(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, song song với chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các bếp ăn bán trú. Ngoài bố trí đầy đủ cơ sở vật chất khu vực bếp nấu, chế biến thức ăn, dụng cụ phục vụ, các nhà trường còn thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý chặt chẽ nguồn thực phẩm tại các bếp ăn trường học

Thời gian qua, song song với chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các bếp ăn bán trú. Ngoài bố trí đầy đủ cơ sở vật chất khu vực bếp nấu, chế biến thức ăn, dụng cụ phục vụ, các nhà trường còn thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng.

Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non xã Đông Thanh (Đông Sơn).

Hiện trên toàn tỉnh có 755 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Hầu hết các trường tổ chức ăn bán trú đều tự lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm, sơ chế, chế biến... mà không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn từ bên ngoài. Việc lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm được các nhà trường ký hợp đồng với những tổ chức, cá nhân có uy tín, nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm nguyên liệu.

Với các trường mầm non, ngoài nhiệm vụ dạy kiến thức thì công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cũng là một nhiệm vụ song hành quan trọng. Năm học 2018 - 2019, Trường Mầm non xã Đông Thanh (Đông Sơn) có 10 nhóm lớp với tổng số 302 trẻ và 100% trẻ ăn bán trú tại trường. Cô giáo Lê Thị Hằng, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Vấn đề an toàn trong bữa ăn của trẻ luôn được nhà trường chú trọng. Nhà trường luôn lựa chọn nguồn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tên các nhà cung cấp thực phẩm được công khai để các bậc phụ huynh cùng giám sát. Việc chế biến thực phẩm cũng được nhà trường tuân thủ theo đúng nguyên tắc một chiều, tránh sự chồng chéo trong các khâu sơ chế, chế biến và sự va chạm giữa các thực phẩm sống, chín. Ngoài ra, hằng ngày, nhà trường đều thực hiện lưu mẫu thức ăn trong 24h”. Được biết, để có nguồn thực phẩm tươi, sạch, Trường Mầm non xã Đông Thanh đã thực hiện ký hợp đồng mua, bán thực phẩm sạch với các tổ chức có uy tín, từ các loại rau, thịt, cá, trứng, bánh mỳ, nước uống, sữa... Các cơ sở cung cấp thực phẩm đều có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP hoặc xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, nhà trường đã có những ghi chép trong các sổ theo dõi, như: Sổ kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, Sổ kiểm tra khi chế biến thức ăn, Sổ kiểm tra trước khi ăn, Sổ theo dõi lưu và hủy mẫu thức ăn lưu...

Đối với bậc trung học toàn tỉnh có 14/755 trường tổ chức ăn tại trường, trong đó có 12 trường THCS dân tộc nội trú (DTNT) tại 11 huyện miền núi và 2 trường THPT DTNT. Thực hiện quy định chung về đảm bảo VSATTP tại bếp ăn bán trú, Trường THCS DTNT huyện Như Xuân đã có những giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP, trong đó, trường chú trọng tới khâu lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh. Năm học 2018 - 2019, trường có 236/258 học sinh ăn tại trường (3 bữa/ngày). Để học sinh có những bữa ăn ngon, an toàn, đủ dinh dưỡng, nhà trường đã lựa chọn các cơ sở có nguồn thực phẩm tươi, sạch; cơ sở cung cấp thực phẩm đã được chứng nhận đảm bảo VSATTP và nhà trường thực hiện ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Các nhân viên cấp dưỡng của trường cũng thường xuyên được tập huấn kiến thức về VSATTP và khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, để đảm bảo quy trình chế biến thực phẩm, ban giám hiệu nhà trường luôn nhắc nhở nhân viên chế biến phải tuân thủ các quy định về đảm bảo VSATTP trong quá trình tiếp nhận thực phẩm, quá trình chế biến, chia thức ăn cho học sinh. Hằng ngày khi tiếp nhận thực phẩm, các nhân viên cấp dưỡng dưới sự giám sát của phó hiệu trưởng phụ trách nuôi dưỡng thực hiện đúng quy trình kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo Quyết định số 1246/QĐ/BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 31-3-2017. Nhiều năm nay trường là đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm (NĐTP).

Mặc dù thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp NĐTP nào tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, tại một số địa phương trên cả nước, có nhiều vụ NĐTP tập thể tại bếp ăn bán trú đã xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của học sinh và gây tâm lý hoang mang cho các bậc phụ huynh có con ăn bán trú. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm sát sao về công tác VSATTP, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo như Kế hoạch số 374/KH-SGDĐT ngày 2-3-2018 về “Công tác VSATTP ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa năm 2018”; Công văn số 623/SGDĐT-PC&CTHSSV ngày 30-3-2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc “Tăng cường công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở giáo dục”. Đồng thời với việc ban hành công văn chỉ đạo, định kỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát một số bếp ăn trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng NĐTP, đối với các trường học có bếp ăn bán trú, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất thì cần kiểm soát chặt chẽ đầu vào các loại thực phẩm, phụ gia, nước uống, đảm bảo các thực phẩm đưa vào nhà trường đều an toàn với học sinh. Tuy nhiên, để làm được điều này, bên cạnh ý thức tự giác, trách nhiệm của nhà trường và đơn vị cung ứng thì các cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất tại các bếp ăn bán trú, qua đó, phát hiện, nhắc nhở và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về VSATTP.


Bài và ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]