(Baothanhhoa.vn) - Trong đợt áp thấp nhiệt đới vào tháng 10-2017, huyện Nông Cống là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ổn định đời sống nhân dân mùa giáp hạt

Trong đợt áp thấp nhiệt đới vào tháng 10-2017, huyện Nông Cống là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất góp phần ổn định đời sống nhân dân mùa giáp hạt (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, nhờ sự chủ động vươn lên nên mùa giáp hạt năm 2018 và một vài năm trở lại đây, huyện Nông Cống đã không còn phải xin tỉnh, Trung ương hỗ trợ gạo cứu đói. Đó là minh chứng cho sự nỗ lực của địa phương, thường xuyên phải hứng chịu những cơn “phẫn nộ” của mẹ thiên nhiên đang dần “lột xác”, cuộc sống của người dân đã no đủ hơn, bởi cái đói không còn là nỗi ám ảnh đối với bà con. Ông Lê Đình Bốn, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Nông Cống khẳng định: “Qua công tác kiểm tra đời sống nhân dân, huyện xác định người dân trong huyện vẫn đủ gạo ăn qua mùa giáp hạt này. Tuy nhiên huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện kiểm tra nắm bắt chính xác đời sống nhân dân trong mùa giáp hạt. Nếu có trường hợp thiếu đói thì xã sẽ cấp gạo bằng nguồn bảo đảm xã hội đã được phân bổ và huy động tại chỗ; quan tâm đến gia đình diện chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội với tiêu chí bảo đảm tuyệt đối không để dân đói”.

Xác định công tác cứu đói giáp hạt cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, chính quyền huyện Như Xuân đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp với mong muốn giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo trong mùa giáp hạt. Ông Lê Đình Chuyên, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Như Xuân cho biết: Vài năm trở lại đây, huyện Như Xuân không xin hỗ trợ gạo của Chính phủ mà tự trích từ Quỹ bảo đảm xã hội để hỗ trợ cho người dân mùa giáp hạt. Dịp Tết Nguyên đán và mùa giáp hạt năm 2018, mặc dù địa phương cũng bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ năm 2017, tuy nhiên với sự hỗ trợ trực tiếp của các cấp, ngành, các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh nên người dân huyện Như Xuân đã sớm khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất. Mặt khác, đã có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước và các chính sách tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất đã và đang phát huy hiệu quả góp phần ổn định đời sống đồng bào. Vì vậy, năm nay huyện tự chủ động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ gặp khó khăn trong mùa giáp hạt... “Để ổn định đời sống cho nhân dân trong mùa giáp hạt, từ cuối năm 2017, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động thực hiện rà soát tình hình đời sống của từng hộ dân. Từ báo cáo của các địa phương, huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra nhằm xác định đúng đối tượng và không để bất cứ hộ gia đình nào phải đói “đứt bữa” trong mùa giáp hạt”, ông Chuyên cho biết thêm.

Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong mùa giáp hạt, huyện Nga Sơn đã xây dựng quỹ bảo đảm xã hội, kịp thời hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ bị thiên tai, đối tượng bảo trợ xã hội... Dự kiến, việc hỗ trợ sẽ thực hiện vào khoảng cuối tháng ba âm lịch. Đối với hộ gặp rủi ro, tai nạn đột xuất, không thể tự lo được lương thực, các xã sẽ trích nguồn kinh phí từ quỹ bảo đảm xã hội của địa phương để mua gạo cấp phát cho bà con, tuyệt đối không để hộ nào đứt bữa khi giáp hạt. Xã nào không cân đối được thì báo cáo để huyện có phương án hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền trong huyện đã vận động bà con phát huy tinh thần “tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách”, gia đình có điều kiện giúp đỡ thêm các hộ đói trên địa bàn; chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chung tay từng bước tháo gỡ khó khăn, không để hộ nào đói đứt bữa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Huy Tạo, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH) cho biết: Mấy năm gần đây, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên trên địa bàn toàn tỉnh không còn tình trạng người dân bị đói đứt bữa. Tuy nhiên, để góp phần ổn định cuộc sống của người dân, các địa phương cần chủ động chuẩn bị các phương án khắc phục, không nên thụ động trông chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần động viên, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất, mở rộng việc trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, tăng cường chăn nuôi gia súc, gia cầm... phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng địa phương, qua đó, tăng cường dự trữ nguồn lương thực cho nhân dân trước mùa giáp hạt.

Song, về lâu dài, việc tìm một giải pháp bền vững nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng đói thời kỳ giáp hạt, các cấp, ngành, địa phương cần huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cho các vùng khó khăn; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để giải phóng sức sản xuất, mở mang các loại hình doanh nghiệp, phát triển công nghiệp, làng nghề, trang trại, kinh tế hộ... để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề, hướng dẫn cách làm ăn cho người dân theo hướng sản xuất hàng hóa; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, xuất khẩu lao động; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường công tác tuyên truyền, động viên, khích lệ người nghèo nỗ lực cố gắng tự vươn lên thoát nghèo.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]