó khăn bậc nhất này. Con số ấy cũng có thể làm mệt lòng những ai đã từng dõi theo Mường Lát từ những ngày gian khó, thiếu thốn nhất, đến khi có được diện mạo như hiện tại. Thế nhưng, Mường Lát chỉ là một “điểm”, bởi xét trên “diện” thì khoảng 1.881 tỷ đồng thiệt hại trên phạm vi toàn tỉnh được thống kê đến thời điểm hiện tại, quả thật là con số đủ sức minh chứng cho sự khốc liệt và sức tàn phá ghê gớm của thiên tai. Thế nhưng, bấy nhiêu chỉ là phần nổi của tảng băng, khi mà những đau thương, mất mát về tinh thần, về con người và cả thời gian vật chất để có được con số 1.881 tỷ đồng ấy, thì chưa có bất kỳ thống kê nào có thể cắt nghĩa hay cụ thể hóa hết được.

Vùng lũ chưa qua lũ khi gian khó, thiếu thốn vẫn chất chồng và những nguy cơ tiềm ẩn đang từng ngày đe dọa cuộc sống cùng sinh mạng con người. Tiếng gọi từ vùng lũ lúc này, có lẽ không gì khác là, bằng tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” cùng chung tay giúp sức để người dân vùng lũ vượt khó.

Nơi máu chảy là nơi ruột mềm!

“Không xa đâu vùng lũ” là tinh thần đã và đang được nhen nhóm dậy trong cộng đồng những ngày qua. Để nơi máu chảy luôn là nơi ruột mềm và người dân dù bị cô lập bởi mưa lũ nhưng sẽ không bị cô lập về tình cảm cùng sự sẻ chia từ đồng bào mình. Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch thiện nguyện sẽ diễn ra vào 2 ngày 15 và 16-9 tới đây, bạn Nhật Hóa, thành viên Câu lạc bộ “Vì trẻ em vùng cao”, cho biết: “Theo dự định, câu lạc bộ sẽ tổ chức chuyến thăm và tặng quà cho các hộ dân thuộc bản Qua (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát), với mức ủng hộ 1 triệu đồng/hộ và nhiều phần quà là các nhu yếu phẩm. Cùng với đó, câu lạc bộ sẽ đến thực tế tại xã Nhi Sơn và có mức hỗ trợ hợp lý cho một số gia đình có người chết và mất nhà cửa”. Được biết, qua đợt mưa lũ này, Câu lạc bộ “Vì trẻ em vùng cao” đã huy động được trên 200 triệu đồng, 20 tấn gạo và nhiều hiện vật, nhu yếu phẩm. Việc ủng hộ sẽ được chia thành nhiều đợt, cho nhiều địa bàn bị thiệt hại nặng nề. Nói về lý do tham gia thành lập và hoạt động trong câu lạc bộ, Hóa chia sẻ “chỉ đơn giản vì chúng tôi còn trẻ, yêu thích thiện nguyện và cảm thấy phải sống có trách nhiệm hơn, với chính mình và với cả cộng đồng”! Hiện, nhiều cá nhân như Hóa đã và đang trực tiếp ủng hộ và vận động ủng hộ đồng bào vùng lũ, bằng tinh thần trách nhiệm, tình người, chứ không phải vì bất kỳ mệnh lệnh hành chính nào. Mỗi một cá nhân với phẩm chất đẹp, ví như một bông hoa lửa ấm áp đang góp sức thắp lửa để làm ấm lại những vùng biên “lạnh” vì mưa lũ. Đồng thời, là minh chứng về vẻ đẹp của tình người, tình đồng bào luôn luôn tồn tại trong cuộc sống, mà giá trị nó mang lại đủ sức lấn át quan niệm sống lệch lạc, thiếu bản lĩnh và trách nhiệm của một bộ phận nhỏ giới trẻ hiện nay.

Vùng lũ những ngày ngâm trong nước lạnh vẫn ấm tình người. Bộ đội biên phòng là một trong những lực lượng quan trọng và góp mặt đầu tiên trên “tuyến đầu” chống lũ. Theo thống kê từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến nay, các đồn biên phòng đã huy động trên 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Qua đó, giúp di dời đến nơi tránh trú an toàn cho 261 hộ/1.587 khẩu thuộc các xã Quang Chiểu, Mường Chanh, Tam Chung, Nhi Sơn, Pù Nhi, Trung Lý (huyện Mường Lát); Mường Mìn, Sơn Điện (huyện Quan Sơn) và Thiết Ống (huyện Bá Thước). Đồng thời, tại địa bàn đứng chân, các đơn vị đã tích cực phối hợp với địa phương và lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm các nạn nhân bị sập nhà, bị lũ cuốn trôi và kịp thời động viên vật chất, tinh thần cho các gia đình gặp nạn. Với tinh thần “kiên quyết không để dân thiếu đói, không có nơi ở hoặc bị dịch bệnh phát sinh”, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đồn biên phòng sử dụng lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, nhu yếu phẩm của đơn vị kịp thời tiếp tế cho các hộ dân bị thiệt hại. Riêng Đồn Biên phòng Tam Chung đã bảo đảm việc ăn, ở, sinh hoạt tại đơn vị cho 140 người dân từ ngày 30-8 và hiện vẫn còn khoảng 50 người thuộc những hộ đã mất nhà cửa, vẫn tiếp tục ở lại đồn để chờ các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đã ủng hộ cho các huyện gặp thiên tai 25 tấn xăng dầu và 10 tấn gạo...

Có thể khẳng định, mọi ngả đường đang hướng về vùng lũ. Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn và nhiều địa phương chịu thiệt hại lớn, đã và đang đón nhiều đoàn công tác từ Trung ương đến địa phương, đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người dân; cũng như liên tục các hoạt động thiện nguyện của nhiều tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Những ngày qua, hưởng ứng Thư kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đã và đang có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa hướng đến đồng bào vùng lũ. Đến nay, số tiền ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân là khoảng 25 tỷ đồng, trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận 5 tỷ đồng và khoảng 20 tỷ đồng được ủng hộ trực tiếp đến các địa phương. Cùng với đó, 160 tấn gạo, hơn 20.000 thùng mì tôm và nhiều nhu yếu phẩm, quần áo, đồ dùng học tập... cũng đã được đưa về các vùng bị thiên tai. Đây là tấm lòng, là tình cảm và sự ủng hộ hết sức to lớn, góp phần động viên, giúp đỡ kịp thời nhân dân các địa phương từng bước khắp phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong thời gian tới”.

...

Thiên tai, ví như phép thử về sức chịu đựng của con người; cũng đồng thời là phép thử cho tinh thần đồng bào, sức mạnh đồng bào trong gian khó. Sức mạnh ấy, nếu được khơi dậy đúng thời điểm sẽ tạo động lực vật chất và tinh thần to lớn, mạnh mẽ giúp vùng lũ đi qua những ngày đau thương, mất mát!

Vĩ thanh...

Đây không phải tác phẩm văn chương để cần một khúc vĩ thanh có cái kết mang dư âm đẹp. Chỉ bởi, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra qua mỗi mùa mưa bão, nhưng khi bão qua thì vì sao không ít “bài học” vẫn cứ được nhắc lại, đau đáu, nhức nhối và chưa có hồi kết? Chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh tưởng đã là cổ tích của thời kỳ quá vãng, khi cha ông ta đương đầu với các “thế lực” tự nhiên còn chưa được hiểu biết hết, nhằm khát vọng thiết lập một trật tự sinh tồn do con người làm chủ, bên cạnh thế giới tự nhiên rộng lớn và đầy bí ẩn. Bài học rút ra từ câu chuyện phải chăng là tinh thần cảnh giác, là sự chủ động và kiên cường khi chống chọi với thiên tai. Đồng thời và cũng quan trọng hơn cả là luôn biết thích nghi với mọi sự biến đổi để tìm cách sinh tồn. Câu chuyện ấy, cho đến tận ngày nay, thiết nghĩ vẫn còn nhiều “giá trị tham khảo”, khi “sống chung với lũ” tưởng chừng chỉ đúng với người dân Nam bộ mỗi mùa nước nổi, thì nay lại đang “vận” vào đời sống người dân các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa. Còn nhớ, cũng trận mưa lũ năm 2017 vẫn được nhiều người đánh giá là “lịch sử”, thậm chí có thời điểm nó vượt cả đỉnh lũ 2007. Thế nhưng, cái “lịch sử” không hề mong muốn ấy, trớ trêu thay, lại một lần nữa lặp lại, mà mức độ thiệt hại, đau thương chỉ có tăng chứ không giảm.

Biến đổi khí hậu, đến thời điểm hiện tại, đã không còn là khái niệm dành cho các nhà khoa học bàn luận trong các hội thảo chuyên ngành, mà hậu quả của nó đã nhãn tiền và vô cùng nặng nề. “Sống chung với lũ” đã không còn là câu nói vui cửa miệng, mà đang trở thành một phương thức sống cần sớm trở thành nếp nghĩ, thành hành động của người dân, nhất là những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Từ đó, tạo được sự chủ động và nghiêm túc nhất trong công tác phòng, chống lụt bão, tránh khi bất trắc xảy ra mới “giá như”, “có biết” thì sự tình đã chẳng thể vãn hồi!


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]