(Baothanhhoa.vn) - Xơ xác, hoang tàn,… đó là những gì chúng tôi ghi nhận được ở Sa Lắng, xã Thanh Xuân (Quan Hóa) gần 1 tuần sau khi nước rút.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sa Lắng… sau mùa lũ

Xơ xác, hoang tàn,… đó là những gì chúng tôi ghi nhận được ở Sa Lắng, xã Thanh Xuân (Quan Hóa) gần 1 tuần sau khi nước rút.

Anh Hà Văn Hạnh đang đứng tại nơi đã từng là "tổ ấm" của 8 thành viên trong gia đình.

Sinh sống ở đây từ ngàn xưa, người dân chưa bao giờ lại nghĩ rằng: Có một cơn lũ khủng khiếp và lạ lùng đến vậy!

Vật vờ trong mùa lũ …

Thất thần nhìn theo dòng nước vẫn cuồn cuộn đục ngầu, đứng trên chính nơi từng là nền nhà của gia đình đã bị cuốn trôi, anh Hà Văn Hạnh kinh hoàng kể lại phút giây chạy khỏi bàn tay tử thần ngày hôm ấy. Anh vẫn nhớ như in, hôm ấy, trời mưa rất to và nước bắt đầu chảy xiết. Từng đợt, từng đợt nước lũ tràn về, cuốn phăng đi tất cả của cải trong gia đình chỉ trong chốc lát. Vội vã chạy lấy người, vơ gấp vài thứ đồ dùng thì sau lưng anh, ngôi nhà đã bị nước lũ cuốn trôi. Từ ngày hôm ấy, gia đình đành phải ở nhờ nhà người thân ở khu vực cao hơn trong bản. Cuộc sống tạm bợ chưa biết rồi sẽ dai dẳng đến khi nào.

Trong bản chỉ có 53 ngôi nhà với 257 nhân khẩu, nhưng có tới 30 ngôi nhà ở triền sông đã bị nhấn chìm tới nóc trong cơn lũ vừa qua. Từ người già đến trẻ nhỏ nơi đây chắc có lẽ không thể nào quên được những phút giây bấn loạn ấy. Buồn rầu dọn dẹp, lau chùi bùn đất còn vương lại ở đống đồ đạc cũ, vợ chồng anh Phạm Bá Dân, chị Hà Thị Thiệp, kể: Ở nửa đời người rồi, mà chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến một cơn lũ lên nhanh như vậy. Mới kịp xách theo chiếc tivi đi gửi thì ở dưới này, nước đã tràn lên rồi cuốn phăng đi hết đồ đạc trong nhà.

Nhiều ngôi nhà ở bản Sa Lắng bị hư hỏng không thể sửa chữa được.

Lũ qua, những gì còn lại nơi đây là những nền nhà trơ trọi, những ngôi nhà xiêu vẹo, xộc xệch trống hơ, trống hoác. Xoong nồi, quần áo của những gia đình may mắn đi gửi được nằm lộn xộn khắp nơi. Không khí còn nồng nặc mùi bùn đất lẫn với rác rưởi đang phân hủy bốc lên ngai ngái. Một số gia đình đang trở về những ngôi nhà cũ còn có thể sinh sống tạm để khắc phục, sửa chữa.

Trưởng bản Sa Lắng Cao Thanh Bình, kể lại: Vào thời điểm mưa to, nước lên thì cũng là thời điểm bản Sa Lắng bị mất điện. Nhận được thông tin chỉ đạo của UBND xã qua điện thoại, tôi vội vã hô hoán bà con chạy lũ. Trong đêm tối mò mẫm, từ người già đến trẻ nhỏ dắt díu đưa nhau lên khu vực trên núi. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, nước lũ đã dâng lên đến nóc những ngôi nhà sát triền sông, nhấn chìm toàn bộ tài sản, vật nuôi của những người dân nơi đây chỉ trong tích tắc.

Ngoài 1 ngôi nhà bị cuốn trôi, trong số 30 ngôi nhà bị ngập nước, có 7 nhà không thể khắc phục sửa chữa. Không chỉ sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mùa nước lũ, việc học hành của lũ trẻ Sa Lắng cũng đang phải đối diện với vô vàn khó khăn. Cả bản hiện có 75 cháu học sinh mầm non, tiểu học và THCS. Đợt mưa lũ vừa qua cũng đã khiến điểm Trường Tiểu học Sa Lắng với 3 phòng học bị ngập, toàn bộ bàn ghế, đồ dùng, thiết bị dạy học bị hư hỏng hiện chưa khắc phục xong. Hàng ngày, các em học sinh điểm trường này đang phải đi đò qua sông Mã để học ghép tại Trường Tiểu học Thanh Xuân.

Điểm trường tiểu học bị ngập, hư hỏng, học sinh Sa Lắng phải vượt sông Mã bằng đò để đi học.

Khi nào mới được tái định cư ?

Đồng chí Hà Hồng Quản, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, cho biết: 53 hộ dân bản Sa Lắng thuộc diện di dời tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng lòng hồ của Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân. Từ năm 2014, các hộ dân đã được nhận tiền bồi thường và mong ngóng từng ngày được chuyển lên nơi ở mới. Cũng trong năm 2014, mặt bằng khu tái định cư bản Sa Lắng cách đó không xa đã được địa phương bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng khu tái định cư rất chậm khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn. Nhiều nhà ở xuống cấp không được khắc phục, sửa chữa và người dân Sa Lắng vẫn phải sống thấp thỏm bên cạnh tử thần sông nước.

Được biết, khu tái định cư Sa Lắng được xây dựng trên tổng diện tích đất 77.903m2. Trong đó, diện tích sẽ giao cho các hộ dân là 20.559m2, chia làm 55 thửa. Diện tích còn lại sẽ được xây dựng trường học, công trình văn hóa và một số hạng mục công cộng khác. Theo lý giải của chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO, nguyên nhân dẫn đến việc thi công khu tái định cư chậm là do điều kiện thi công rất khó khăn. Toàn bộ vật liệu phải vận chuyển qua sông Mã bằng phà. Những tháng gần đây, mưa lũ diễn ra thường xuyên, hiện tại phà vận chuyển cũng đã bị chìm nên việc thi công chưa tiếp tục được. Ông Thái Văn Chấn, Phó Giám đốc công ty cũng cho biết thêm, hiện nay, các hạng mục chính như san nền, đường giao thông nội vùng, mương thoát nước, hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt đã hoàn thiện, bảo đảm điều kiện tối thiểu để bố trí tái định cư. Trước tình hình mưa lũ, ngày 15-8, đơn vị cũng đã có công văn đề xuất UBND huyện Quan Hóa tổ chức bố trí giao đất để người dân xây nhà, ổn định cuộc sống. Các hạng mục xây dựng còn lại đơn vị sẽ hoàn thành trong tháng 11-2018.

Khu Tái định cư Sa Lắng vẫn còn dở dang nhiều hạng mục.

Tuy nhiên, làm việc với UBND huyện Quan Hóa, chúng tôi được biết: Mặc dù hiện nay các hạng mục mặt bằng, điện, nước đã cơ bản đầy đủ, tuy nhiên chủ đầu tư chưa thi công xong một số hạng mục quan trọng ảnh hưởng đến an toàn của người dân nếu chuyển lên sinh sống như: taluy dương xử lý chưa bảo đảm, taluy âm phần đất mượn dọc sông Mã chưa được kè, nắp đậy mương thoát nước chưa có nên chưa đủ điều kiện để bố trí tái định cư. Hơn nữa, quy trình thực hiện dự án đã được phân định rõ ràng từ trước. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện tất cả các hạng mục dự án, báo cáo Sở Xây dựng thẩm định, nghiệm thu, nếu đạt yêu cầu, địa phương sẽ bố trí cho nhân dân bốc thăm, chia lô và chuyển đến sinh sống.

Trước ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ vừa qua tại bản Sa Lắng, tới đây, huyện Quan Hóa cũng sẽ nghiên cứu bố trí, di dời trước một số hộ dân bị mất nhà ở lên một số vị trí an toàn trong khu tái định cư. Tuy nhiên, giải pháp tình thế đó cần phải được thay thế sớm nhất. Chủ đầu tư cần triển khai thi công nhanh chóng các hạng mục cơ sở hạ tầng còn lại theo cam kết để người dân Sa Lắng sớm được ổn định cuộc sống.


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]