(Baothanhhoa.vn) - Còn hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải sống trên những triền đồi, dốc núi, ven sông, suối. Mỗi mùa mưa lũ, người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở này lại thấp thỏm lo âu trước lũ ống, lũ quét... Nhà cửa, tài sản, vật nuôi, thậm chí cả tính mạng con người vẫn không lấy gì để bảo đảm sự an toàn, song đa phần các gia đình trong số đó vẫn không có sự lựa chọn khác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sống thấp thỏm trước nguy cơ sạt lở

Còn hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải sống trên những triền đồi, dốc núi, ven sông, suối. Mỗi mùa mưa lũ, người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở này lại thấp thỏm lo âu trước lũ ống, lũ quét... Nhà cửa, tài sản, vật nuôi, thậm chí cả tính mạng con người vẫn không lấy gì để bảo đảm sự an toàn, song đa phần các gia đình trong số đó vẫn không có sự lựa chọn khác.

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lang Chánh sống cheo leo trên sườn đồi. Ảnh: L.Đ

Trong một thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh vào đầu mùa mưa lũ năm nay, toàn tỉnh có tới 7.299 hộ dân với 29.051 nhân khẩu đang sinh sống trong những khu vực có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, còn 68.468 hộ gia đình với 265.499 nhân khẩu vẫn đang sinh sống nơi bãi sông, ven các dòng sông, suối lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh. Những hộ dân nói trên đã được các địa phương và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh lên các phương án di dời mỗi khi có mưa lũ, bão tố lớn, song đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Để giải quyết triệt để những hiểm nguy luôn thường trực với những hộ nói trên, phương án hữu hiệu nhất là tái định cư đến nơi ở mới, an toàn hơn. Song, đây là điều gần như bất khả thi bởi số hộ quá lớn, trong khi nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh còn eo hẹp chưa thể đáp ứng. Và rồi, mỗi khi có các đợt mưa gió, áp thấp nhiệt đới hay bão lũ tràn về, người dân thì bất an, chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan lại “cuống cuồng” lên phương án di dân, vận động người dân tạm thời dời nhà cửa để đến ở tạm tại những nơi an toàn.

Huyện vùng biên Mường Lát – nơi có địa hình đồi núi phức tạp, hệ thống suối nguồn chằng chịt, sông Mã qua địa bàn với độ dốc cao, chính là một trong những địa phương có số hộ và số nhân khẩu đang phải sinh sống trong những vùng nguy hiểm lớn bậc nhất của tỉnh. Hầu như tất cả các bản làng của huyện Mường Lát đều ở trên những triền dốc, ven khe suối. Bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (Mường Lát) gần 2 tháng sau đợt thiên tai nghiêm trọng xảy ra cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua. Cuộc sống của 168 hộ dân với 777 nhân khẩu trong bản vẫn bị đảo lộn bởi những thiệt hại nặng nề do mưa lũ để lại. Biết sống trong vùng nguy hiểm, nhưng các hộ dân trong bản vẫn phải quay về nơi ở cũ để tái thiết nhà cửa, khôi phục sản xuất. Đáng lo ngại nhất là 17 hộ dân ở khu Piềng Làn của bản vẫn đang từng ngày thấp thỏm, lo lắng khi nghĩ về tương lai bởi ngay trên đầu họ là những ngọn núi, quả đồi cao với hàng triệu khối đất đá có thể đổ sụp bất cứ lúc nào nếu mưa lũ lớn. “Mấy chục năm trôi qua, chúng tôi vẫn bám triền đồi để sinh sống. Sau những thiệt hại đợt mưa lũ vừa qua, giờ ai cũng nơm nớp lo âu” – chị Vi Thị Quy, cư dân của bản Đoàn Kết chia sẻ. Tâm trạng lo lắng của chị Quy hiện cũng là tâm trạng chung của 160 nhân khẩu của khu Piềng Làn này. Chẳng ai biết được, nếu một trận thiên tai nữa tới, lớp đất đá từ núi Lát có thể lại sạt xuống, sẽ xảy ra những hậu quả gì?

Phía bên kia bờ sông Mã, 130 hộ dân với 566 nhân khẩu của bản Buốn, xã Tén Tằn cũng không vơi những lo âu cho tính mạng và tài sản của mình. Cơn lũ dữ hồi cuối tháng 8 vừa qua, cả bản đã có 2 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn; hàng chục con trâu, bò cùng hàng trăm con gia cầm bị vùi lấp, cuốn trôi. Trong bản hiện có 40 hộ dân sống ven sông Mã cùng chung tâm trạng thấp thỏm khi nghĩ tới mưa lũ. Anh Đinh Văn Thuần, Trưởng bản Buốn chia sẻ: “Hầu hết các ngôi nhà được xây dựng ven sông đều có móng, tường vững chắc, nhưng so với sức mạnh của thiên nhiên thì chẳng khác nào trứng chọi đá. 2 ngôi nhà bị nước lũ từ sông Mã dâng lên kéo sập hoàn toàn, chính là bài học đắt giá nhất để tránh sự chủ quan trong tương lai”. Ngược lên xã Quang Chiểu cùng huyện, hiện có cả trăm hộ đồng bào dân tộc Thái tại các bản: Pàn, Hạm, Sim... vẫn đang sinh sống dọc dòng suối Sim. Đây là dòng suối có cường độ nước lớn do chạy qua các vùng đồi núi dốc. Mỗi khi trời mưa, lũ về, hiểm nguy lại rình rập những con người và tài sản nơi miền biên viễn này.

Còn nhớ đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10-2017, 5 ngôi nhà ven chân đồi ngay tại khu vực trung tâm xã Yên Nhân (Thường Xuân) đã bị nửa quả đồi đổ sụp vùi lấp, làm chết 3 người. Hồi trung tuần tháng 7 vừa qua tại xã Trí Nang (Lang Chánh), cơn lũ ống quét qua, làm chết 4 người trong một gia đình ở bản Hắc. Những vụ chết người do sạt lở, lũ ống, lũ quét trong những năm qua đa phần đều “rơi” vào những hộ gia đình sinh sống trên các triền dốc của sông suối, núi đồi. Trong khi chưa thể bố trí tái định cư với số lượng lớn số gia đình, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức tự bảo vệ chính mình cho người dân cần được các địa phương và các ngành liên quan quan tâm hơn nữa. Việc di dân trước khi có thiên tai, mưa bão phải có sự chủ động của chính người dân chứ không phải thụ động chờ chính quyền địa phương đến vận động, thậm chí “áp chế” mới di dời đến nơi an toàn.


NT – LĐ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]