(Baothanhhoa.vn) - Từ thuở xa xưa, xã Hoằng Lộc - quê tôi đã nổi danh là vùng đất học của xứ Thanh. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, người Hoằng Lộc cần cù, chịu thương chịu khó, năng động, nhạy bén với cái mới đã đoàn kết một lòng dựng xây nên xóm làng trù phú. Từ nguồn lực nội sinh quý giá ấy, ngày nay, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Hoằng Lộc đã biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt, có hiệu quả vào công cuộc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, mang đến diện mạo, sức sống mới với bao điều đổi thay trên quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quê tôi

Từ thuở xa xưa, xã Hoằng Lộc - quê tôi đã nổi danh là vùng đất học của xứ Thanh. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, người Hoằng Lộc cần cù, chịu thương chịu khó, năng động, nhạy bén với cái mới đã đoàn kết một lòng dựng xây nên xóm làng trù phú. Từ nguồn lực nội sinh quý giá ấy, ngày nay, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Hoằng Lộc đã biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt, có hiệu quả vào công cuộc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, mang đến diện mạo, sức sống mới với bao điều đổi thay trên quê hương.

Quê tôi

Sau khi được nâng cấp, cải tạo, xây dựng cầu sàn chòi, ao cá Bác Hồ đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng không chỉ của người dân Hoằng Lộc mà cả dân cư các vùng lân cận.

Đổi thay từ những điều nho nhỏ

Điều nho nhỏ đầu tiên cho thấy sự đổi thay đáng ngạc nhiên của quê tôi, đó chính là cái ao cá Bác Hồ (thôn Phúc Lộc) nằm ngay bên trục đường chính liên xã. Đối với lũ trẻ và đám thanh niên làng chúng tôi, cái ao cá ấy là kỷ niệm tuổi thơ trong những lần mê mải chơi trò nhảy dây, trốn tìm dưới gốc cây gạo già hay nhiều trưa hè trốn cha mẹ theo chân đám bạn đi câu cá. Nhiều năm qua đi, chúng tôi đều đã khôn lớn, trưởng thành. Quê hương từng bước thay da đổi thịt “đẹp hơn, đàng hoàng hơn” nhưng cái ao cá thì vẫn vậy. Những bờ bụi rậm rạp, lởm khởm; nhiều đoạn sạt lở, ao lâu ngày không được cải tạo, nạo vét... làm mất đi sự hài hòa trong cảnh quan không gian, diện mạo nông thôn mới, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Bao nhiêu năm ao cá lặng lẽ nằm đó, quen thuộc đến nỗi chẳng ai nghĩ đến việc phải làm điều gì đó để thay đổi nó và tưởng như nó sẽ tồn tại như thế cho đến “cuối đời”.

Ấy vậy mà, chỉ trong vòng mấy tháng vừa qua, công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã đã mang lại cho nó sự hồi sinh đáng ngạc nhiên. Nhằm phát huy lợi ích về môi trường sinh thái, nâng cao ý thức cộng đồng dân cư để giữ gìn nét đẹp cảnh quan và bản sắc văn hóa, xã đã tiến hành kè lát vỉa hè, xây cầu sàn chòi, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, thảm nhựa đường đi xung quanh, nạo vét lòng ao, thả cá... với kinh phí trên 4 tỷ đồng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Giờ đây, khu vực ao cá Bác Hồ nhộn nhịp hẳn lên bởi bước chân người dân đi tập thể dục mỗi sáng, mỗi tối; tiếng nói, tiếng cười rôm rả. Ao cá đã thực sự tham gia vào đời sống làng, xã, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng không chỉ của người dân Hoằng Lộc mà cả dân cư các vùng lân cận.

Điều nho nhỏ thứ hai mà tôi rất muốn dẫn chứng ra đây làm ví dụ cho sự đổi thay ở quê hương, đó chính là những thay đổi vượt bậc trong tư tưởng người mẹ hiền yêu dấu của tôi. Kể từ khi sinh ra đến nay, mẹ tôi chưa từng rời xa làng. Mọi dấu ấn quan trọng trong đời mẹ tôi: sinh ra, lớn lên, làm việc rồi lấy chồng, sinh con... tất cả đều gói gọn trong không gian thân thuộc ấy. Vì lẽ đó nên mẹ tôi có phần bảo thủ và sống khép mình. Mẹ tôi rất ngại việc thể hiện mình trước đám đông, ngại mặc váy ra đường, kể cả vào các dịp lễ, tết, đám đình vì sợ bị đánh giá này kia... Làm một việc gì đó khác đi cái nếp sống chầm chậm, giản đơn là mẹ tôi đều ngại. Nhưng gần đây, quê tôi rộ lên phong trào tập thể dục dưỡng sinh, mẹ tôi lại là người hăng hái, tích cực, chủ động tham gia. Điều đó làm tôi và các thành viên trong gia đình có phần ngạc nhiên, phấn khởi bởi mẹ đã quan tâm, chăm sóc hơn cho bản thân và tìm được chút niềm vui, thư giãn cho riêng mình.

Mỗi tối, tầm khoảng 7 rưỡi - 8 giờ, nhà văn hóa các thôn tập trung hàng chục người, chủ yếu ở tuổi trung niên và người già xếp hàng ngay ngắn, khéo léo tập luyện từng động tác lên, xuống nhịp nhàng. Mẹ tôi thường hay đứng hàng cuối nhưng không giống như tâm thế của những học sinh cá biệt thích ngồi ở góc lớp để tránh né thầy, cô. Mẹ tôi nghiêm túc, chăm chú tập luyện. Nhìn mẹ, nhìn các bà, các bác tập luyện hăng say, tôi bất giác mỉm cười và thầm cảm ơn những gì mà công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao đã mang đến cho làng, xã và người dân. Không chỉ là những thay đổi về diện mạo mà nó góp phần nâng cao mức sống, làm phong phú hơn về đời sống tinh thần, thực sự tác động mạnh mẽ vào tư tưởng, nhận thức của mỗi người dân quê tôi.

Nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng

Tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2020, xã Hoằng Lộc được huyện Hoằng Hóa “chọn mặt gửi vàng”, giao nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách cho cấp ủy, chính quyền và người dân xã Hoằng Lộc. Đặc biệt, xã thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống - xã hội. Tuy nhiên, phát huy vai trò, vị thế cửa ngõ kinh tế - văn hóa của vùng Đông Nam huyện Hoằng Hóa, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Huyện ủy, UBND huyện, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Hoằng Lộc đã nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ, gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Diện mạo nông thôn mới nâng cao đang dần hiện hữu trên từng con đường làng, ngõ xóm của quê hương... Trong đó, kết quả từ công tác xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội gắn với đô thị hóa nông thôn là điểm nhấn quan trọng. Xã Hoằng Lộc đã huy động nguồn lực nâng cấp, xây dựng, chỉnh trang nhiều tuyến đường giao thông, thủy lợi, hệ thống đèn đường chiếu sáng. Đến nay, phần lớn các thôn trên địa bàn xã đã hoàn thành 100% việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn; hơn 13 km đường giao thông được lắp đặt hệ thống chiếu sáng và đánh số nhà, số đường; nâng cấp, cải tạo, thảm nhựa 4 tuyến đường với tổng kinh phí là 17 tỷ 540 triệu đồng; xây dựng hệ thống giao thông nội đồng tại khu vực nghĩa trang Nhân dân...

Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình đường giao thông, xã đã huy động Nhân dân đóng góp sức người và sức của nhằm chỉnh trang cảnh quan tại các khu dân cư thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả như: kè ao, vôi ve tường rào kết hợp vẽ tranh bích họa; thay thế tường rào kín của các hộ gia đình bằng các lam ô thoáng tại các trục đường chính, bê tông hóa mở rộng lề đường, xây rãnh thoát nước, đổ nắp đậy tại các hệ thống rãnh thoát nước nội thôn... Việc chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường, chăm sóc thảm cây, đường hoa... được duy trì, tạo thành nền nếp, phong trào...

Những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm xụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao ở Hoằng Lộc là minh chứng tiêu biểu, thuyết phục cho tinh thần, nỗ lực quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây. Theo đó, kể từ sau thành công của đại hội đảng bộ xã lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, đảng ủy đã kịp thời kiện toàn ban chỉ đạo, ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao gắn với thực hiện nghị quyết đại hội, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể đến các đồng chí trong ban chỉ đạo phụ trách từng lĩnh vực, từng khu dân cư. Ban chỉ đạo thành lập tổ công tác, đến từng nơi khảo sát, lên phương án, xây dựng kế hoạch nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc; duy trì đều đặn chế độ giao ban 2 tuần/lần để nghe báo cáo về những việc đã làm được và những việc còn tồn tại, vướng mắc, từ đó có phương án tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu như trước đây, các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo bằng nghị quyết thì nay chính họ là những người năng nổ, nhiệt tình “xắn tay áo”, xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc”, đồng hành cùng bà con Nhân dân, đưa nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Hằng tuần, vào các chiều chủ nhật, đồng loạt các thôn trên địa bàn toàn xã ra quân dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc đường hoa, thảm cây. Do đó, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường đã thực sự đi vào nền nếp, trở thành ý thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Điều đó không chỉ góp phần tạo nên sự đoàn kết, gắn bó, tin tưởng giữa Đảng và quần chúng Nhân dân mà hơn hết, nó cho thấy khí thế, nhiệt huyết, hăng say, sự chung sức đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Trường, Bí thư Chi bộ thôn Đông Phú hào hứng chia sẻ: “Đến hẹn lại lên, vào khoảng 4h chiều chủ nhật hằng tuần, ban cán sự thôn cùng bà con Nhân dân tổ chức làm vệ sinh môi trường, chăm sóc đường hoa, thảm cây theo cụm dân cư. Tổ trưởng tổ dân cư và chi ủy viên của chi bộ phụ trách cụm trực tiếp tham gia. Bên cạnh đó, thành viên ban chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao được đảng ủy phân công phụ trách thôn cũng thường xuyên có mặt, trực tiếp tham gia lao động khiến bà con vô cùng phấn khởi, tích cực hưởng ứng các phong trào do xã, thôn phát động, tự nguyện đóng góp và tạo nên nguồn lực xã hội hóa mạnh mẽ. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã sẵn sàng phá bỏ một số hạng mục, công trình của gia đình, hiến đất mở rộng đường giao thông...”.

Bức tranh đô thị nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp của xã Hoằng Lộc được dệt nên bởi những sắc màu tươi mới, chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động. Bí quyết được xã triển khai trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao là phải biết gắn giữa chủ trương đúng và hành động hiệu quả, biết tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên nhưng phải luôn phát huy trí tuệ và tinh thần tập thể, nhất là sự đồng thuận trong Nhân dân. Ông Bùi Quang Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Lộc chia sẻ: “Cấp ủy đảng, chính quyền xã Hoằng Lộc xác định quan điểm xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao chỉ có điểm xuất phát chứ không có điểm dừng. Việc đạt chuẩn đã khó nhưng làm sao để giữ vững danh hiệu ấy thực sự không hề đơn giản, đặt ra thử thách lớn cho cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Do đó, trong thời gian tới, xã Hoằng Lộc sẽ làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từ đó tạo nên nguồn nội lực mạnh mẽ cho sự phát triển”.

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]