(Baothanhhoa.vn) - Nữ “xe ôm” trong thành phố

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nữ “xe ôm” trong thành phố

Nữ “xe ôm” trong thành phố

Chị Huệ tự tin chia sẻ: “Tài xế nữ nhờ chạy chậm, cẩn thận nên khách hàng rất an tâm”.

Phận đời theo những vòng xe

Tới cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh chẳng cần phải hỏi thăm gì nhiều, đã có hàng chục tài xế “xe ôm” đầu đội, tay xách mũ bảo hiểm tươi cười chào đón: “Em ơi, về đâu anh chở”. Tôi nhìn lướt qua một lượt gương mặt những người đàn ông sạm nắng gió, đầy vẻ phong trần rồi dừng lại ở một người phụ nữ dáng mập mạp, khẩu trang bịt kín mặt chỉ còn hở đôi mắt. Chị không chen lấn, mời chào mà bình thản đứng từ xa hướng đôi mắt về phía tôi. Tò mò, tôi tiến lại gần và hỏi: “Chị cũng chạy “xe ôm” ạ?”. Kéo chiếc khẩu trang xuống dưới cằm, chị khẽ gật đầu.

Qua thăm hỏi, tôi được biết chị tên Nguyễn Thị Huệ, 52 tuổi, khu phố Ba Tân, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa). Muốn mời chị Huệ vào quán nước ven đường chuyện trò, nhưng vừa chụp được tay chị, kéo đi được vài bước, chị giựt tay tôi ra rồi nhìn đồng hồ, bảo: “Giờ có khách rồi, cỡ 6 - 7h chiều chị mới rảnh được”. Vậy là đành hẹn chị đến 6h chiều. Buổi trò chuyện hôm ấy, chị dốc hết bầu tâm sự và những góc khuất của đời, của nghề cũng từ đó dần hé lộ.

Khó mà kể hết những bươn chải vất vả mà chị Huệ đã trải. Lấy chồng về làng bún Đông Hương, chị quen gánh bún đi bán rong hết làng trên, xóm dưới. Khi đôi vai, đôi tay chai sần, chị chuyển sang bán rong hoa quả, rồi bán nước, bán “cơm bụi” trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đều đặn từ 2 - 3h sáng đến 10 - 11h khuya. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người xe ôm thường vào quán nước của chị, uống nước, hút điếu thuốc lào, thuốc lá, rồi kể cho nhau nghe những câu chuyện diễn ra trong ngày, xung quanh cái nghề “xe ôm”. Chị thấy nghề “xe ôm” vất vả hơn nhiều so với việc buôn bán, vốn chỉ ngồi một chỗ, không sợ nắng mưa, tai nạn... Đàn bà con gái làm nghề này càng thêm khó khăn bội phần, nhưng nghề này dễ kiếm tiền hơn và điều đó sẽ giúp trang trải cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình. Nghĩ là làm, chị quyết định bàn với chồng chuyển sang nghề mới. “Ban đầu ông ấy không cho tôi chạy, nhưng tôi quả quyết một hai đi bằng được nên cuối cùng ông ấy cũng chịu. Giờ cả hai vợ chồng đều chạy xe ôm” - chị Huệ cho biết.

Những khó khăn chồng chất của buổi đầu, như: Không biết đường, đi được một quãng phải dừng lại nhờ người chỉ giúp; sự phân biệt của người đi vì chị là nữ giới; sự phản đối của con cái khi biết chuyện... không làm chị bỏ nghề. Chị tiết lộ: “Ngày thường, trung bình một người kiếm được khoảng 100.000 - 150.000 đồng, trừ chi phí bến bãi, xăng dầu hết 60.000 đồng, cũng còn tiền mua gạo nuôi con. Nhưng nói thật, vì quá túng thiếu mới chọn cái nghề cực nhọc này, nhiều đêm chân tay ê nhức, chỉ khóc một mình chứ biết than thở với ai”.

Trong quá trình quan sát, tôi phát hiện một điều khá lạ là chị rất đắt khách, nhiều lúc cánh “xe ôm” nam ngồi chơi xơi nước thì chị vẫn đón khách đều. Khách của chị có đủ kiểu: Đi bệnh viện khám chữa bệnh, đi thăm người đau ốm... Phí từ 10.000 – 15.000 đồng/“cuốc”, chị nhận chở tất. Lý giải cho điều này, chị Huệ tỏ ra rất tự tin: “Tài xế nữ nhờ chạy chậm, cẩn thận nên các bà, các cô rất an tâm, nhất là hành khách lớn tuổi”.

Để chứng minh, chị Huệ gợi ý: “Giờ cô muốn leo lên xe để tôi chở đi một vòng xem tay lái không?”. Chị Huệ ra dắt xe rồi nhanh nhẹn đỡ chiếc giỏ xách nặng trịch trên tay tôi. Với động tác thuần thục, chị xoay chiếc giỏ và đặt gọn ghẽ vào thành trước xe. Chờ khách đội mũ bảo hiểm, cài quai cẩn thận, chị nhẹ nhàng lắc lắc xe xem đồ và người đã ổn chưa. Khi thật sự yên tâm, chị Huệ mới nổ máy, nhẹ nhàng và thành thạo lách xe qua quãng đường đông người. Đã nhiều lần đi “xe ôm”, nhưng cảm giác đi “xe ôm” do phụ nữ chở khác hẳn. Vận tốc xe chạy chỉ nhỉnh hơn xe đạp một chút. Lý giải cho tốc độ này, chị Huệ nói nghe giống... cán bộ tuyên truyền bên giao thông: “Nhanh một giây chậm cả đời”, rồi chị tiếp lời: “Chạy chậm thế này người lớn tuổi thích lắm, vầy mới đắt khách hơn so với “xe ôm” nam. Chứ chạy nhanh họ không ưa”. Hết một vòng xe, sau khi trả tôi về vị trí cũ, chị Huệ hỏi dò: “Thấy tôi đi an toàn chưa, đi “xe ôm” do đàn ông chở khác đi với tôi nhiều chứ...”.

Theo cái nghề chỉ dành cho phái mạnh, nhiều phụ nữ phải chấp nhận sống chung với những hiểm nguy rình rập, như: Tai nạn, cướp bóc, trấn lột... Chỉ tay về con dốc dẫn vào ngõ nhỏ, chị Huệ bảo: “Cách đây mấy hôm tôi đang chạy thì từ đâu xuất hiện ra cả đàn chó đuổi nhau, xe đâm vào chó, rồi cả người, cả xe ngã chổng vó. May mà tôi đi chậm nên chỉ trầy xước nhẹ”.

Hết buổi (khoảng 6-7h chiều) cũng là lúc chị trở về nhà. Nhưng không phải hết buổi là hết khách, nói theo cách văn hoa của chị là về “trực tổng đài” ở nhà. Cứ hễ có ai báo chở đi đâu thì chị lại xách xe đi. “Nghề “xe ôm” thấy cực khổ vậy mà vui, có việc gì khách hàng lại nhớ và kêu mình chở. Họ còn tâm sự với mình về hoàn cảnh gia đình, về con cái, việc làm... Thấy mình khổ, lại có người còn khổ hơn cả mình, điều đó làm tôi càng thêm cố gắng và yêu đời hơn” - chị Huệ tâm sự.

Tôi hỏi chị bao giờ thì thôi không làm “xe ôm” nữa?. Chị Huệ suy nghĩ một lúc rồi thở dài: “Hơn 50 tuổi rồi đấy, tưởng được nghỉ nhưng các con vẫn chưa có việc làm ổn định nên ngày ngày vẫn phải “bán mặt cho đường” kiếm gạo đây!.

Của hồi môn của người mẹ nghèo

Có mặt tại bến xe phía Tây trong cái nắng mát dịu của mùa xuân, chúng tôi không thật sự khó khăn khi gặp chị Diệp - một nữ “xe ôm”... lừng danh tại bến xe. Bước vào tuổi 53, chị Diệp được xem làm “kiện tướng” với gần 10 năm trong nghề. Giống như những phụ nữ khác làm nghề “xe ôm” ở chị có sự từng trải, sắc sảo và hiếm ai có thể “bắt nạt” được. “Bây giờ, nghề chọn người chứ người có được chọn nghề đâu. Tất cả cũng vì cuộc sống mưu sinh mà thôi. Bây giờ, không phân biệt nam nữ, nam làm được, chúng tôi cũng làm được. Chúng tôi bây giờ còn có lợi thế hơn, khách hàng người ta chuộng “xe ôm” nữ, chắc nhìn đáng tin cậy mà cũng an toàn” - chị Diệp tâm sự.

Chị Diệp cũng được xem là học hành đến nơi đến chốn khi được học hết lớp 12 Trường THPT chuyên Lam Sơn. Tuy nhiên vì gia đình nghèo, chị không học tiếp mà xin đi làm công nhân ở Nhà máy gạch tuynel Đông Vinh. Những tưởng khó khăn rồi cũng ổn khi vợ chồng chị sẽ cùng nhau kiếm cơm nuôi cô con gái duy nhất ăn học. Nào ngờ, con gái ốm nặng. Thu nhập công nhân không đủ trang trải chi phí hằng ngày cho gia đình, lại gò bó thời gian, chị mạnh dạn xin nghỉ việc và bắt đầu tập tành “nhập cuộc” với nghề chạy “xe ôm” như bao người đàn ông khác.

Để nhanh có tiền, chị Diệp mạo hiểm hơn trong những cuốc xe chở khách. Chị tâm sự: “Có lần, tôi chở khách lên tận huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh. Đưa khách đến nơi, tôi quay lại thành phố thì cũng là nửa đêm. Mệt lả người nhưng không làm và không liều thì không có cơm cho con. Khó khăn buộc người ta phải mạo hiểm trong công việc”.

Mặc dù làm nghề chạy “xe ôm” chủ động về thời gian nhưng thu nhập có phần bấp bênh bởi chạy “xe ôm” y như đi câu cá. Có ngày chị chạy được vài “cuốc” nhưng có ngày chờ đợi “dài cổ” chẳng có ai thèm đoái hoài. Hỏi chị Diệp có gặp rắc rối nào khi chạy “xe ôm” không, chị cười lớn: “Khách có trêu thì trêu mấy em trẻ thôi. Già xấu như mình, họ nhìn mặt là cụt hứng liền”.

Ngày hôm nay, chị bắt đầu ngày làm việc của mình từ 9h sáng đến 7h tối, còn thông thường là đến 5h giờ chiều về nấu cơm cho chồng và cô con gái đang học lớp 11, Trường THPT chuyên Lam Sơn. Sau đó đi thể dục khoảng tiếng rưỡi rồi về tắm giặt, nghỉ ngơi, mai lại bắt tay vào công việc của ngày mới. Chị cười giòn khi nhắc đến con gái: “Từ khi ôm bụng bầu đi làm tôi đã hứa với chính mình dù có nhịn đói thì vẫn phải cho con ăn học tới nơi tới chốn. May là con ngoan ngoãn, biết vâng lời mẹ, chăm chỉ học hành, nên dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, tôi cũng gắng vượt qua!”.

Kể đến đây chị bỗng thoáng ngập ngừng bởi mới đây, con gái chị được chọn vào đội tuyển quốc gia của trường. Tuy nhiên, khoản chi phí khi sinh hoạt trong đội tuyển không phải là chuyện đùa đối với chị. Chị có thể hy sinh mọi thứ vì tương lai của con nhưng chồng chị lại vừa nhập viện vì nghi ngờ mắc bệnh ung thư. Gánh nặng kinh tế quá lớn, chị sợ bản thân không kham nổi. Đem chuyện kể với mấy người bạn thì họ nói: “Tôi có nằm mơ cũng không dám mơ con mình được tham gia đội tuyển quốc gia, đằng này con chị được tham gia thì sao lại phân vân chứ...?”. Từ đó, chị quyết định cho con tham gia đội tuyển dù phải vay mượn, chạy vạy đủ nơi.

Khó khăn là vậy nhưng chị vẫn luôn giữ nụ cười trên môi vừa để chào khách vừa để con gái yên lòng. Chị bảo: “Tôi không có tài sản gì để lại cho con gái ngoài việc cố hết sức để cho con ăn học nên người”.

Tâm sự về Ngày Quốc tế Phụ nữ, cả chị Huệ và chị Diệp đều bảo lo mưu sinh nên chẳng khi nào nghĩ đến. “Có hành khách vui tính, khi mình nhận chở, họ động viên, chúc sức khỏe nhân ngày phụ nữ.... mình ngẫm như thế cũng là vui lắm rồi” - chị Diệp kể.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]