(Baothanhhoa.vn) - Anh Hoàng Quốc Tuấn - thợ săn chuột thuộc dạng “cao thủ” nhất, nhì của đội 6, xã Hoằng Vinh (Hoằng Hóa) dựng tôi dậy trong một buổi sáng đầu đông để bắt đầu một buổi săn chuột đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Săn chuột đồng

Anh Hoàng Quốc Tuấn - thợ săn chuột thuộc dạng “cao thủ” nhất, nhì của đội 6, xã Hoằng Vinh (Hoằng Hóa) dựng tôi dậy trong một buổi sáng đầu đông để bắt đầu một buổi săn chuột đồng.

Săn chuột đồng

Anh Tuấn và 2 người bạn đồng hành của mình đang tìm các ổ chuột để bắt.

Anh Tuấn chở tôi trên con xe mô tô dream cũ. Đi được vài trăm mét, anh thông báo địa điểm, thời gian của cuộc đi săn: “Hôm nay, anh, em mình sẽ đi săn chuột ở cánh đồng sau Trường Tiểu học Quảng Bình, xã Quảng Bình (Quảng Xương). Chúng ta đi săn đến khoảng 11 giờ trưa thì về”. Tôi hỏi lại: “Sao ta không chọn những cánh đồng gần, quanh khu vực huyện Hoằng Hóa, cho nhàn?”. Anh cười sảng khoái: “Chỗ gần, bọn anh săn hết rồi!”.

Đoạn đường đến điểm săn dài khoảng 30km, vừa đi anh Tuấn vừa kể cho tôi nghe nhiều điều thú vị về “nghề” săn chuột.

...

Anh Tuấn nói không nhớ rõ từ bao giờ mảnh đất xã Hoằng Vinh đã có cái “nghề” săn chuột. Ký ức gợi lại, từ nhỏ anh đã theo chân ông nội rồi cha ra đồng bắt chuột. Để rồi, thế hệ đi trước truyền lại cho lớp hậu thế, dần dà, nó ăn vào máu, vào cái nếp văn hóa của làng. Dẫu vậy, không phải trai Hoằng Vinh nào sinh ra cũng biết bắt chuột đồng. Bởi người thợ săn chuột đồng ngoài sự nhanh nhẹn thì cái tính kiên nhẫn cũng phải đặt lên hàng đầu. “Săn chuột không nóng vội được, nên biết cương, nhu đúng lúc thì mới áp chế được lũ chuột tinh ranh” - anh Tuấn nói cặn kẽ.

Chừng 10 năm trở về trước, xã Hoằng Vinh có nhiều thợ đi săn chuột lắm. Đến mùa săn chuột đồng, thanh niên trong làng lũ lượt kéo nhau đi. Họ đi khắp các cánh đồng của huyện Hoằng Hóa, rồi đến các huyện lân cận: Quảng Xương, Thiệu Hóa, Hậu Lộc... Giờ thì ít hơn, cả xã Hoằng Vinh chỉ còn mỗi đội 6 là con mấy nhóm đi săn. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chung quy vẫn bởi cái nghề này nó bấp bênh, cả năm chỉ có 2 mùa đi săn sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Rồi thêm cả ruộng đồng cứ thu hẹp dần, chuột đồng cũng ít dần đi. “Giờ chúng tôi đi săn, ngoài mục đích mưu sinh, phần lớn anh em đều có lý do khác, là muốn giữ lấy cái nghề, tìm niềm vui nơi ruộng đồng để gợi nhớ tuổi thơ” - anh Tuấn ngậm ngùi.

Câu chuyện của anh Tuấn cứ thế đưa đẩy thời gian đi, cho đến khi cánh đồng xã Quảng Bình hiện ra trước mắt. “Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu săn chuột đồng nhé!” - anh Tuấn nói lớn rồi đề nghị tôi cùng nhập đoàn, để vừa lấy thông tin, vừa có cảm xúc thực tế mà viết bài.

Quả thật, săn chuột đồng là công việc gồm nhiều công đoạn đòi hỏi ở người thợ săn sự nhanh nhẹn, linh hoạt và đặc biệt là phải có một “chiến thuật” hợp lý. Đầu tiên, anh Tuấn vạch những lùm cỏ dại truy lùng dấu vết của bầy chuột. Anh nói chỉ cần nhìn vào những dấu chân chuột chạy mòn vẹt ngoài cửa hang là có thể đoán biết được chuột to, chuột bé. Sau đấy, là sự phối hợp nhịp nhàng của những người đi cùng. Người dùng cuốc đào bới cho miệng hang rộng ra, rồi lấy cái rọ tre đơm vào giữa thật chắc chắn. Người cố gắng tìm thêm các ngách hang phụ thông đường với cửa hang chính. Tôi góp sức bằng việc lấy nước đổ vào các cửa hang. Và, kết quả mĩ mãn của sự “chuyên nghiệp” ấy là khi gặp nước, lũ chuột chạy ra ngoài thoát thân mà không hay biết rằng có một chiếc rọ tre đã sẵn sàng chờ chúng ở cửa chính. Kết cục, chúng bị sa bẫy. Với sự thuần thục ấy, chưa hết buổi sáng, nhóm chúng tôi đã săn được gần 20 kg chuột đồng. Tôi hỏi anh Tuấn đây có phải là cách duy nhất để săn được những chú chuột đồng tinh quái không. Anh cười, vẻ khoái chí, rồi chậm rãi đáp lời, cách thì nhiều, chẳng hạn có thể dùng cuốc, thuổng đào hang chuột cho tới nơi chuột ở, đốt rơm hun khói vào hang chuột và ban đêm soi đèn bắt chuột, tùy từng thời điểm, từng khả năng của mỗi người mà lựa chọn ra cách săn chuột phù hợp nhất.

Tôi theo chân anh Tuấn và nhóm bạn đến quá trưa, đôi chân bắt đầu “biểu tình” đòi nghỉ. Anh Tuấn liếc nhìn tôi, hiểu sự mệt mỏi, rồi đảo mắt vào rọ chuột đồng - thành quả đi săn của cả buổi sáng, ra vẻ “ưng bụng”, cất cao giọng: “Thôi, nghỉ!”. Cả đoàn lục đục ra về. Người cầm rọ tre, người vác trên vai cuốc sắt, tôi cũng góp sức bằng việc xách một lồng chuột đầy trở về trong niềm vui, sự háo hức, hân hoan khó tả. Những con chuột nhảy chồm chồm bất lực.

Về đến nhà, anh Tuấn chia đều những con chuột béo ú cho tất cả thành viên trong nhóm một cách công bằng. Được cầm trên tay “chiến lợi phẩm” sau một buổi sáng vất vả, ai cũng đều nở những nụ cười tươi với khuôn mặt lem nhem bùn đất. Sau khi ai cũng có phần, số còn lại anh Tuấn bàn bạc với cả nhóm mang làm chuột sạch sẽ, thui rơm, rồi đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập. Anh nhanh tay nấu một nồi nước to rồi cho nhúng hết lũ chuột vào trong đó. Nhúng xong, mọi người xúm tay lại tuốt lông, làm thịt, loại bỏ phần đầu lẫn nội tạng. Tiếp theo, anh Tuấn rút một ôm rơm vàng óng mang vào góc sân để thui. Lửa rơm cháy đượm, da chuột vàng ươm, thơm lừng. Đợi đến lúc vừa nhất, anh mới dùng que gắp chuột ra, lau sạch, chia chuột vào túi bóng, mỗi túi 1 kg. Anh bảo với tôi, 1 kg chuột hiện tại sẽ được bán với giá 80 nghìn đồng, tính ra thành quả của buổi sáng đi săn, trừ phần để lại làm thức ăn, cả nhóm vẫn kiếm thêm được hơn 1 triệu đồng.

Buổi chiều hôm đó, anh Tuấn rủ tôi ở lại thưởng thức món thịt chuột. Chiều đông lạnh buốt, trong góc bếp nhỏ liu riu lửa hồng, tiếng mỡ rán lèo xèo và mùi thịt chuột bay lên thơm nồng, ấm áp. Vốn dĩ sợ chuột, nhưng thật lạ, tôi lại có thể... ăn thịt chuột một cách ngon lành. Chuột kho sả ớt, chuột rim giòn với lá lốt, chuột nấu giả cày,... mỗi cách chế biến đều mang những mùi vị đặc trưng riêng. Cắn từng miếng thịt chuột thơm nức, bùi bùi, béo ngậy, tôi cứ tấm tắc khen mãi. Thấy vậy, anh Tuấn cười, nói: “Dinh dưỡng có trong thịt chuột cũng không hề thua kém thịt gà, vịt, lợn,... đâu. Thậm chí, nếu như các loại gia cầm và lợn ăn nhiều cám công nghiệp thì chuột đồng đa phần chỉ ăn thóc, lúa, cua, ốc nên thịt chuột đồng được cho là thực phẩm sạch. Ngoài ra, thịt chuột đồng còn được coi là bài thuốc quý. Theo kiến thức Đông y mà anh được biết, thịt chuột đồng có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng mạnh khí, ích tinh, hàn thương tích, liền xương cốt. Riêng gan chuột có vị đắng, tính ấm, giúp trừ cam tích, bình can, cường khí huyết, giúp mắt sáng”. Những thông tin bổ ích mà anh Tuấn cung cấp như tăng thêm sự “ngon lành” của món thịt chuột.

Một buổi đi săn chuột đồng ý nghĩa, để lại trong tôi bao nỗi niềm khó tả. Quả thật, nghề nào cũng vậy, sẽ đẹp lên bao nhiêu khi ta biết đặt tâm trí để tìm hiểu và cảm thông. Còn gì trân quý hơn khi những người như anh Tuấn bằng sự hăng say trong lao động của mình đang cố gắng lưu giữ lại cái “nghề” gia truyền của cha, ông.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường


Bài Và Ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]