(Baothanhhoa.vn) - 5 giờ 30 phút sáng, không khí nhộn nhịp đã bao trùm bãi biển Sầm Sơn. Thời tiết hôm nay khá thuận lợi để người dân vùng biển ra khơi "săn" ruốc (moi biển). Bởi thế, khi mới bắt đầu cuộc hành trình, niềm vui đã hiện rõ trên gương mặt rám nắng của những người dân chài miền chân sóng này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Săn" ruốc ngày biển lặng

5 giờ 30 phút sáng, không khí nhộn nhịp đã bao trùm bãi biển Sầm Sơn. Thời tiết hôm nay khá thuận lợi để người dân vùng biển ra khơi "săn" ruốc (moi biển). Bởi thế, khi mới bắt đầu cuộc hành trình, niềm vui đã hiện rõ trên gương mặt rám nắng của những người dân chài miền chân sóng này.

Vác tấm lưới mành trên vai cùng những bước chân vội vã, chú Long (trú tại phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) hỏi tôi: "Cháu có chắc là đi được không?". Mặc dù rất do dự trước ý muốn của tôi là được cùng chú ra biển "săn" ruốc nhưng thấy tôi cương quyết, chú đành đồng ý.

Trên con thuyền có công suất 24CV, chúng tôi tiến về phía biển. Lúc này, hàng chục thuyền bạn cũng nối đuôi nhau rẽ màn sương bạc ra khơi. Gió sớm nhẹ thổi. Tiếng động cơ râm ran mặt biển, những đợt sóng trắng xóa rẽ hàng dọc theo chân vịt của con thuyền. Hôm nay sóng yên, biển lặng, hy vọng sẽ có một chuyến bội thu.

"Săn" ruốc không phải là nghề chính của ngư dân vùng biển này, nhưng vào chính vụ, nghề này đã giúp họ có một khoản thu nhập khá, cuộc sống cũng nhờ vậy mà sung túc hơn. Đánh bắt ruốc chủ yếu gần bờ, thuyền có công suất trên dưới 20CV, chạy trong phạm vi từ 10 đến 12 hải lý. Một thuyền đi "săn" ruốc thường có khoảng 2 đến 3 người. Thời gian mỗi chuyến đi thường kéo dài khoảng 4 đến 6 giờ đồng hồ.

Khi chúng tôi vượt qua quãng đường chừng hơn 10 hải lý, mặt trời đã nhô lên khỏi mặt biển, màu nước lấp lánh hòa cùng những tia nắng đầu tiên của buổi bình minh. Lúc này, thuyền chạy chậm hơn. Giữa mặt biển xanh rộng lớn, đôi mắt tinh nhanh đã quen với việc ngóng sóng, ngóng nước, cùng kinh nghiệm dạn dày của người ngư phủ đã giúp chú Long và người con trai cả sớm phát hiện ra những quầng ruốc đỏ hồng đang búng mình tanh tách trên mặt nước. Chú Long cho thuyền chạy nhanh theo hướng di chuyển của luồng ruốc. Cuộc rượt đuổi xem ra có vẻ quyết liệt. Thuyền chòng chành theo từng đợt sóng nhấp nhô. Theo đường mành trũ phía trước mũi, ruốc từ từ di chuyển vào tấm lưới ở hai bên mạn thuyền. Hơn 1 giờ đồng hồ, khi thấy ruốc đã nặng lưới, chú Long cho thuyền dừng lại và cùng người con trai kéo lưới lên. Những con ruốc khi vớt lên khỏi mặt biển vẫn roi rói, bàng bạc, lấp lánh một màu hồng tươi. Hai người tranh thủ rải ruốc vào trong rổ. Gần 10 phút sau, một rổ ruốc tươi khoảng gần 20kg đã nằm gọn ghẽ trên khoang thuyền.

Sau đợt ruốc đầu tiên, chú Long cho thuyền neo lại để nghỉ ngơi lấy sức. Trong khoảng thời gian ít ỏi, chú Long kể cho tôi nghe những ngày tháng lênh đênh bám biển. Hơn 35 năm vượt sóng với chú có nhiều kỷ niệm không thể nào quên được. Biển đầy bão giông là thế, nhưng vị mặn mòi của biển đã thấm vào máu thịt, vào sâu thẳm tâm can những ai đã sinh ra và lớn lên trên vùng cát này. Và chú chẳng phải ngoại lệ. Dẫu có khó khăn, giông bão, chú vẫn gắn bó với biển như mối lương duyên không thể nào rời xa.

Đang nói chuyện, nhìn thấy thuyền ruốc quen cách chừng vài chục mét, chú Long cho thuyền tiến lại gần và cất giọng hỏi: "Từ sáng tới giờ thuyền mình được nhiều chưa chú Đại?". "Được khoảng 30 kg rồi anh ơi, hôm nay em chỉ quanh quẩn vùng này thôi". Mấy lời hỏi thăm qua lại giữa biển khơi như để quên đi sự mệt nhọc, vất vả và xua đi cái lạnh của những ngày cuối thu. Chú Long nói: "Đi biển có bạn có bè mới vui, phòng khi bất trắc xảy ra. Nhiều khi ở đâu có nhiều ruốc, thuyền bạn cũng gọi mình theo để cùng đánh bắt như chia sẻ lộc trời mà chẳng nề hà gì".

Càng về trưa, những luổng ruốc di chuyển hai bên mạn thuyền ngày càng nhiều. Ruốc di chuyển đến đâu, tấm lưới mành đi theo xúc đến đó. Lần lượt, những mẻ ruốc được đưa lên khỏi mặt nước. Lúc này, dầm mình trong nắng gió và biển mặn là hai người đàn ông với làn da đen sạm, rám nắng, hì hục ngược xuôi "săn" ruốc. Và thành quả là những rổ ruốc tươi rói, lấp lánh dưới nắng thu vàng, được xếp gọn gàng phía khoang thuyền.

Gần 10 giờ, mặt trời đã lên cao. Người con trai thu xếp đồ đạc và dọn vệ sinh trên thuyền để chuẩn bị quay vào bờ “đổ” ruốc. Chú bảo tôi: "Phải về đổ ruốc rồi quay ra bắt tiếp. Có như vậy, ruốc mới tươi, bán mới được giá".

Trong chuyến đi này, chú Long khá hài lòng với thành quả sau nửa ngày lao động vất vả. "Năm ngoái quê ta được mùa ruốc, chuyến đi nào cũng bội thu. Nhiều gia đình cũng nhờ đó mà có thêm khoản thu nhập lớn. Năm nay, tuy không được nhiều như năm ngoái, nhưng như vậy cũng được xem là nhiều so với những vụ ruốc mấy năm trước", chú Long nói trong sự phấn khởi. Được biết, từ đầu vụ ruốc đến nay, mỗi ngày, trung bình một thuyền đánh bắt được khoảng 200kg đến 400kg ruốc. Ngày nào thời tiết thuận lợi, ruốc nổi nhiều, có thuyền đánh bắt được tới 500kg. Giá bán tại bến cho các thương lái dao động từ 12.000 đồng đến 15.000/kg.

Chúng tôi trở về đất liền khi mặt trời chuẩn bị đứng bóng. Xa xa, nơi bờ cát vàng lấp lánh, những người mẹ, người vợ đang hướng ánh nhìn về phía biển, ngóng chờ chồng, con trở về. Niềm vui của họ lúc này không chỉ là món quà của biển được đặt phía khoang thuyền mà là sự bình an của người thân, ruột thịt sau chuyến vươn khơi.


Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]