(Baothanhhoa.vn) - Khó về đầu ra là nút thắt trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta, trong đó nguyên nhân chủ yếu do thiếu liên kết với thị trường. Để tháo gỡ vướng mắc trên, tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm tăng cường hỗ trợ, gỡ khó tiêu thụ sản phẩm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Tăng cường hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Khó về đầu ra là nút thắt trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta, trong đó nguyên nhân chủ yếu do thiếu liên kết với thị trường. Để tháo gỡ vướng mắc trên, tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm tăng cường hỗ trợ, gỡ khó tiêu thụ sản phẩm.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Tăng cường hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản Thanh Hóa được đưa vào hệ thống Siêu thị Co.op Mart. Ảnh: T.H

Nhận diện “điểm nghẽn”

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 8.400 ha sản xuất rau các loại được các nhà máy bao tiêu sản phẩm; khoảng 7.000 ha cây ăn quả được phát triển với quy mô tương đối tập trung với các loại cây dứa, vải, nhãn, dừa, cam, bưởi; một số vùng sản xuất rau an toàn của một số địa phương đã và đang phát huy hiệu quả như: Xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa), xã Vạn Hòa (Nông Cống), xã Thọ Hải (Thọ Xuân), xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy)...; một số doanh nghiệp đã liên kết với các địa phương sản xuất và bao tiêu sản phẩm như: Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai tây thương phẩm tại huyện Quảng Xương; Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ngô ngọt của các HTX Thiệu Vũ, Thiệu Thành, Thiệu Ngọc (Thiệu Hóa)... Toàn tỉnh hình thành được 97 vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn tập trung với diện tích 485,1 ha đã được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP... các sản phẩm chăn nuôi lợi thế được quan tâm phát triển và tiếp tục nâng cao phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại; đã hoàn thành 6 khu trang trại tập trung quy mô lớn. Các dự án, mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi được triển khai hiệu quả: Công ty CP Nông sản Phú Gia phối hợp với Tập đoàn Matster Good (Hungary) xây dựng Nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm Viet Avis; xây dựng Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp” tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống; khánh thành Trang trại số 1 thuộc tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa thuộc Công ty CP sữa Việt Nam... các mô hình chăn nuôi lợn thịt ngoại với các chủ hộ, trang trại chăn nuôi liên doanh, liên kết với Tập đoàn CP, trang trại chăn nuôi lợn ngoại tại xã Thành Tâm (Thạch Thành)...; nhiều cơ sở giết mổ tập trung đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm... Trong nuôi trồng thủy sản đã hình thành các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (VietGAP) nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu như: Tôm chân trắng khoảng 350 ha, lợi nhuận bình quân đạt 590 triệu đồng/ha/vụ; ngao 1.247 ha, lợi nhuận bình quân 100-120 triệu/ha/chu kỳ nuôi; trong đó có 4 cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn với diện tích 35 ha đã được chứng nhận VietGAP.

Tuy nhiên, đối với cây rau thì phần lớn lượng rau sản xuất ra trên địa bàn tỉnh không qua chế biến mà được đưa trực tiếp ra thị trường tiêu thụ dưới nhiều hình thức: Người sản xuất tự mang đi bán tại các chợ nội địa (chiếm khoảng 60-70%); bán buôn và bán theo hợp đồng thỏa thuận trước giữa người sản xuất và đơn vị thu mua (chiếm khoảng 30-40%); một số sản phẩm rau an toàn được tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể (trường học bán trú, bệnh viện, nhà hàng...), hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, tuy nhiên khối lượng tiêu thụ tại các hệ thống này chưa được nhiều (chiếm khoảng 3-5% sản lượng). Sản phẩm ngành chăn nuôi chủ yếu được tiêu thụ trên địa bàn nội địa, một số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Ở trong tỉnh, sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ thông qua các chợ, các quầy hàng, cửa hàng kinh doanh. Số gia súc, gia cầm sống xuất bán chủ yếu cung cấp cho một số tỉnh, thành phố thông qua các thương lái. Tình trạng sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Một số các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn còn tư tưởng đối phó với các cơ quan quản lý nên chỉ ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp mà không thực hiện. Chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX đủ mạnh (tài chính, khoa học công nghệ, quản trị) tại các địa phương để làm đầu mối tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; tình trạng sản xuất “cung vượt cầu, dư cung lớn” vẫn còn xảy ra gây khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm thực phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh; việc nhận diện sản phẩm an toàn trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn.

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm

Để hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm, hàng năm, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động để giao thương, kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm giữa các địa phương trong tỉnh và giới thiệu, quảng bá các sản phẩm có lợi thế của tỉnh với các địa phương khác, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thông qua các chương trình kết nối, các kênh quảng bá, giới thiệu, đến nay đã có không ít sản phẩm được kết nối thành công, đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng bán lẻ thực phẩm an toàn, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh như: BigC, Co.op Mart... Tuy nhiên, các hoạt động này mới chỉ dừng lại ở phạm vi trong tỉnh mà chưa có sự quảng bá, liên kết tiêu thụ ra các tỉnh ngoài. Do đó, hiệu quả mang lại từ các hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ chưa thực sự rõ rệt. Tính đến hết tháng 5-2019, toàn tỉnh mới chỉ có hơn 100 cơ sở tham gia sản xuất cung ứng thực phẩm nông sản theo chuỗi, trong đó, chỉ có 18 chuỗi cung ứng thực phẩm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua 3 hội nghị kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn năm 2017, năm 2018, năm 2019 mới chỉ có trên 70 hợp đồng được ký kết, với sản lượng tiêu thụ trong năm đạt khoảng 10.000 tấn rau quả, 3.500 tấn thịt, 3,2 triệu quả trứng, 4.500 tấn thủy sản.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Tăng cường hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Sản xuất nông sản hữu cơ tại Công ty TNHH Thiên Trường 36 (xã Đông Tiến, Đông Sơn).

Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, được biết: Trong những năm qua, nhằm từng bước phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn, hàng năm, trước mỗi vụ sản xuất, huyện đều triển khai phương án, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, ký kết hợp đồng nguyên tắc với các doanh nghiệp, kết nối cung – cầu giữa các HTX với cơ sở tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh, qua đó tìm được đầu ra ổn định để tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ phát triển và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm như bưởi Luận Văn, bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa, cam, bưởi Diễn... góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, chưa bền vững; số lượng, khối lượng sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chủ yếu là sản phẩm tươi, thô, chưa qua sơ chế, mang tính thời vụ, tiêu thụ qua các khâu trung gian, dẫn đến không ổn định về giá khi được mùa hoặc thị trường đầu ra của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình...

Với nhiệm vụ được giao là quản lý bếp ăn tập thể tại trường học, bếp ăn tập thể doanh nghiệp, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn, trong những năm qua ngành y tế luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị trong ngành đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở sử dụng nguồn thực phẩm phải rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, đặc biệt là lựa chọn các doanh nghiệp, các hộ gia đình cung ứng thực phẩm có giá trị tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Sở Y tế đã giao cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành thẩm tra công nhận được 495 bếp ăn tập thể trường học và doanh nghiệp trên địa bàn, kết quả cho thấy 100% bếp ăn tập thể trường học có ký cam kết với đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn, hầu hết các thực phẩm cung cấp đều có xác nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Ông Nguyễn Bá Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc cung ứng thực phẩm an toàn tại các bếp ăn tập thể doanh nghiệp, đặc biệt là tại các nhà hàng, khách sạn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng trong việc tạo các kênh kết nối giữa các cơ sở cung ứng thực phẩm an toàn với các cơ sở tiêu thụ thực phẩm; công tác kiểm soát, xác minh, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm vẫn mang tính hình thức, nhiều nơi chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm. Công tác nhận diện thực phẩm còn rất khó khăn do thiếu các dấu hiệu để nhận diện, đối chiếu giữa nguyên liệu nhập thực tế hàng ngày với hồ sơ, hóa đơn lưu tại cơ sở. Do vậy, một số bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn lợi dụng điểm này để đối phó với cơ quan quản lý, chỉ thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng thực phẩm an toàn nhưng không thực hiện mua hoặc mua với tỷ lệ rất ít.

Kết nối cung - cầu có vai trò quan trọng, là mắt xích then chốt trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, là cầu nối đưa các sản phẩm nông sản chế biến đặc sản của tỉnh dễ dàng tiếp cận hệ thống tiêu thụ hiện đại một cách ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa nông sản khép kín. Trên thực tế, hiện nay, việc kết nối tiêu thụ nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi còn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nhất là trong trồng trọt chưa giải quyết được vấn đề tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp tham gia vào đầu tư sản xuất nông nghiệp; sản lượng và chất lượng sản phẩm còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu và các điều kiện về hàng rào kỹ thuật cho các sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Mặt khác, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm...; việc triển khai kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản hàng hóa vào hệ thống bán lẻ hiện đại vẫn không phải dễ dàng. Trong đó, một số khó khăn, vướng mắc có thể kể đến như: Sản xuất chế biến nông sản hiện trên địa bàn tỉnh chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng đưa ra của các kênh tiêu thụ, đã có không ít HTX bị hủy hợp đồng do sản phẩm không đáp ứng theo đúng hợp đồng. Bên cạnh đó, hoạt động sơ chế, chế biến chủ yếu theo phương thức truyền thống, chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, các sản phẩm kết nối hiện nay của tỉnh tập trung chủ yếu nhóm hàng thực phẩm nông sản chế biến, đặc sản vùng miền. Do vậy để kết nối thành công, đưa các hàng hóa vào các kênh tiêu thụ phải thực hiện nghiêm ngặt công tác chứng nhận quản lý chất lượng, chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Bài cuối: Kiểm soát chất lượng thực phẩm – cần siết chặt từng mắt xích.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]