(Baothanhhoa.vn) - Túm tụm dưới những lùm cây, mái hiên, dọc những vỉa hè, góc phố TP Thanh Hóa để tránh những đợt nắng nóng oi ả hay những cơn mưa bất chợt, những người lao động tự do nhẫn nại chờ việc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi niềm lao động tự do

Túm tụm dưới những lùm cây, mái hiên, dọc những vỉa hè, góc phố TP Thanh Hóa để tránh những đợt nắng nóng oi ả hay những cơn mưa bất chợt, những người lao động tự do nhẫn nại chờ việc.

Lao động tự do chờ việc làm tại khu vực ngã tư Phú Sơn (TP Thanh Hóa).

Vất vả mưu sinh

Vụ mùa đang vào thời điểm cấy rầm rộ ở khắp các địa phương trong tỉnh, nhưng lao động tự do từ các huyện kéo lên thành phố vẫn rải rác khắp các vỉa hè, góc phố. Người đông, việc thì ít kéo theo mức giá trả cho nhân công cũng “bèo bọt”. Mỗi ngày chỉ khoảng 80.000 – 100.000 đồng. Bần thần như người “mất sổ gạo”, anh Lê Văn Hiệp, xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa), nóng ruột khi cả tuần nay không có việc gì làm. Anh Hiệp tâm sự: Hôm nay là ngày thứ 6 trong tuần tôi cứ ra đây đứng lên, ngồi xuống chán chê, rồi lang thang ra các ngã tư thành phố để chờ có người thuê làm việc. Nếu những ngày giáp tết mà cũng như thế này chẳng khác nào “ngồi trên đống lửa đón tết”.

Ngoài việc lo kiếm tiền để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, nhiều lao động tự do cũng còn nặng gánh nỗi lo con cái đến trường. Anh Hà Quang Tùng (Triệu Sơn) than phiền: “Ngày xưa các cụ đẻ con chỉ lo nuôi ăn cho nhanh lớn rồi tự ra “đời” bươn trải. Còn mình bây giờ đẻ con không chỉ nuôi ăn còn phải nuôi học, nuôi dạy nên người. Năm nay, cháu đầu của tôi bước vào lớp 1, hai vợ chồng phải gửi cháu cho ông bà nội để lên thành phố đi làm thuê kiếm tiền đóng học, nuôi con”. Nói đến đây, anh Tùng vội đứng phắt dậy rồi cắm đầu chạy theo mấy “cửu vạn” tiến đến gần người đàn ông đang cất giọng: “80.000 đồng, ăn trưa luôn, đồng ý thì 6 người”. Một người trong nhóm kỳ kèo thêm 20.000 nhưng không được, cả 6 người đành tặc lưỡi rồi kéo nhau đạp xe theo.

Trên những góc đường không khó để bắt gặp từng nhóm “cửu vạn” túm tụm, vật vờ, chờ việc. Nếu như những năm trước, vào thời điểm này là dịp để lao động tự do kiếm “đồng ra đồng vào” thì năm nay, việc ít, giá nhân công trả thấp, thành ra “chợ” lao động lại càng trở nên ảm đạm... Dọc Đại lộ Lê Lợi hay cạnh cầu Đông Hương, chợ Nam Thành... nhiều lao động cũng “ngáp đứng, ngáp ngồi”, người thì đi đi, lại lại, nhóm thì quây quần hút thuốc lào, buôn chuyện, nhóm lại túm tụm chơi tá lả... Ngoài lao động nam giới, nhiều lao động nữ cũng ngồi vắt vẻo trên những chiếc xe 3 gác chờ việc. Chị Lê Thị Vạn (Triệu Sơn) cho biết: Cứ tờ mờ sáng là tôi đã chạy xe ba gác ra đây đứng, chưa có năm nào công việc lại khan hiếm như năm nay, “dài cổ” chờ việc có khi cả tuần mới kiếm được 200.000 - 300.000 đồng. Chị Vạn thở dài, chép miệng: Không làm thì không có tiền nuôi 4 “miệng ăn” ở nhà. Nào thì tiền học của 2 đứa nhỏ, nào thì tiền đi viện của ông, bà... chẳng biết đến bao giờ mới thoát “nợ”.

Thiếu chính sách quan tâm, bảo vệ

Tỉnh ta đang trong quá trình phát triển, nên ngày càng thu hút lực lượng lớn lao động trong đó bao gồm cả lao động tự do. Đây là lực lượng lao động chiếm tỷ lệ lớn nhưng gần như không được “hưởng lợi” nhiều từ chính sách của Nhà nước.

Theo ghi nhận của chúng tôi, người lao động tự do trên địa bàn tỉnh hầu hết là lao động thời vụ trong lĩnh vực xây dựng, phục vụ các nhà hàng, bán hàng, xe ôm, giúp việc... Những đối tượng này còn thiếu các kỹ năng, hiểu biết chính sách pháp luật lao động để thỏa thuận với chủ khi thương lượng về thời gian, giá cả, điều kiện việc làm, dẫn đến họ thường phải chịu nhiều thiệt thòi. Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số nhà hàng, hầu hết nhân viên phục vụ đều phải chịu cường độ làm việc và áp lực lớn. Những ngày nhà hàng đông khách, nhân viên phải làm việc đến 23 - 24 giờ đêm. Một nhân viên nhà hàng chia sẻ: Lao động nữ như chúng tôi nếu không may có bị ốm “vặt” cũng không dám xin nghỉ vì không có người làm hộ. Còn trường hợp mang bầu thì phải chủ động xin nghỉ việc vì bảo hiểm xã hội (BHXH) không có, chế độ thai sản cũng không. Nhà hàng thì liên tục tuyển lao động mới để lấy đội ngũ nhân viên trẻ. Thời buổi kinh tế khó khăn, tìm được một công việc thích hợp không dễ dàng vì thế chúng tôi quả thực không dám đòi hỏi các quyền lợi khác. Còn anh Lê Văn Đắc (Thiệu Hóa) chia sẻ: Công việc của thợ xây rất nguy hiểm, nặng nhọc, ráo mồ hôi cạn đồng tiền. Đi làm hơn 10 năm trong nghề, từng làm thuê cho các chủ thầu xây dựng, xây nhiều công trình nhưng tôi chưa bao giờ được trang bị bảo hộ lao động hay ký hợp đồng lao động. Không được ký hợp đồng, không được tham gia BHXH nên rủi ro gặp tai nạn lao động chúng tôi không được hưởng chế độ thậm chí còn bị sa thải.

Những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân, nhưng hầu như lao động tự do tham gia không nhiều. Phần lớn do trình độ của họ hạn chế nên chưa thấy hết được lợi ích của việc tham gia các loại bảo hiểm. Cộng với đó, điều kiện về kinh tế, vật chất còn khó khăn, thu nhập của lao động thấp, công việc không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng BHXH lại quá dài cũng khiến họ không thể theo đến cùng.

Nên chăng, cần có sự thừa nhận chính thức loại hình lao động tự do này bằng việc xây dựng các chính sách liên quan đến quyền lợi của họ. Qua đó, có những biện pháp tạo điều kiện để họ tham gia các loại hình bảo hiểm. Đặc biệt là chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Có như vậy, mới lấp đầy khoảng trống an sinh xã hội.


Bài và ảnh: Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]