(Baothanhhoa.vn) - Trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10 – 2017, bờ tả sông Chu đoạn qua xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều hộ dân vẫn nơm nớp lo lắng bởi những vết sạt đã vào đến tận chân các công trình...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sống thấp thỏm trước “miệng hà bá”

Trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10 – 2017, bờ tả sông Chu đoạn qua xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều hộ dân vẫn nơm nớp lo lắng bởi những vết sạt đã vào đến tận chân các công trình...

Công trình phụ của gia đình ông Nguyễn Văn Hội, thôn Quảng Phúc, xã Xuân Thiên bị sạt đến 1/2 móng công trình phụ.

Sau nửa năm diễn ra vụ sạt lở bờ sông Chu, đoạn qua xã Xuân Thiên, thì sự nguy hiểm vẫn đe dọa cuộc sống người dân nơi đây. Chỉ tay về những vết sạt sâu, ông Nguyễn Duy Đào, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên nói với chúng tôi: Ngay trong những đợt mưa lớn tầm tã, ngày 9–10 năm ngoái, triền sông sát các khu dân cư ven sông ở đây đã xuất hiện các vết sạt. Đến ngày 14–10 sau đó, những vết sạt lớn dần, tiến sát khu dân cư. Xã Xuân Thiên và huyện Thọ Xuân phải triển khai lực lượng giúp 24 hộ dân ven sông trong khu vực sạt lở nguy hiểm di dời tạm đến những gia đình trên địa bàn nhằm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, sau lũ, các hộ đã trở về để tiếp tục cuộc sống bởi tài sản, mọi hoạt động sản xuất vẫn gắn với nhà cũ. Những vết sạt lớn nếu có mưa lũ, những công trình phụ, nhà ở có thể đổ sụp xuống sông bất cứ khi nào...

Một báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân sau đợt lũ cũng nêu rõ: Tại bờ sông Chu thuộc thôn Quảng Phúc và thôn Đại Đồng (xã Xuân Thiên), giáp Trạm bơm Xuân Thiên, bị sạt lở khoảng 300 m dài và sâu vào khu dân cư khoảng 15 m. Số hộ sát bờ đê bị ảnh hưởng là 110 hộ, số hộ bị sạt đến tận hoặc giáp các công trình nhà ở là 24 hộ. Đường dân sinh của thôn Quảng Phúc, chạy dọc bờ sông cũng bị sạt lở... Theo thông tin mới nhất được UBND xã Xuân Thiên tiến hành khảo sát lại, thì vết sạt đã sâu vào phía khu dân cư khoảng 20m, có nghĩa một số điểm vẫn đang tiếp tục sạt vì triền sông ở đây là đất cát pha, nền yếu. Tổng số hộ sát sông bị ảnh hưởng thuộc các thôn Hiệp Lực, Đại Đồng và Quảng Phúc cần được tái định cư là 25 hộ, với tổng số 90 nhân khẩu, trong đó 13 hộ với gần 50 nhân khẩu trong diện rất nguy hiểm, cần được di dời ngay bởi mùa mưa bão 2018 sắp đến.

Để tìm hiểu thêm trong vùng sạt, chúng tôi cùng các cán bộ xã Xuân Thiên đã đi dọc triền sông để vào các hộ dân. Thực tế cho thấy, đoạn sông này không có bờ đê, nhà dân ở san sát ven sông từ nhiều đời nay. Diện tích đất bị sạt xuống sông cũng là đất thổ cư hoặc đất vườn của các hộ. Con đường dân sinh của nhiều hộ dân ven sông của thôn Quảng Phúc đã bị sạt một phần, trở nên cheo leo trước triền sông sâu hoắm. Họa may, còn vài bụi tre níu giữ sự tồn tại của con đường bê tông này, nhưng mùa mưa bão tới, chưa biết điều gì sẽ xảy ra nếu nước sông Chu dâng cao, kéo đổ sụp những gốc tre cuối cùng còn lại... Tiếp đó là cảnh những ngôi nhà chỉ còn cách vết sạt vài mét, thậm chí có những móng công trình phụ đã lòi ra phía mép sông. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà Lê Thị Hòa, thôn Quảng Phúc như đang “tiến gần” đến mép sông hơn bởi điểm mép sạt chỉ còn cách đốc nhà khoảng 2m. Theo bà Hòa, khoảng đất giữa ngôi nhà và triền sông trước kia là cả một vườn rau, nay sông đã tiến sát nên các thành viên trong gia đình luôn sống trong sự bất an. “Những đêm mưa gió gần đây, tôi ngủ không yên, cứ lo bãi sông sạt thêm thì rất nguy hiểm. Nguyện vọng của gia đình là muốn được tái định cư đi nơi khác, tuy nhiên điều kiện kinh tế còn khó khăn, rất mong các cấp chính quyền sớm hỗ trợ” – bà Hòa nỗi niềm.

Cách gia đình bà Hòa không xa, hộ ông Nguyễn Văn Hội còn thấp thỏm hơn nhiều bởi gần 1/2 công trình phụ của gia đình đã lòi ra phần khoảng không của mép sạt. Gia đình có 6 nhân khẩu nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, người con trai và con dâu còn khỏe mạnh đã đi làm ăn xa. Bất đắc dĩ, hai ông bà già và 2 cháu nhỏ vẫn phải sống trong tổ ấm đang treo trước... “miệng hà bá”. Còn nhiều hộ khác cũng trong tình trạng tương tự, nên nhu cầu được bố trí tái định cư đã bức thiết hơn bao giờ hết. Trong 13 hộ dân cần được di dời khẩn cấp, có 2 hộ làm nghề chài lưới nên có nguyện vọng được xen cư tại chỗ. 11 hộ còn lại, xã đã đưa ra phương án cho tái định cư ở khu vực Đồng Cỗ cùng xã. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phương án, được xã đề xuất. Toàn bộ kinh phí, chủ trương, việc cấp đất, xây dựng khu tái định cư... đều vượt tầm của cấp xã.

Thay mặt cán bộ địa phương, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Đào kiến nghị các cấp, các ngành liên quan sớm giúp địa phương về cơ chế, quy hoạch, cắt đất tái định cư, hỗ trợ di dời... với các hộ trong vùng nguy hiểm. Thực tế, nhiều gia đình có thu nhập thấp, nếu được chuyển đi cũng không đủ tiền xây dựng nhà mới, nên rất cần có sự hỗ trợ, chung tay ủng hộ của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân. Về lâu dài, tỉnh và Trung ương nên tạo điều kiện hỗ trợ cùng địa phương kè lại toàn bộ đoạn sông này, bởi không được kè kiên cố thì hiện tượng sạt lở vẫn sẽ tiếp tục.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]