(Baothanhhoa.vn) - Khi có quyết định ra khỏi 30a, huyện Như Xuân không còn được hưởng chính sách đầu tư và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng. Một số công trình lớn thuộc Chương trình 30a không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng; nhiều công trình đang trong quá trình triển khai bị cắt nguồn vốn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ra khỏi 30a, huyện thoát nghèo vẫn còn nhiều nỗi lo

Ra khỏi 30a, huyện thoát nghèo vẫn còn nhiều nỗi lo

Nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi mà nhiều hộ dân xã Cát Vân (Như Xuân) đã thoát nghèo. Ảnh: Hoàng Giang

Khi có quyết định ra khỏi 30a, huyện Như Xuân không còn được hưởng chính sách đầu tư và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng. Một số công trình lớn thuộc Chương trình 30a không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng; nhiều công trình đang trong quá trình triển khai bị cắt nguồn vốn.

Như Xuân là một trong 62 huyện nghèo của cả nước được đầu tư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP với mục đích thoát nghèo vào năm 2020. Trong những năm qua với sự quyết tâm, nỗ lực của đảng bộ và nhân dân, huyện Như Xuân đã thoát nghèo sớm so với mục tiêu đặt ra và được Thủ tướng Chính phủ công nhận theo Quyết định 275/QĐ-TTg ngày 7-3-2018. Tuy nhiên, một số chính sách, một số công trình còn dang dở bị cắt nguồn vốn hỗ trợ khiến chính quyền và nhân dân nơi đây gặp khó khăn.

Niềm vui thoát nghèo

Như Xuân là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh được Chính phủ hỗ trợ, đầu tư theo Nghị quyết 30a. Trong 10 năm (2008-2018) ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho huyện Như Xuân 425,339 tỷ đồng; ngân sách địa phương đã bố trí hơn 30 tỷ đồng và lồng ghép 437,875 tỷ đồng từ các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Từ năm 2009 đến 2017 trên địa bàn huyện Như Xuân đã đầu tư xây dựng 32 công trình từ Chương trình 30a với tổng mức đầu tư 318.749 triệu đồng, trong đó, 20 công trình nguồn vốn trung ương đầu tư 295.693 triệu đồng, gồm 8 công trình hồ đập, 11 công trình giao thông, 1 công trình trường học; 12 công trình (trạm y tế cấp xã) từ nguồn vốn doanh nghiệp hỗ trợ 23.056 triệu đồng.

Nhờ hỗ trợ từ Chương trình 30a, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Như Xuân là 51,32%; đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,22%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng hơn 23,3 triệu đồng/người/năm, tăng 11,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2009.

Ông Nguyễn Bá Chức, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân, cho biết: Trong những năm qua, nhờ có hỗ trợ từ Chương trình 30a mà địa phương có nhiều thay đổi về phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng. Người dân dần thoát nghèo nhờ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, kinh tế trang trại. Xã Thượng Ninh hiện còn 148/1.642 hộ nghèo. Sau khi có quyết định của Chính phủ về việc huyện Như Xuân ra khỏi vùng 30a, chúng tôi đã phổ biến đến từng thôn về chính sách của Nhà nước, đồng thời động viên người dân tích cực lao động phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.

Nỗi lo khi chính sách hỗ trợ không còn

Thoát nghèo, đây là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân huyện Như Xuân. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những khó khăn khi Nhà nước cắt giảm một số chế độ, chính sách đặc thù của huyện 30a, trong đó có chính sách hỗ trợ người dân, hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức.

Huyện Như Xuân có 17 xã, sau khi thoát nghèo không thuộc diện huyện đặc biệt khó khăn 30a, thì có 8 xã thuộc vùng III gồm: Thanh Quân, Thanh Sơn, Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Hòa, Thanh Phong, Cát Tân, Xuân Hòa và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II trên địa bàn không được hưởng chính sách của Chương trình 30a nhưng vẫn được hưởng các chế độ, chính sách dành cho các xã thuộc vùng 135; 7 xã không phải xã vùng III gồm: Yên Lễ, Cát Vân, Hóa Quỳ, Xuân Quỳ, Tân Bình, Bình Lương, Bãi Trành, Xuân Bình và Thượng Ninh không còn được hưởng chính sách hỗ trợ cho vùng 30a. Điều này, khiến cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức khó khăn khi mức lương bị cắt giảm.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Cát Vân, xã Cát Vân, cho biết: Khi huyện ra khỏi 30a, các chế độ, chính sách của giáo viên đang được thụ hưởng lâu nay bị cắt giảm, mức thu nhập của cán bộ, giáo viên bị hạ xuống rất nhiều. Điều này đã ảnh hưởng đến đời sống cũng như tâm lý của giáo viên ở miền xuôi lên đây công tác. Cụ thể: Giáo viên công tác tại xã 30a, được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, gồm: Chế độ thu hút (70% lương hệ số, hưởng 5 năm đầu công tác); chế độ phụ cấp đứng lớp (70% lương cơ bản) và chế độ khu vực (0,4% lương cơ bản)... Hiện, mức lương của cán bộ, giáo viên bị giảm 1/2 so với trước đây. Như, trường hợp những giáo viên vừa nhận công tác năm 2017 theo Quyết định 60/QĐ–TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mức hỗ trợ trên, những giáo viên này được hưởng tổng thu nhập khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi bị cắt giảm các chế độ trên, thì mỗi tháng giáo viên chỉ còn mức thu nhập khoảng 3,8 triệu đồng. Với mức lương này, nhiều giáo viên ở xa từ miền xuôi lên công tác thì chi phí xăng xe, chi tiêu trong tháng sẽ rất khó khăn.

“Khi các chế độ bị cắt giảm, với mức lương trên, sẽ khó thu hút giáo viên từ miền xuôi lên công tác miền núi. Trong khi đó, nếu so sánh mức thu nhập hàng tháng của một giáo viên ở vùng sâu, vùng xa và khó khăn mà cũng gần ngang bằng với một giáo viên ở các huyện miền xuôi, thì rất thiệt thòi” – thầy Thuận chia sẻ.

Bên cạnh cán bộ, công nhân, viên chức, nhân dân ở một số địa phương cũng lo lắng khi đời sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND xã Cát Vân, chia sẻ: Sau khi cắt các chính sách hỗ trợ, người dân bước đầu gặp nhiều khó khăn như: Học sinh không được hưởng các chế độ hỗ trợ học tập và phải đóng góp các khoản theo quy định; chính sách hỗ trợ cấp thẻ bảo hiển y tế sẽ không còn đối với người dân không thuộc dân tộc thiểu số, hộ nghèo, bảo trợ xã hội... Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế sẽ giảm vì việc chuyển mua bảo hiểm y tế tự nguyện sẽ hạn chế do nhiều hộ gia đình kinh tế vẫn còn khó khăn. Bên cạnh đó, đời sống của cán bộ, công chức, giáo viên đang công tác tại địa phương sẽ gặp khó khăn khi chính sách hỗ trợ bị cắt, mức lương giảm tương đương với những người công tác ở miền xuôi. Điều này sẽ khó thu hút người trẻ có năng lực đến cống hiến ở các xã vùng khó. Đặc biệt, khó khăn nhất của địa phương khi ra khỏi 30a là nguồn vốn hỗ trợ các công trình phúc lợi, giao thông bị cắt. Trong khi đó, điều kiện nhân dân còn khó khăn, khó huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện các công trình có nguồn vốn lớn.

Nhiều công trình không còn nguồn vốn đầu tư

Khi có quyết định ra khỏi 30a, huyện Như Xuân không còn được hưởng chính sách đầu tư và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng. Một số công trình lớn thuộc Chương trình 30a không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng; nhiều công trình đang trong quá trình triển khai bị cắt nguồn vốn.

Ông Nguyễn Quang Trường, Phó trưởng Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Như Xuân cho biết thêm: Hiện nay, huyện Như Xuân còn 3 công trình đã được phê duyệt đưa vào danh mục, tuy nhiên khi có quyết định ra khỏi 30a thì nguồn vốn đầu tư bị cắt. Cụ thể: Công trình đường giao thông từ Thanh Bình đi Thanh Thủy của xã Thanh Xuân với tổng mức đầu tư dự kiến 45 tỷ; đường giao thông từ xã Thượng Ninh đi xã Phượng Nghi, dự kiến 45 tỷ; công trình nâng cấp hồ Na Hiếng (xã Thanh Quân), dự kiến 53 tỷ. Do nguồn vốn vượt quá khả năng ngân sách của huyện nên hiện nay huyện Như Xuân đang đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ nguồn vốn khác để tiếp tục triển khai dự án.

Cũng theo UBND huyện Như Xuân, nguồn lực hỗ trợ Chương trình 30a không còn, trong khi đó, nguồn lực Nhà nước phân bổ cho các chương trình khác (Chương trình 135, nông thôn mới...) hạn chế, đầu tư còn phân tán, dàn trải. Mặt khác, ngân sách địa phương chưa chủ động được nên sẽ tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, mặt bằng chung về kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn; hạ tầng cơ sở tuy được đầu tư xong còn thiếu đồng bộ nhất là các công trình đường giao thông liên xã, liên thôn; hồ đập, kênh mương nội đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung trong tỉnh với 22,22%; tỷ lệ hộ cận nghèo 15,7%, nguy cơ tái nghèo cao...

Nhằm thoát nghèo bền vững, huyện Như Xuân đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất theo Chương trình 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo để nhân dân có điều kiện thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tính chủ động của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo, tập trung lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.

Hoàng Giang


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]