(Baothanhhoa.vn) - Sau tốt nghiệp, có không ít tân cử nhân đã thực sự “vỡ mộng” khi tấm bằng đại học của mình không đủ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và đành phải chấp nhận ở nhà chờ việc hoặc làm việc trái với ngành, nghề mình đã được đào tạo với thu nhập thấp hay chọn lao động chân tay để trang trải cuộc sống. Thực tế trên đang là nỗi trăn trở, lo lắng của nhiều bạn đã học, đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cả những phụ huynh của họ. Đó cũng đang là bài toán về việc sử dụng lao động chưa có lời giải.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sinh viên “tốt nghiệp” với nỗi lo “thất nghiệp”

Sau tốt nghiệp, có không ít tân cử nhân đã thực sự “vỡ mộng” khi tấm bằng đại học của mình không đủ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và đành phải chấp nhận ở nhà chờ việc hoặc làm việc trái với ngành, nghề mình đã được đào tạo với thu nhập thấp hay chọn lao động chân tay để trang trải cuộc sống. Thực tế trên đang là nỗi trăn trở, lo lắng của nhiều bạn đã học, đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cả những phụ huynh của họ. Đó cũng đang là bài toán về việc sử dụng lao động chưa có lời giải.

Sinh viên “tốt nghiệp” với nỗi lo “thất nghiệp”

Xưởng may của Công ty CP May xuất khẩu HMT, xã Nga Thành (Nga Sơn) hiện là nơi làm việc của nhiều cử nhân.

Tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh đã được 3 năm với tấm bằng cử nhân tâm lý học đạt loại khá, thế nhưng em Trần Thị Hoa, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) vẫn không thể tìm được việc làm mặc dù đã đi thử “vận may” ở nhiều nơi. Cầm trên tay tấm bằng, em nung nấu hoài bão về tương lai sẽ trở thành một cô giáo tâm lý, một nhà tư vấn tâm lý hay nhà xã hội học. Song tất cả những điều đó đành gác lại, thay vào đó em đi làm thuê cho cơ sở chế biến thủy, hải sản ở quê nhà, cuộc sống cứ thế trôi đi trong thầm lặng. “Vỡ mộng” về việc làm đã khiến Hoa từ một nữ sinh sôi nổi, vui vẻ trở nên một người sống khép kín. Bà Lê Thị Mai, mẹ của Hoa, cho biết: Từ khi quyết định đi làm để phụ giúp kinh tế cùng bố mẹ, Hoa trở nên ít nói, bạn bè rủ đi chơi cũng không đi, nhiều hôm có bạn ở xa về chơi em cũng không muốn gặp. Tuy em không nói ra xong bố mẹ đều hiểu là do em buồn, tự ti vì không kiếm được công việc phù hợp.

Năm 2015, em Nguyễn Thị Linh, xã Nga Thành (Nga Sơn) tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm Ngữ Văn, Trường Đại học Hồng Đức. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, nhiều bạn trong lớp quyết định Nam tiến để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, nhưng Linh lại quyết tâm ở lại quê hương. Phần vì Linh muốn ở gần gia đình, phần vì mong muốn được cống hiến sức lực, trí lực của mình cho quê hương. Hơn 1 năm em gửi hồ sơ tới nhiều cơ quan, đơn vị và chờ đợi, song điều nhận được chỉ là những cái lắc đầu và lời nói thông cảm vì đã đủ chỉ tiêu. Từ bỏ ước mơ làm cô giáo, Linh chấp nhận đi làm công nhân may cho Công ty CP May xuất khẩu HMT, với thu nhập 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Xếp lại hoài bão, từ bỏ ước mơ không chỉ có Hoa, Linh mà đó còn là tình trạng chung của hàng nghìn sinh viên sau khi ra trường trên địa bàn tỉnh ta. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 trường đại học; 14 trường bậc cao đẳng, cao đẳng nghề; 17 trường trung cấp chuyên nghiệp và nghề, với số lượng đào tạo hàng năm khoảng hơn 10.000 sinh viên hệ chính quy. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 60% số lượng sinh viên sau khi ra trường 12 tháng có việc làm, trong đó số lượng sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo chỉ đạt khoảng 20 đến 25%. Tại Trường Đại học Hồng Đức, mỗi năm trường tuyển sinh khoảng hơn 5.000 sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Đây cũng tương đương với số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm. Theo kết quả điều tra, khảo sát của trường, trung bình chỉ có 67% sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp, song tỷ lệ sinh viên được làm đúng chuyên ngành đào tạo chiếm tỷ lệ thấp. Còn theo thống kê của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng của trường chiếm tới 90%, nhất là các ngành: Sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, Việt Nam học. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên được tuyển dụng vào các tổ chức, đơn vị không cao, chủ yếu là làm việc bán thời gian, thu nhập không ổn định và các chế độ xã hội không được bảo đảm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ nhiều sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp hoặc phải làm công việc trái ngành nghề được đào tạo là do những nguyên nhân sau: Thứ nhất là việc hướng nghiệp không phù hợp, dẫn đến xác định sai ngành học, một số bạn trẻ có xu hướng chạy theo các nghề “hot” để theo kịp bạn bè, chứ không thực sự vì đam mê và đúng sở trường. Chính vì chọn ngành học không phù hợp khiến các sinh viên dễ rơi vào tình trạng thụ động, lười tìm kiếm thêm thông tin, nên sinh viên không những nắm kiến thức không vững, mà còn quen với tính cách lười biếng, thiếu chủ động trong công việc, dẫn đến không có tinh thần cầu tiến.

Một trong những lý do tạo nên làn sóng “cử nhân thất nghiệp” chính là vấn đề ngoại ngữ. Với xã hội đang trên đà hội nhập như hiện nay thì ngoại ngữ được xem như là tấm vé thông hành mở ra cơ hội tìm được việc làm ưng ý, môi trường làm việc chuyên nghiệp với mức thu nhập thỏa đáng cho các bạn trẻ. Nhưng phần đa sinh viên ra trường lại thiếu kiến thức, ngoại ngữ không thành thạo, nên tuột mất cơ hội tìm kiếm việc làm. Một trong những yêu cầu quan trọng mà nhà tuyển dụng quan tâm hàng đầu hiện nay đó là kỹ năng mềm, xử lý tình huống, công việc, nhưng nhiều sinh viên lại thiếu điều đó. Vì vậy, được tuyển dụng đã khó, một số sau khi được tuyển dụng không đáp ứng được nhu cầu công việc, đành bị hoặc tự đào thải.

Xuất phát từ những nguyên nhân trên, để giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cần phải có chương trình đào tạo ngành học sát với nhu cầu xã hội; các cấp, các ngành cần liên kết với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tạo cơ hội việc làm phù hợp cho sinh viên sau khi ra trường. Về phía sinh viên, hơn ai hết, chính bản thân các em cũng cần phải lựa chọn đúng đắn, rõ ràng ngành học phù hợp với năng lực, sở trường và niềm đam mê của mình; đồng thời, cần tiếp thu kiến thức một cách chủ động, rèn luyện kỹ năng mềm, bổ sung ngoại ngữ. Trang bị cho mình đầy đủ những hành trang trên, các em sẽ có cơ hội tìm được những công việc xứng đáng với bản thân.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]