(Baothanhhoa.vn) - Rà soát hộ nghèo là “vòng tuần hoàn” được tiến hành vừa theo định kỳ, vừa thường xuyên. Đó là một quy trình với các quy định chặt chẽ và nhiều tiêu chí cụ thể; song quá trình triển khai lại đang phát sinh những lệch chuẩn, bất cập, gây ảnh hưởng đến công cuộc giảm nghèo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Rà soát hộ nghèo: Những chuyện chưa kể...” - Bài 1: Quy trình chuẩn và sự lệch chuẩn

“Rà soát hộ nghèo: Những chuyện chưa kể...” - Bài 1: Quy trình chuẩn và sự lệch chuẩn

Thôn Giang Tây (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương) - nơi phát sinh một số vấn đề liên quan đến công tác rà soát hộ nghèo. Ảnh: P.V

Rà soát hộ nghèo là “vòng tuần hoàn” được tiến hành vừa theo định kỳ, vừa thường xuyên. Đó là một quy trình với các quy định chặt chẽ và nhiều tiêu chí cụ thể; song quá trình triển khai lại đang phát sinh những lệch chuẩn, bất cập, gây ảnh hưởng đến công cuộc giảm nghèo.

Khoảng cách mong manh... 1.000 đồng...

Chừng 10 năm trước, cuộc sống của gia đình ông Hà Văn Vinh (gồm 5 nhân khẩu) chỉ trông chờ vào ít ruộng rẫy, mùa màng bấp bênh khi được khi mất. Không có thêm nguồn thu nào khác để trang trải, thành thử cái sự túng quẩn cứ đeo bám năm này qua tháng khác như hình với bóng. Khi địa phương tiến hành rà soát hộ nghèo, thì với mức thu nhập chưa đầy 400.000 đồng/người/tháng, chiếu theo quy định lúc bấy giờ, gia đình ông Vinh thuộc diện hộ nghèo của bản Cua (xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa). Với nhiều chính sách ưu đãi dành cho đối tượng hộ nghèo như được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, được vay vốn 30 triệu đồng từ Chương trình 135 để mua bò chăn nuôi... Nhờ đó, đời sống của gia đình ông từng bước được cải thiện hơn. Đến cuối năm 2014, khi rà soát dựa trên tiêu chí thu nhập, do đã vượt qua ngưỡng 400.000 đồng/người/tháng, nên gia đình ông thuộc diện thoát nghèo. Thế nhưng, cuộc sống khó khăn vẫn cứ đeo bám khi vợ chồng đau ốm liên miên, không làm được việc nặng, cộng thêm phải lo lắng việc ăn học của 3 đứa con. Bởi vậy, cái sự “thoát nghèo” của gia đình, thực chất chỉ là “thoát” tên khỏi danh sách hộ nghèo mà thôi. Năm 2016, sau khi có quy định mới về rà soát hộ nghèo, trong đó, bên cạnh sự thiếu hụt về thu nhập, thì thiếu hụt các điều kiện sống tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở...) cũng được tính đến. Cho nên, khi áp dụng “chuẩn mới” vào hoàn cảnh thực tế, gia đình ông Vinh lại “trở về” danh sách hộ nghèo của xã.

Nghèo đơn chiều là cách đo lường và đánh giá mức độ nghèo dựa trên thu nhập (giai đoạn 2011-2015). Nói cách khác, chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy thành tiền. Nếu hộ có thu nhập dưới chuẩn thì thuộc diện hộ nghèo. Cụ thể, hộ thuộc diện hộ nghèo khi mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; còn hộ cận nghèo có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng - 520.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, chuẩn nghèo Việt Nam áp dụng lúc bấy giờ được đánh giá là thấp so với thế giới. Đồng thời, công cụ đo lường - thu nhập, vốn dĩ không thể bao quát hết tình trạng nghèo thực tế và dễ dẫn đến bỏ sót đối tượng. Bởi, có nhiều trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, dù người dân không nghèo về thu nhập nhưng rất khó tiếp cận được các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin, nước sạch... cho nên cuộc sống không được cải thiện là bao. Hơn nữa, nhiều hộ dân thoát nghèo lại rơi vào đối tượng cận nghèo, mà vốn dĩ 2 đối tượng này chỉ lệch nhau một khoảng cách vô cùng mong manh: 1.000 đồng. Do đó, số lượng hộ cận nghèo rất lớn, nguy cơ tái nghèo cao (hàng năm, cứ 3 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ tái nghèo), gây ảnh hưởng đến hiệu quả và tính bền vững của công cuộc giảm nghèo.

Cùng với sự vận động đi lên của đời sống, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, dẫn đến nhu cầu của con người cũng tăng lên. Do vậy, đánh giá thực trạng nghèo cũng cần có cách tiếp cận rộng hơn, toàn diện hơn. Hơn nữa, xét về bản chất, thì đói nghèo đồng nghĩa với việc con người bị khước từ nhiều quyền cơ bản. Cho nên, tiếp cận chuẩn nghèo theo hướng đa chiều trở thành yêu cầu tất yếu, nhằm đánh giá mức độ sống của người dân ở nhiều chiều cạnh khác nhau và do đó cũng sẽ chính xác, trung thực hơn. Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đã dần tiệm cận đến các giá trị cao hơn trên thang bậc mức sống người dân.

Cụ thể, bên cạnh thu nhập là một tiêu chí cứng (hộ nghèo khu vực nông thôn có mức thu nhập 700.000 đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng); thì có thêm 10 chỉ số được dùng làm công cụ đo lường sự thiếu hụt mức sống (dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin). Các chỉ số trên cũng là căn cứ để chấm điểm và xác định đối tượng nghèo. Cụ thể, đối với khu vực thành thị thì từ 140 điểm trở xuống là hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, từ 140-175 điểm là hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; còn đối với khu vực nông thôn, từ 120 điểm trở xuống là hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, từ 120-150 điểm là hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Có thể nói, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận, đo lường từ đơn chiều sang đa chiều là một bước tiến mới trong cách thức rà soát, xác định đối tượng và mức độ nghèo trong thực tế. Kết quả rà soát vừa là căn cứ để triển khai các chính sách giảm nghèo; vừa là căn cứ để đánh giá hiệu quả của một quá trình triển khai chính sách (thường là 1 năm). Đồng thời, trên cơ sở đo lường, giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ cơ bản, các ngành, các địa phương sẽ xác định rõ hơn các khu vực có mức độ thiếu hụt cao. Từ đó, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thay thế các chính sách giảm nghèo sao cho sát đúng, phù hợp với yêu cầu phát triển và từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng miền, các nhóm dân cư. Đặc biệt, với cách tiếp cận đa chiều, vai trò giám sát của người dân và tính dân chủ, khách quan trong quá trình rà soát cũng được nâng lên. Người dân được tham gia các cuộc họp bình xét, được nêu quan điểm và bản thân họ là người có thể phát hiện các sai phạm, tiêu cực trong quá trình bình xét. Ngoài ra, dựa theo các tiêu chí cụ thể, các bảng biểu và các mẫu ghi chép có sẵn, sẽ tạo thuận lợi cho các điều tra viên trong quá trình thu thập, xác minh thông tin và chấm điểm. Từ đó, xác định đúng đối tượng và bảo đảm tính công bằng trong quá trình rà soát...

Sự “bất lực” của công cụ đo lường

Về lý thuyết mà nói, cách thức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều hiện nay là cần thiết và sát đúng. Thế nhưng, từ chính sách đưa vào áp dụng trong thực tế lại phát sinh không ít bất cập. Tìm hiểu thực tế quá trình này tại thôn Giang Tây (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương), chúng tôi được ông Hoàng Văn Lĩnh, bí thư chi bộ thôn, cho hay: Thông tư 17 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020, là khá cụ thể. Tuy nhiên, một số phụ lục chấm điểm tài sản, hay cách thức thu thập thông tin của hộ dân nhằm xác định mức độ thiếu hụt thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản lại chưa hợp lý. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn, lúng túng cho cán bộ điều tra. Chẳng hạn, cùng một loại tài sản nhưng giá trị chênh lệch lớn, lại vẫn có điểm bằng nhau là không chính xác, thiếu thỏa đáng. Để minh chứng cho điều này, ông đã dẫn ví dụ cụ thể phát sinh trong quá trình rà soát. Đó là hộ ông Võ Duy Tuấn, bản thân bị câm, sức khỏe yếu, không còn khả năng lao động; đất đai, nhà cửa, tài sản... nếu quy ra tiền thì giá trị không cao. Trong khi đó, hộ ông Võ Duy Thơm có điều kiện sống khá hơn, nhà cửa và đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, có giá trị cao hơn nhiều. Thế nhưng, khi chấm điểm nhà ở và tài sản, thì mức điểm hai hộ này lại sàn sàn nhau và đều thuộc diện hộ cận nghèo.

Sự bất cập này xuất phát từ cách tính toán thang điểm chưa được cụ thể hóa đầy đủ, chính xác và chưa tính đến các điều kiện thực tế. Đơn cử tại phụ lục 3b, phiếu B (phiếu khảo sát xác định hộ nghèo khu vực nông thôn), về “nhà ở”: nhà kiên cố được chấm 20 điểm, còn nhà thiếu kiên cố là 10 điểm. Điều này dẫn đến thực tế là, những căn nhà có 3/3 kết cấu chính cột, mái, tường được làm bằng vật liệu bền chắc (bê tông, cốt sắt, gạch đá), nhưng giá trị cũng không lớn hơn là bao so với căn nhà có 1/3 kết cấu chính được làm bằng vật liệu bền chắc. Cụ thể hơn là, có những biệt thự tiền tỷ, nhưng giá trị quy ra điểm cũng chỉ hơn căn nhà cấp 4 vẻn vẹn 10 điểm mà thôi.

Tương tự như vậy là cách chấm tài sản chủ yếu như ti vi, ô tô, xe máy, tủ lạnh, điều hòa, tàu thuyền, máy xát, máy gặt... Dù giá trị tài sản có thể chênh nhau hàng vài trăm triệu, nhưng quy ra điểm thì chúng đều bằng nhau. Chẳng hạn, 1 xe máy “tã” trị giá 5 triệu đồng cũng giống xe máy Honda SH giá 50-60 triệu đồng, đều được chấm 20 điểm. Còn nếu so sánh dựa theo “tính chất bắc cầu”, thì 1 ngôi nhà tiền tỷ cũng có “giá” tương đương với 1 xe máy “tã” (20 điểm). Chưa hết, một hộ có (quản lý/sử dụng) từ 5.000m2 trở lên đất cây lâu năm, thì số điểm cũng bằng cái xe máy “tã” (20 điểm) của hộ khác... Rồi thì hộ có 1 con gà bằng hộ có 49 con gà (5 điểm); hộ có 1 con lợn bằng hộ có 4 con lợn (5 điểm); hộ nuôi trồng thủy sản chấm 5 điểm (không tính đến diện tích bao nhiêu, đi thuê hay tự có)...

Quả thật, không so sánh ắt không đau thương và càng không thấy được sự nực cười ở đây!

Cách xác định hộ nghèo, cận nghèo dựa trên chấm điểm cũng đang cho thấy một hệ lụy khác, đó là việc cố tình “lách luật” của người dân. Bởi theo chia sẻ của một số lãnh đạo địa phương và cán bộ điều tra, thì không thiếu tình trạng người dân cố tình giấu tài sản, chuyển nhượng hoặc bán đi để giảm điểm và gây khó khăn cho quá trình điều tra; hoặc hộ có khả năng nhưng không xây nhà, không mua sắm tài sản, dẫn đến số điểm chấm đạt thấp và đương nhiên, họ thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo. Đặc biệt, hiện vẫn thiếu các tiêu chí, cơ chế và giải pháp giúp điều tra viên nắm bắt chính xác tài sản, nguồn gốc/giá trị tài sản và nguồn thu nhập của hộ dân. Điều đó dẫn đến một thực tế là, đối với các tài sản cố định như đất đai, nhà cửa thì có thể xác minh trực quan và chấm điểm. Còn với tài sản không cố định như vật dụng sinh hoạt, vật nuôi và nhất là các nguồn thu nhập, thì rất khó xác minh tính chính xác và phần nào phải trông chờ vào sự khai báo trung thực của người dân.

Xã Quang Chiểu (huyện Mường Lát) hiện còn trên 28% hộ nghèo. Tuy nhiên, nếu soi vào thực tế ở từng tiêu chí, thì tỷ lệ trên vẫn chưa thể phản ánh chính xác và toàn diện mức độ nghèo của người dân. Đơn cử như, địa phương chủ yếu là đồng bào Mông. Dù đời sống nhiều hộ đã khấm khá hơn, nhưng bà con vẫn sống theo nếp xưa, với những căn nhà đất thấp nhỏ và những vật dụng sinh hoạt có thể chấm ra điểm (máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, máy gặt, máy xát...) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài ra, còn có những hộ gửi tiết kiệm hàng trăm triệu đồng, nhờ vào các nguồn thu nhập khác nhau. Thế nhưng, khi dựa trên tài sản để chấm điểm, thì số điểm các hộ sẽ “hao hụt” đi khá nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc họ vẫn trong danh sách hộ nghèo và cận nghèo.

Từ thực tế xã Quang Chiểu, nhìn rộng ra một số huyện miền núi để thấy, giả sử người dân có tiền (đảm bảo tiêu chí thu nhập), nhưng địa bàn sinh sống khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển... thì khả năng tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản (điện, đường, trường, trạm, viễn thông...) cũng vẫn hạn chế. Mặt khác, theo phiếu rà soát về diện tích nhà ở, theo quy định, nếu bình quân đầu người từ 8 đến dưới 20m2 thì sẽ không được chấm điểm. Trong khi đó, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số thường nhiều thế hệ, nhiều nhân khẩu cùng sinh sống. Dù làm nhà đã đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, nhưng nếu chia theo đầu người thì cũng rất ít hộ đảm bảo diện tích. Hay như tiêu chí tiêu thụ điện bình quân 1 tháng/hộ, nếu tiêu thụ 25 - 49KW/tháng được chấm 20 điểm, nhưng ít hơn 25KW/tháng thì không có điểm. Thực tế, bà con vùng sâu, vùng xa sử dụng rất ít thiết bị điện, nên lượng điện tiêu thụ hàng tháng không nhiều... Đó là những bất cập phát sinh từ cơ sở mà các loại thang, biểu, phiếu chấm cũng chưa thể bao quát hết để đánh giá cho sát đúng, trung thực và công bằng. Từ đó, phản ánh chính xác hiệu quả triển khai các chính sách giảm nghèo, cũng như tính bền vững của công cuộc giảm nghèo ở nhiều địa phương hiện nay.

Trao đổi với ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH về công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh những năm qua, chúng tôi được biết: công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm được các cấp, các ngành và 27/27 huyện, thị xã, thành phố triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng quy định tại Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH và Thông tư 14/2018/TT-BLĐTBXH. Tính đến ngày 18-2-2020, toàn tỉnh có 32.230 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,27%; số hộ cận nghèo là 102.092 hộ, chiếm tỷ lệ 10,35%. Nói thêm về việc chấm điểm để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, ông Hành cho hay, những bất cập trong cách thức chấm điểm là có. Chẳng hạn, nếu người dân có tiền nhưng không khai báo, còn nhà ở không có tài sản đáng giá, thì vẫn là hộ nghèo. Với những trường hợp như vậy, chỉ khi có ý kiến của các cơ quan chức năng thì may ra mới có thể xác nhận được (ví như ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan công an). Điều đó cho thấy, bản thân công cụ đo lường cũng đang “bất lực” trước các vấn đề phát sinh trong đời sống.

Để có được những con số phản ánh trung thực, khách quan, chính xác kết quả rà soát và hiệu quả giảm nghèo, trước hết phải “nắn” lại những lệch chuẩn trong công tác rà soát nói chung và bộ công cụ rà soát nói riêng. Từ đó, phát huy tốt nhất những ưu điểm, cùng sự ưu việt của chính sách giảm nghèo - một trong những chính sách an sinh xã hội nhân văn nhất hiện nay.

Nhóm PV Phòng VHXH

Bài 2: “Cây gậy quyền lực”: Quá sức với cơ sở?


Nhóm PV Phòng VHXH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]