(Baothanhhoa.vn) - Trong khu nhà xưởng có diện tích khoảng 1.000m2, ở xã Hà Lai (Hà Trung) một chàng trai với dáng vẻ cao gầy đang hướng dẫn cho những công nhân mới vào nghề bằng sự niềm nở, ân cần. Chàng trai ấy là Nguyễn Đức Bân (sinh năm 1985), người mà cách đây 9 năm, cũng tại mảnh đất này đã quyết tâm đứng dậy sau vấp ngã và lên đường đến một miền đất mới với hy vọng tìm cho mình một cơ hội để làm lại cuộc đời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ra đi để trở về

Trong khu nhà xưởng có diện tích khoảng 1.000m2, ở xã Hà Lai (Hà Trung) một chàng trai với dáng vẻ cao gầy đang hướng dẫn cho những công nhân mới vào nghề bằng sự niềm nở, ân cần. Chàng trai ấy là Nguyễn Đức Bân (sinh năm 1985), người mà cách đây 9 năm, cũng tại mảnh đất này đã quyết tâm đứng dậy sau vấp ngã và lên đường đến một miền đất mới với hy vọng tìm cho mình một cơ hội để làm lại cuộc đời.

Ra đi để trở về

Công ty TNHH Bân Nguyễn đang tạo việc làm cho 60 lao động địa phương.

Nhớ ngày ra đi

Trong căn phòng sát với khu xưởng may túi, giọng nói trầm ấm của chàng trai trẻ đã dẫn chúng tôi đến với câu chuyện về cuộc hành trình dài mà anh đã đi qua.

Được sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng đồng chiêm trũng, ngay từ khi còn nhỏ, Bân đã cùng cha mẹ quanh năm bầu bạn với ruộng đồng. Ngoài một buổi đến trường, anh đã ở nhà phụ giúp cha mẹ một số công việc gia đình hoặc ra đồng cùng mẹ trồng ngô, cấy lúa. Có lẽ vì thế mà trong suy nghĩ, Bân luôn chững chạc và trưởng thành hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi.

Mặc dù, ở trường được thầy cô, bạn bè đánh giá là một học sinh có lực học khá, nhưng ý thức được điều kiện gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai ấy đã không lựa chọn con đường vào giảng đường đại học mà quyết định theo học hệ trung cấp nghề tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa. Hai năm sau đó, Bân ra trường và được nhận vào làm việc tại một trung tâm máy tính trên địa bàn TP Thanh Hóa, với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

Mức lương khá cao và ổn định thời điểm bấy giờ đã giúp Bân có cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng, đây cũng là nguyên nhân đẩy Bân vào những lỗi lầm trong quá khứ. Giữa cuộc sống xô bồ chốn thị thành, Bân không đủ bản lĩnh để giữ mình được tỉnh táo, sáng suốt trước những cám dỗ của cuộc đời. Bao nhiêu tiền kiếm được và dành dụm trong một thời gian dài đã đi theo những cuộc đỏ đen, đi theo những số lô, số đề hay những lần cá độ. Từ lúc nào, Bân biến lô đề, cờ bạc, cá độ thành những thú vui không thể rời bỏ. Cha mẹ, người thân hết sức can ngăn, nhưng “lời hứa như gió bay”. Số tiền kiếm được chẳng đủ để tham gia cuộc vui, Bân vay mượn bạn bè và cuối cùng, bán luôn cả những tài sản mà cha mẹ đã giao cho người con trai bằng tất cả lòng tin trước lúc bước chân vào trường nghề là chiếc xe máy, chiếc máy tính cùng chiếc điện thoại di động.

Đến lúc chẳng còn gì trong tay, lại thêm khoản nợ sắp đến hạn phải trả, Bân trở về nhà, một lần nữa chứng kiến gương mặt khắc khổ, chứng kiến cuộc sống dầm mưa dãi nắng của đấng sinh thành, Bân giật mình và suy nghĩ về những việc làm của bản thân trong những tháng ngày đã qua, nghĩ về công ơn của cha mẹ đã nuôi mình khôn lớn. Tiền mất, lòng tin cũng chẳng còn. Bân tiếc cho tuổi trẻ và lần đầu tiên, chàng trai ấy biết hối hận.

“Mình không thể cứ thế này mãi được”. Suy nghĩ biến thành hành động. Năm 2010, Bân xin phép bố mẹ đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc với mong muốn, đi để thay đổi bản thân, đi để tìm lại cho mình một cơ hội làm người tốt. Ngày lên đường, Bân đã hứa với bố mẹ sẽ chăm chỉ làm việc, sau này trở về sẽ không khiến mọi người phải phiền lòng nữa.

“Còn nhớ những ngày đầu tiên bước chân đến Hàn Quốc, mọi thứ với tôi đều rất khó khăn. Sự khác biệt về khí hậu, văn hóa, ngôn ngữ, lối sống... đã khiến tôi phải mất một thời gian dài để thích ứng. Trong suốt quá trình làm việc, tôi gặp không ít khó khăn, nhưng mỗi lần như vậy, tôi nghĩ về cha mẹ, nghĩ về sai lầm của bản thân trước đây, tôi lại cố gắng để vượt qua. Bởi ngay từ khi bước chân đến miền đất mới, tôi xác định “Ra đi là để trở về” và trở về với một bản lĩnh, một con người khác”.

Vui ngày trở về

Sáu năm ở xứ sở Kim Chi là sáu năm Bân nuôi giấc mộng ngày trở về đoàn tụ với người thân và làm một việc gì đó có ích cho quê hương, cho gia đình và cho chính bản thân mình. Những khó khăn phải trải qua nơi đất khách đã giúp Bân tôi luyện ý chí, bản lĩnh và cũng từ đây, Bân biết nâng niu, trân trọng những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi, nước mắt.

Một ngày đầu năm 2016, sau khi kết thúc hợp đồng lao động tại Hàn Quốc, Bân trở về quê hương. Sau thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, Bân đã bàn với cha mẹ dùng một phần vốn tích cóp trong 6 năm xa xứ để xây dựng trang trại nuôi lợn sạch. Bân đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng khu chuồng trại, con giống, thức ăn... Với 300 con lợn đầu tiên xuất bán, số tiền thu được đã đủ bù vào chi phí đầu tư ban đầu. Bân tiếp tục đầu tư 300 con giống mới. Tuy nhiên, năm 2017, giá lợn trên thị trường xuống thấp khiến gia đình Bân thua lỗ. Lúc này, song song với việc đầu tư trở lại đàn lợn giống mới, Bân đã nghĩ đến việc tìm một hướng đi khác phù hợp và an toàn hơn. Cuối năm 2018, sau khi xuất bán lứa lợn cuối cùng, số tiền lãi thu được gần 500 triệu đồng, Bân quyết định dừng nuôi lợn và chuyển sang thành lập công ty may túi bóng xuất khẩu (loại túi chuyên dùng trong các siêu thị). Tháng 11 – 2018, Công ty TNHH Bân Nguyễn được thành lập với tổng số vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng.

“Ban đầu, khi quyết định thành lập công ty may túi bóng xuất khẩu, tôi chưa hề có kiến thức gì về lĩnh vực này. May mắn đến với tôi khi có những người bạn tốt, họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong suốt quá trình hiện thực hóa ý tưởng. Nhất là khâu tìm kiếm thị trường”.

Với ý chí vươn lên cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, sau 4 tháng đi vào hoạt động, sản phẩm của Công ty TNHH Bân Nguyễn đã có mặt ở hơn 50 quốc gia trên thế giới như Malaysia, Singapore, Anh, Pháp, Đức... Sản phẩm của công ty luôn nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Đó chính là động lực để Bân tiếp tục cố gắng.

Hiện tại, lợi nhuận thu được đã hoàn vốn đầu tư ban đầu. Công ty đã xây dựng cơ sở 2, đặt tại huyện Vĩnh Lộc và tạo việc làm cho 60 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Niềm vui của Bân thể hiện rõ qua từng lời nói: “Tôi đang hoàn tất thủ tục để mở thêm một xưởng may nữa tại huyện Nga Sơn. Trước đây, để sửa chữa sai lầm và tìm kiếm cơ hội mới, tôi đã phải ra đi. Và tôi không muốn những năm tháng bôn ba nơi xứ người trở thành vô ích. Tôi muốn tìm lại lòng tin nơi mọi người mà trước đây tôi đã đánh mất. Và quan trọng hơn, tôi muốn đứng dậy trên chính quê hương mình”.

Với thành quả hôm nay Nguyễn Đức Bân có được, dù đã phải đánh đổi bằng nhiều thứ, nhưng gia đình, người thân đã có thể tự hào về anh!

Bài và ảnh: Lê Tình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]