(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, các tệ nạn xã hội đang dần len lỏi vào đời sống của giới sinh viên, bên cạnh những bạn trẻ cố gắng nỗ lực vươn lên trong học tập, thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên mải mê với cờ bạc, lô đề, game online, cá độ bóng đá, rượu chè...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sinh viên trong vòng xoáy tệ nạn

Những năm gần đây, các tệ nạn xã hội đang dần len lỏi vào đời sống của giới sinh viên, bên cạnh những bạn trẻ cố gắng nỗ lực vươn lên trong học tập, thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên mải mê với cờ bạc, lô đề, game online, cá độ bóng đá, rượu chè...

Cuộc sống xa nhà khiến nhiều sinh viên đánh mất bản thân, sa vào các tệ nạn xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: Tiến Đông

Sa vào các tệ nạn xã hội

Xa nhà, không phải chịu sự quản thúc của cha mẹ nên nhiều sinh viên đã lún sâu vào thế giới game online, làm ảnh hưởng đến việc học tập cũng như cuộc sống hằng ngày. Dạo một vòng các con phố trên địa bàn TP Thanh Hóa không khó để chúng ta bắt gặp sinh viên ngồi mải mê trong các quán net. Sa lầy trong game, đầu óc chỉ nghĩ đến game, nhiều sinh viên bỏ quên việc học. Nhiều sinh viên nghiện game đến mức độ sẵn sàng ăn, ngủ, nghỉ, thậm chí chết tại quán. Ví như, cách đây không lâu trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin trường hợp “cậu thanh niên 18 tuổi tên Chuang đã đột tử vì chơi game Diablo III suốt 40 tiếng liên tục, không ăn, không ngủ, tại một tiệm nét ở phía Nam Đài Loan”, hay “một thanh niên Thái Lan đã chết trước máy tính, sau nhiều ngày ngồi “đồng” chơi game suốt đêm”. Ở Việt Nam cũng có không ít trường hợp bị ngất, đột quỵ vì chơi game. Nhiều vụ án cướp của, giết người do hung thủ bị ảnh hưởng từ những hình ảnh không lành mạnh của game.

Cùng với “nghiện game” là tình trạng sinh viên lao vào chơi lô đề. Từ các quán nước vỉa hè, quán ăn cho đến khi đi xe buýt, về tới phòng trọ... đâu đâu người ta cũng bắt gặp những nhóm sinh viên rôm rả bàn chuyện lô đề. Một lần đi xe buýt số 11 về huyện Hậu Lộc, tôi vô tình nghe được câu chuyện của một nhóm sinh viên, trong đó một bạn nam sinh viên nói rất to: “Tối nay mày kết con gì, tao thì kết con 14 lâu rồi. Hôm nay dám chơi cùng tao không”. Điều ái ngại là, nam thanh niên đó mới ra bến xe lấy tiền bố mẹ gửi, chỉ vỏn vẹn 2.500.000 đồng. Đó là tiền ăn, tiền nhà cả tháng. Máu lô đề ngấm vào xương thịt, không ít trường hợp vì hết tiền nên đánh “liều”, chơi nợ, có khi chủ đề không đồng ý họ cắm nợ, có thể là điện thoại, bí bách hơn họ mang cả thẻ sinh viên ra cắm để có tiền chơi lô, đề.

Với những sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học, lô đề càng có sức lôi cuốn, một phần vì tham vọng làm giàu, một phần vì sự dụ dỗ của bạn bè. Văn Tuấn, quê Hậu Lộc, cựu sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, kể: Năm đầu tiên vào đại học, em không biết gì đến cá độ, lô đề, nhưng sang năm thứ hai, do bạn bè rủ rê, lôi kéo, em đã thử cho biết và ham lúc nào không hay. Những lần đầu, em chỉ chơi nho nhỏ cho vui với số tiền từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng, nhưng càng ngày em chơi càng hăng, mỗi lần “tiêu” đến tiền triệu. Lúc được thì rủ bạn bè đi ăn nhậu và đủ trò tệ nạn, song những đồng tiền kiếm dễ thì tiêu cũng nhanh, khi hết tiền lại vay mượn, cầm cố xe máy, thẻ sinh viên, chứng minh thư, vòi vĩnh lừa gạt phụ huynh... Cứ như vậy chỉ sau hai năm học đại học, Tuấn đã vay nợ tới cả trăm triệu đồng. Do không thể trả được nợ, sợ bị trả thù, Tuấn phải bỏ học về quê.

Tệ nạn trong đời sống sinh viên không thể không nhắc đến “vấn nạn” nhậu. Có thể nói, nhậu là căn bệnh trầm kha của hầu hết sinh viên. Bất kể vui hay buồn, sinh nhật hay tiệc tùng. Việc nhậu không chỉ diễn ra đối với những sinh viên đi thuê trọ thoải mái, tự do, thậm chí ở một số kí túc xá hiện tượng này cũng lén lút được thực hiện. Mặc dù ban quản lý kí túc xá các trường đã kiểm tra khắt khe, tuy nhiên với số lượng phòng và sinh viên lớn khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Đại diện Ban quản lý kí túc xá Trường Đại học Hồng Đức, cho biết: “Ban quản lý vẫn tổ chức những buổi kiểm tra thường xuyên và bất ngờ các phòng của sinh viên, nhưng một số sinh viên vẫn giấu mang rượu vào và đến đêm đóng cửa tổ chức ăn uống”.

Sống xa nhà sinh viên không những bị thiếu thốn về mặt tinh thần mà còn cả về mặt vật chất nữa, nhất là với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do vậy có rất nhiều sinh viên tìm việc kiếm thêm tiền, như: Đi dạy kèm, bán hàng thuê, tiếp thị, hay thậm chí rửa chén đĩa cho những nhà hàng, quán ăn... nhưng cũng có một số ít sinh viên lười biếng chấp nhận làm “bồ nhí” cho một đại gia để đổi lấy những tiện nghi vật chất hoặc tham gia vào các đường dây mại dâm phục vụ cho các quý ông, quý bà thừa tiền, lắm của. Minh Anh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, kể: “Em có biết một số bạn sinh viên kiếm tiền bằng cách... bán thân. Khi bị phát hiện, các bạn ấy không những không xấu hổ mà còn nói “đẹp mới có người mua, chứ xấu muốn người ta mua cũng không được”. Không phải nghèo mới làm vậy mà trong số họ có cả con nhà khá giả, chủ yếu là do thích chưng diện đua đòi, muốn có xe xịn, điện thoại đắt tiền nên mới chọn con đường này. Thật chua xót, họ sẵn sàng đánh đổi danh dự, tương lai để lấy những đồng tiền như vậy”.

Những mảng tối ấy tuy không nhiều và chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng dẫu sao nó cũng làm hoen mờ những hình ảnh đẹp của sinh viên.

Lỗ hổng từ đâu?

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Hoàng Anh Minh, Trường Đại học Hồng Đức, cho rằng: Nếu đa số những vị phụ huynh có con sa vào các tệ nạn xã hội thường không quan tâm đến con cái, thì số nhỏ còn lại thường là do quá khắt khe với con mình. Họ kiểm soát những đứa trẻ đang trong tuổi ăn, tuổi lớn nhiều hết mức có thể, cấm tiệt mọi giao lưu với bên ngoài và lấp đầy những buổi không đến trường của con bằng những giờ học thêm triền miên với suy nghĩ “Không có việc gì quan trọng hơn việc học”! Có thể những việc làm đó sẽ không làm con bạn phí sức vào những cuộc hội hè vô bổ, nhưng chính trong cái “vỏ bọc” an toàn đó, mầm mống của sự khủng hoảng tinh thần đang dần được hình thành.

Một thực tế phải thừa nhận, lâu nay, với hầu hết học sinh, mục tiêu học tập duy nhất là để thi vào đại học. Khi mục tiêu đó đã đạt được, các em trở nên lúng túng không biết mình học để làm gì. Câu hỏi này được rất nhiều sinh viên đặt ra, kể cả các sinh viên năm 3, năm 4 cho thấy sự hoang mang trên con đường tìm kiếm tri thức của các bạn. Chưa kể, một bộ phận giới trẻ cho rằng, khi xã hội ngày càng phát triển thì những kiểu ăn chơi sành điệu là hợp thời, là tiên tiến. Tâm lý tuổi mới lớn luôn muốn thử những điều mới mẻ và rất dễ sa vào những “cái bẫy tệ nạn”.

Có thể nói, các tệ nạn ngày càng ăn sâu trong giới sinh viên và trở thành vấn nạn của xã hội. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh tới gia đình, nhà trường và tới toàn xã hội, cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn. Với chính mỗi sinh viên, phải xây dựng cho mình bản lĩnh vững vàng, trước hết cần nhận thức đầy đủ về vấn đề tệ nạn xã hội, có tinh thần hướng thiện, tập trung vào việc học tập rèn luyện; kiên quyết nói không với những cám dỗ, rủ rê của những bạn bè xấu... Khoảng cách giữa tệ nạn xã hội và tội phạm gần như gang tấc; chính vì vậy, để hạn chế các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tệ nạn xã hội ngày càng phổ biến trong sinh viên, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Củng cố mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục sinh viên, tạo cho sinh viên môi trường sống lành mạnh và thân thiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xử phạt nghiêm minh và công tâm đối với các trường hợp tham gia các tệ nạn xã hội.


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]