(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng người dân xứ Thanh vẫn truyền tai nhau hình ảnh về một nữ dân quân vai khoác súng trường, đầu đội nón lá, vượt qua mưa bom, bão đạn... đi tiếp tế đạn dược, lương thực cho bộ đội chiến đấu để quyết giữ cho được cầu Hàm Rồng. Đó là bà Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1946) nữ dân quân làng Yên Vực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nữ anh hùng trong lòng dân

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng người dân xứ Thanh vẫn truyền tai nhau hình ảnh về một nữ dân quân vai khoác súng trường, đầu đội nón lá, vượt qua mưa bom, bão đạn... đi tiếp tế đạn dược, lương thực cho bộ đội chiến đấu để quyết giữ cho được cầu Hàm Rồng. Đó là bà Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1946) nữ dân quân làng Yên Vực.

Bà Nguyễn Thị Hiền lật từng tấm ảnh, kể về quá khứ hào hùng của “một thời để nhớ”.

Dưới tiết trời thu dịu nhẹ, trong căn nhà số 03, đường Tạ Quang Bửu, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), chúng tôi may mắn được bà Nguyễn Thị Hiền kể lại câu chuyện về những ngày bà cùng đội nữ dân quân tự vệ làng Yên Vực (Hoằng Long, Hoằng Hóa nay là phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa), tham gia trận địa Hàm Rồng. Họ đều là những cô gái mười tám, đôi mươi căng đầy nhựa sống. Là người con của đất lửa Hàm Rồng, cũng như bao thanh niên cùng thời khác, bà tham gia đội nữ dân quân tự vệ của làng. Với nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, bảo vệ mạch máu giao thông của 2 miền Nam – Bắc.

Nhắc đến chuyện xưa, mọi ký ức của “nữ tướng” dân quân tự vệ ngày ấy dường như sống lại, bằng một giọng thân tình, đầm ấm, bà kể: “Trước khi xảy ra chiến sự tại cầu Hàm Rồng, quân và dân ta đã sẵn sàng về mọi mặt để chờ đón đánh địch, quyết giành thắng lợi ngay trận đầu. Khi ấy, tôi mới 18 tuổi, đã được cấp trên cùng 6 chị em khác thành một trung đội nữ dân quân gồm 7 người. Chúng tôi có nhiệm vụ làm công tác cứu thương, tiếp tế và tăng gia sản xuất để phục vụ bộ đội”.

Trận đụng đầu lịch sử giữa ta và địch kéo dài vào các ngày 3 và 4-4-1965 đã thôi thúc hàng nghìn, hàng vạn công nhân, dân công, thanh niên, phụ nữ... ra trận với một khí thế sục sôi. Dưới làn mưa bom, bão đạn của địch, bà Hiền đã dẫn đầu 7 cô gái làng Yên Vực quả cảm chở hàng trăm lượt thuyền đạn vượt sông Mã sang bờ Nam cầu Hàm Rồng chi viện cho bộ đội ta đánh giặc. Do trận đánh kéo dài, khiến cho nòng pháo cao xạ 37mm của các khẩu đội quân ta nóng đỏ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ và cự ly của đường đạn. Bà chính là người đã nhanh trí xé ống quần của mình, nhúng nước rồi đắp lên nòng pháo. Và sáng kiến “xé ống quần” của bà đã nhanh chóng được áp dụng ngay cho các trận địa pháo Yên Vực, cũng như các trận địa pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Từ năm 1965-1972, giặc Mỹ đã trút xuống xã Hoằng Long 3.655 quả bom phá, 16 quả bom từ trường, 22.000 quả bom bi, 950 quả rốc két, 320 loạt đạn 20mm, làm chết 130 người, bị thương 200 người và làm đổ 650 nóc nhà... Trong đó, bố, mẹ, nhà cửa của gia đình bà cũng bị bom đạn của giặc Mỹ vùi lấp. Gạt nước mắt đau thương, một mình đưa các em về vùng sơ tán rồi quay về sát cánh cùng quân dân ta tiếp tục chiến đấu với từng chiếc máy bay của giặc. Khi nhắc về những ngày tháng bi hùng ấy, mắt bà lại nhòa đi: “Ngày đó, tôi không bao giờ quên được, đó là ngày 22-4-1965, khi đang chiến đấu cùng đồng đội, nhìn lượt bom rải xuống của giặc Mỹ, theo kinh nghiệm của bản thân, tôi biết có chuyện chẳng lành. Cũng như nhiều gia đình khác ở xã Hoằng Long, căn nhà của gia đình tôi cũng bị bom Mỹ đánh sập và xót xa hơn là mẹ tôi đang nằm trong đó. Trận đánh kết thúc, khi tôi về thì thi thể của mẹ đã được dân quân đưa ra. Không lâu sau, cha tôi cũng qua đời trong một trận mưa bom của giặc”.

Nhằm chặt đứt con đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến miền Nam, trong các ngày từ 21 đến 23-9-1966, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá cầu Hàm Rồng. Mặt bê tông của cầu bị phá hủy, trên đường ray chỉ còn trơ lại những thanh dọc... các phương tiện vận tải không qua được bờ Nam. Để có đạn cho trận địa pháo, không sợ hiểm nguy, cô gái bé nhỏ ấy đã vác những hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình đi trên những thanh ray qua cầu chi viện cho phía Nam.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc (1965 - 1973), đế quốc Mỹ đã tổ chức hơn 1.000 trận tập kích bằng không quân, ném xuống 70.600 tấn bom, bắn hàng nghìn quả tên lửa, rốc két... nhưng cầu Hàm Rồng vẫn trụ vững, nhờ sự kiên cường chiến đấu của quân và dân ta, trong đó có lực lượng dân quân tự vệ mà bà Hiền và những dân quân làng Yên Vực là những người tham gia quả cảm nhất. Trong những năm tháng bảo vệ cầu Hàm Rồng, cô gái Nguyễn Thị Hiền đã xông vào thay thế pháo thủ bị thương và chiến đấu 380 trận, bị B52 chôn sống đến 4 lần...

Sau các trận đánh, bà lại cùng đồng đội san lấp hố bom, đào hào công sự, cấp cứu thương binh đưa đến nơi an toàn; tìm bom, tìm thi thể bộ đội và dân quân đã hy sinh để mai táng; tổ chức giúp nhân dân đi sơ tán, tuần tra canh gác, bảo vệ xóm làng; tham gia sản xuất, chi viện cho tiền tuyến... tất cả đều trở thành công việc thường nhật của những người con gái chân yếu tay mền như bà thời bấy giờ.

Với những cống hiến to lớn đó, bà đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại trận địa và phong tặng danh hiệu dũng sĩ bắn máy bay; bà đã được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì và hạng Ba, 2 Huy hiệu Bác Hồ, 2 Huy hiệu Chiến sĩ thi đua dân quân tự vệ cấp Trung ương, 24 bằng khen, giấy khen từ cấp Trung ương đến địa phương... Còn với người dân xứ Thanh bà mãi mãi là một “Nữ anh hùng”.

Tại chiến trường, hình ảnh nữ dân quân làng Yên Vực Nguyễn Thị Hiền, vai khoác súng trường, đầu đội nón đi trực chiến năm 1966 được nhà báo chiến trường Mai Nam ghi lại, đã đoạt Huy chương Đồng trong cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức tại Bungari năm 1967. Hình ảnh ấy đã trở thành nguyên mẫu về tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân Hàm Rồng, góp phần làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

7 cô dân quân làng Yên Vực năm xưa người còn, người mất. Nhưng cứ đến ngày 3 và 4-4 hàng năm các bà lại hội tụ về làng Yên Vực, cùng nhau nấu bữa cơm ăn mừng ngày gặp mặt. Câu chuyện được bà kể đi, kể lại rất nhiều lần, nhưng vị mặn của giọt nước mắt hạnh phúc vẫn còn vẹn nguyên một thuở. “Bà sống được đến ngày hôm nay và còn sức khỏe là hạnh phúc lắm rồi. Bà vẫn còn may mắn hơn nhiều so với những đồng đội không thể trở về, con ạ!”, bà Hiền chia sẻ.


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]