(Baothanhhoa.vn) - Những ngày vừa qua, câu chuyện xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm lại một lần nữa khiến cư dân thành phố (TP) xôn xao bàn luận. Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo TP Thanh Hóa lên “dây cót” về việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề này vẫn luôn tồn tại dai dẳng, tiềm ẩn nhiều nỗi lo về vấn đề mất trật tự an ninh xã hội, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Phía sau câu chuyện xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm ấy còn biết bao vấn đề nan giải cần phải được giải quyết tận gốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phía sau câu chuyện xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm

Những ngày vừa qua, câu chuyện xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm lại một lần nữa khiến cư dân thành phố (TP) xôn xao bàn luận. Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo TP Thanh Hóa lên “dây cót” về việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề này vẫn luôn tồn tại dai dẳng, tiềm ẩn nhiều nỗi lo về vấn đề mất trật tự an ninh xã hội, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Phía sau câu chuyện xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm ấy còn biết bao vấn đề nan giải cần phải được giải quyết tận gốc.

Phía sau câu chuyện xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm

Khu chợ cóc, chợ tạm nằm trên mặt bằng 2125, gần khu thể thao Sunsport, phường Đông Vệ là địa điểm mưu sinh của nhiều người trong suốt 7, 8 năm nay.

Những người còn sót lại

Ghi nhận tại một số “điểm nóng” – nơi hoạt động chợ cóc, chợ tạm thường xuyên diễn ra với quy mô lớn, phức tạp thấy thông thoáng, yên ắng đến lạ. Mới chỉ cách đây hơn một tuần, những đám đông lố nhố kẻ đứng người ngồi, nhấp nhổm bán buôn với đủ các loại mặt hàng từ thực phẩm, thức uống, hoa, rau quả cho đến quần áo, thuốc thang, giày dép... vẫn còn huyên náo, ồn ã cả một góc phố, ngã ba đường, ngõ, ngách. Vậy mà hôm nay, chợ vắng bóng người, để lại khoảng không gian thoáng đãng hiếm khi nào có được. Ví như tại khu vực ngã ba Đình Hương, giờ tan tầm, nhiều khách hàng vẫn theo thói quen cũ chạy xe vào mua hàng rồi lại ngơ ngác quay xe trở ra vì chẳng thấy ai bán buôn gì cả. Ở đây, ngày thường cũng không phải là điểm họp chợ quá đông. Tận dụng vị trí giao thông thuận tiện và khoảng đất trống nơi ngã ba đường, một số người dân “nhanh ý” bày biện ra đó dăm ba cân hoa quả, mùa nào thức ấy, vài xe mía chống cọc thồ ghé lại hoặc vài lọ dưa, cà, mắm, muối ken nhau trên chiếc bàn nhựa... Nay TP có chủ trương sắp xếp, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm trên toàn địa bàn với mục đích “tạo văn minh thương mại, đảm bảo mỹ quan đô thị, an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm”; “di chuyển, bố trí, sắp xếp và đưa các hộ kinh doanh tự phát, không đúng quy hoạch vào nơi đảm bảo đúng quy định để kinh doanh buôn bán, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh ổn định, lâu dài, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội”; “đưa hoạt động kinh doanh trên địa bàn TP vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của TP trong thời gian tới”. Đứng trước quyết tâm của TP, họ - những con người vốn chỉ quen buôn thúng bán mẹt ấy, người loay hoay tìm cách ở lại, kẻ ra đi tìm “bến đỗ” mới.

Những người cố gắng bám trụ lại các điểm chợ cóc, chợ tạm tuy có khác nhau về điều kiện, hoàn cảnh sống nhưng họ có chung quan điểm, lý do để giải thích cho sự “ngoan cố” của mình. Bà Nguyễn Thị Kim (Đình Hương, TP Thanh Hóa) thành thật chia sẻ: “TP đang thực hiện chủ trương xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm thì tôi biết rồi nhưng khổ nỗi những người nghèo khó như chúng tôi không làm khác được. Đuổi thì tôi quảy gánh đi bán rong trong dân cho xong, bao giờ hết đuổi chúng tôi lại về”. Bà Kim năm nay đã ngót nghét 70 tuổi. Ở cái tuổi của bà, nhiều người đã “quẳng gánh lo đi mà sống” nhưng phần vì vốn tính chịu khó, siêng năng, để tay chân nghỉ ngơi lại thấy khó chịu; phần vì hoàn cảnh khó khăn, thương con cái làm thuê, làm mướn nhiều khi vun vén cho bản thân còn thiếu thốn mà không muốn nhờ vả, bà tự mình nghĩ cách mưu sinh. Quen việc đồng áng, sẵn đám đất gần nhà người ta chưa sử dụng, bà Kim canh tác, trồng vài đám rau, mùa nào thức ấy vừa lấy rau ăn vừa tranh thủ hái đem lên phố bán, kiếm thêm “mấy đồng bạc lẻ”. Bà Kim cho biết: “Trước tôi thường gánh đi bán rong, vài năm trở lại đây thì về ngồi ở khu vực chợ cóc trước cổng chợ Đông Thọ”. Hỏi bà sao không vào chợ chính mà bán cho ổn định, bà đưa tay kéo gánh rau muống lại giải thích: “Sức bà già cố lắm cũng chỉ gánh được chừng 20 bó rau, mới đầu thì còn bán được giá 5 nghìn đồng/2 bó, lơn đi lơn lại một lúc khách chê ỏng eo, trả xuống 3 nghìn/2 bó. Cô bảo tiền bán rau không đủ tiền quét chợ, thuê chỗ ngồi rồi đủ thứ khác. Tôi làm gì có tiền mà vào chợ”. Cũng có cùng tâm sự như bà Kim, chị Lê Thị Tâm (Triệu Sơn) phân trần về lý do chấp nhận bị đuổi, thậm chí bị bắt hàng hóa chứ nhất định không vào chợ truyền thống: “Tôi không phải dân chuyên ngồi chợ nên không quen với quy định, không khí bán buôn trong chợ. Vào các chợ truyền thống, chưa biết có bán được nhiều hàng hơn không mà thấy trước mắt phải đóng đủ thứ tiền. Như tôi đây, bán chợ cóc, chợ tạm nhiều khi cũng sợ các anh trật tự, quy tắc đô thị bắt xe, bắt hàng thật đấy nhưng mình khéo tranh thủ vẫn được. Hôm nào may mắn, khách đông, tôi chỉ bán một loáng là có thể về nhà ra đồng, nuôi gà nuôi lợn, cơm nước cho chồng con. Đủ thứ việc chứ vào chợ thì xác định ngồi cả ngày mới ra tiền, mất việc lắm”.

Bài toán khó

Những chia sẻ của bà Kim, chị Tâm đã nói lên rất nhiều vấn đề mà lãnh đạo và các cơ quan chức năng có liên quan của TP phải đối mặt và tìm ra được cách giải quyết đúng đắn cho bài toán tổ chức sắp xếp, xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn. Để đảm bảo triển khai có hiệu quả chủ trương, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, UBND TP và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành có liên quan, đội kiểm tra quy tắc đô thị TP với vai trò là “lực lượng nòng cốt” đã triển khai nhiều phương án tổ chức thực hiện theo lịch trình, như: Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh và xe lưu động, phát tờ rơi cho tổ chức, cá nhân được biết về kế hoạch; đồng loạt ra quân xử lý và duy trì chống tái lấn chiếm đối với các điểm đã được giải tỏa. Đội chủ động đấu mối phối hợp với chính quyền các phường, xã nhằm xây dựng phương án hành động cho từng đối tượng cụ thể: Đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh tại địa điểm nhà ở trên các tuyến đường; đối tượng bán hàng rong, kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường; đối tượng là các điểm kinh doanh tạm thời do chưa có hoặc chưa bố trí được điểm kinh doanh hợp lý nhưng do nhu cầu của người dân và căn cứ vào tình hình thực tế cần phải sắp xếp tạm thời. Sau hơn một tuần triển khai đồng loạt ra quân, đến nay, lực lượng chức năng đã giải tỏa được 40 điểm kinh doanh tự phát, chợ cóc, chợ tạm trên tổng số 50 điểm cần giải tỏa giai đoạn 1 theo kế hoạch đề ra. Sau khi giải tỏa, đội kiểm tra quy tắc đô thị TP đã tổ chức bàn giao lại cho các phường, xã thực hiện quản lý, duy trì. UBND các phường, xã đã hướng dẫn người dân có nhu cầu làm thủ tục đăng ký vào kinh doanh buôn bán tại các chợ nằm trong quy hoạch. Đối với các điểm đã giải tỏa, UBND các phường, xã đã chủ động tổ chức duy trì chống tái lấn chiếm, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm, đặc biệt là các khu vực hình thành chợ cóc, chợ tạm.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, anh Nguyễn Nam Tiến – đội phó đội kiểm tra quy tắc đô thị cho biết: “Công tác sắp xếp, xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn TP được triển khai thực hiện với những kết quả bước đầu tương đối tốt. Nhưng làm sao để duy trì được kết quả ấy một cách bền vững vẫn luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý”. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn đã được anh Tiến chỉ ra: Nhiều khu dân cư chưa được bố trí chợ một cách hợp lý; lực lượng duy trì công tác đảm bảo còn mỏng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ dành cho đội chưa có, chủ yếu phụ thuộc vào phương tiện của lực lượng công an; một số đơn vị cấp phường, xã chưa thực sự quan tâm sát sao đến công tác này... Trong đó, việc đảm bảo cuộc sống cho người dân sau khi các điểm chợ cóc, chợ tạm bị xóa bỏ vẫn luôn là nỗi niềm trăn trở cho chính những người trực tiếp đi làm nhiệm vụ. Bởi, phần lớn người dân buôn bán tại các điểm chợ cóc, chợ tạm là những người có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vào buôn bán tại các chợ truyền thống và không có khả năng dịch chuyển sang các ngành, nghề khác.

Bộ mặt của TP không chỉ được nhìn từ những tòa nhà cao tầng khang trang, lộng lẫy. Nó luôn tồn tại những mảng màu đan xen giữa sáng – tối mà ở đó sự chênh lệch về điều kiện, hoàn cảnh sống, nhận thức và các hệ giá trị hướng đến là điều tất yếu. Xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, chợ cóc, chợ tạm là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển đô thị. Tuy nhiên, thiết nghĩ, để câu chuyện xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, chợ cóc, chợ tạm ấy không bị lặp đi lặp lại như chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”, các giải pháp phải được xây dựng trên tinh thần quyết liệt, đồng bộ và nhân văn. Yếu tố nhân văn thể hiện trong từng hành động cụ thể với mục tiêu hướng đến sự bình ổn, cân bằng cuộc sống giữa các tầng lớp trong xã hội.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]