Tình trạng học sinh đi xe và gửi xe mô tô phía trước các cổng trường diễn ra khá phổ biến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý học sinh đi xe mô tô đến trường - cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

(THO) - Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người dưới 18 tuổi không được điều khiển xe mô tô (từ 50 phân khối trở lên). Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay tình trạng học sinh (HS) của các trường THPT trên địa bàn tỉnh đi học bằng xe mô tô diễn ra khá phổ biến mà các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý.

Tình trạng học sinh đi xe và gửi xe mô tô phía trước các cổng trường diễn ra khá phổ biến.

Có mặt trước cổng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) lúc 11h25 một ngày trung tuần tháng 11-2018, từng tốp HS đi bộ sang các bãi giữ xe phía trước, bên hông cổng trường, trả vé lấy những chiếc xe gắn máy rồ ga và phóng với tốc độ chóng mặt trước sự chứng kiến của nhiều HS khác trong trường. Em N.P.N, HS lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trãi, điều khiển xe máy hiệu Yamaha - dung tích xi lanh trên 50 phân khối, cho biết: “Dù chưa đến tuổi được cấp giấy phép lái xe nhưng gia đình em ở cách trường 4km nên bố mẹ mua cho chiếc xe để đi học”. Tương tự, một HS nữ lớp 10 của Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa), điều khiển xe tay ga Vision cho biết: “Em thi đậu vào lớp 10 nên được bố mẹ thưởng cho chiếc xe tay ga đi học. Vào đầu năm học mới, nhà trường có thông báo nghiêm cấm HS của trường sử dụng xe mô tô đến trường. Những tưởng thông báo này sẽ được áp dụng nghiêm, tuy nhiên thời gian qua phần lớn HS ở trường đều sử dụng xe mô tô đi học bình thường”. Điều đáng nói là hiện nay tình trạng HS chưa đến tuổi sử dụng xe mô tô đến trường đã trở nên khá phổ biến tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Lúc tan trường, từng tốp HS mặc đồng phục, chở 3 thậm chí chở 4 dàn hàng ngang từng tốp, chạy quá tốc độ, đánh võng rất nguy hiểm trước sự chứng kiến của nhiều người.

Thầy giáo Bùi Nguyên Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết, nhà trường không cho HS gửi xe mô tô vào trường, nếu HS lớp nào cố tình vi phạm, nhà trường sẽ hạ bậc hạnh kiểm trong học kỳ. Tuy nhiên thời gian qua, vẫn có tình trạng một số HS đi xe mô tô, gửi xe ở các bãi giữ xe xung quanh trường rồi đi bộ vào lớp. Vì vậy, năm học nào nhà trường cũng phối hợp và mời lực lượng cảnh sát giao thông tuyên truyền cho HS về quy định cấm HS đi xe mô tô đến trường. Nhà trường cũng nhắc nhở phụ huynh quản lý, không nên cho con em dùng xe mô tô đi học. “Việc đi xe mô tô không chỉ đơn thuần là mất an toàn giao thông mà còn là ý thức chấp hành pháp luật của các em. Ý thức này phải được rèn luyện ngay từ những việc nhỏ nhất. Vì vậy, vấn đề quan trọng vẫn là ý thức, trách nhiệm của phụ huynh. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các bãi giữ xe quanh trường học để phòng tránh các rủi ro do HS đi xe mô tô gây ra”, thầy giáo Bùi Nguyên Tiến nói.

Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành: Quy định cấm HS đi học bằng xe mô tô là chủ trương đúng nhưng để kiểm soát triệt để việc này rất khó. Bởi, dù biết nhiều HS đi xe mô tô gửi rải rác ở các nhà dân gần trường, nhưng rất khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Trên thực tế việc quản lý HS đến trường bằng xe mô tô là nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà trường. Trách nhiệm các trường chỉ là tuyên truyền, giáo dục chứ không có quyền xử phạt. Chỉ có những HS vi phạm bị cảnh sát giao thông gửi thông báo về trường thì lúc đó nhà trường mới có thể đưa ra hình thức xử lý. Cũng theo cô Lệ thì việc xử lý cũng không thể mạnh tay vì phải tuân thủ theo điều lệ trường học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Theo quy định này thì hình thức xử lý cao nhất đối với việc HS vi phạm khi tham gia giao thông chỉ là nhắc nhở, cảnh cáo và cùng lắm là ghi vào sổ học bạ.

Đồng ý kiến với ý kiến trên của thầy Tiến và cô Lệ, hiệu trưởng của nhiều trường THPT đều cho rằng: Thời gian qua, ban giám hiệu các nhà trường làm rất quyết liệt về việc nghiêm cấm HS trong trường sử dụng xe mô tô khi tham gia giao thông. Vào đầu năm học mới, các nhà trường cũng đã phối hợp với cảnh sát giao thông tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, qua đó đưa ra hình thức kỷ luật đối với những HS sử dụng xe mô tô đến trường. Tuy nhiên, thật sự khó khăn trong việc xử lý HS vi phạm. Bởi, nếu nghiêm cấm các em chưa có giấy phép lái xe dùng xe phân khối lớn đi học gửi trong sân bãi giữ xe của nhà trường thì những em đó sẽ gửi xe sang các điểm giữ xe trước cổng trường. Một số hiệu trưởng các trường kiến nghị: Để xử lý tình trạng HS vi phạm thì ngoài việc nhà trường thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, vận động HS không sử dụng xe máy phân khối lớn đi học thì lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần tăng cường thực hiện các chuyên đề xử lý HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ; chính quyền địa phương cũng cần tổ chức kiểm tra, xử lý đối với các bãi xe tư nhân trước cổng trường.

Trước tình hình HS sử dụng xe mô tô đi học cũng như những HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh triển khai nhiều kế hoạch xử lý vi phạm. Bên cạnh đó đơn vị cũng đã phối hợp với các địa phương, ban giám hiệu nhà trường, hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho HS, phụ huynh HS về Luật Giao thông đường bộ, về an toàn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay HS sử dụng xe mô tô đến trường vẫn còn xảy ra, vì vậy để làm tốt được công tác này, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cũng như ban giám hiệu các trường phải thực hiện những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]