(Baothanhhoa.vn) - Vất vả, cực nhọc..., nhưng đầy tình thương, sự bao dung và trách nhiệm là những gì tôi cảm nhận được từ công việc của những cán bộ, người lao động Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH), với vai trò như một “bảo mẫu”. Thế nhưng, điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và băn khoăn đấy là thu nhập mà họ nhận được lại không hề tương xứng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi niềm của những “bảo mẫu” ở Trung tâm Bảo trợ xã hội

Vất vả, cực nhọc..., nhưng đầy tình thương, sự bao dung và trách nhiệm là những gì tôi cảm nhận được từ công việc của những cán bộ, người lao động Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH), với vai trò như một “bảo mẫu”. Thế nhưng, điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và băn khoăn đấy là thu nhập mà họ nhận được lại không hề tương xứng.

Cán bộ, người lao động Trung tâm Bảo trợ xã hội số II chăm sóc đối tượng xã hội.

Trước khi đến thực tế tại TTBTXH số II, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn), tôi chỉ nghĩ công việc của các cán bộ nơi đây đơn thuần là chăm sóc, thuốc thang cho các đối tượng xã hội. Thế nhưng, mọi thứ tôi nhìn thấy lại khác xa với những gì đã tưởng tượng.

Xuống khu ở của các đối tượng xã hội, cảnh tượng đầu tiên tôi bắt gặp là một cán bộ đang vừa dội nước, vừa lau chùi phòng ở. Mặc dù vừa được lau dọn sạch sẽ, song mùi hôi từ các phòng vẫn bốc lên. Đang lấy tay che mũi và miệng, chúng tôi giật mình bởi câu hỏi từ phía sau: “lần đầu tiên cô đến đây à?”. Sau cái gật đầu của tôi, là câu nói của một người phụ nữ với dáng người nhỏ thó: Đến đây lần đầu mà không bị nôn ói bởi cái mùi “đặc trưng” này là giỏi rồi. Bắt chuyện với chị, chúng tôi được biết, chị là Chung Thị Mão, quê xã Lộc Sơn (Hậu Lộc). Sau vài câu làm quen, chị chia sẻ: Chị vào nghề từ năm 2000, từ khi nơi này còn là Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi. Tính đến nay đã được 18 năm trong nghề. Cái nghề cực nhọc, với bao nỗi buồn, chua xót và sự trăn trở khi hằng ngày chứng kiến, tiếp xúc với những con người sinh ra là người nhưng lại không được sống đúng nghĩa như một con người. Chị trải lòng, nói nghề này vất vả, cực nhọc, bởi đa phần các đối tượng nơi đây đều là người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, bại não..., nên mọi việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân từ bón cơm, lau chùi, tắm rửa, thay quần áo... đều do các chị đảm nhiệm. Sợ nhất là, nhiều đối tượng có vấn đề về thần kinh, không làm chủ được bản thân, nên cứ ngày vài lần tiểu tiện, phóng uế ra khắp phòng. Thông thường, một ngày làm việc của các chị bắt đầu bằng việc lau dọn cái “chiến trường” bẩn thỉu mà các đối tượng để lại sau 1 đêm, rồi lau rửa, vệ sinh cho họ, tiếp đó là giặt chăn, màn, giúp người khuyết tật phục hồi chức năng, rồi cho ăn... cứ thế ngày này qua ngày khác. Mà như chúng tôi chứng kiến, ngay đến việc cho các đối tượng này ăn lại không phải dễ dàng, bởi các đối tượng không bình thường, việc nhai, nuốt rất khó khăn, nhất là đối với các bé bị bại não.

Đang mải trò chuyện với chị, chúng tôi bỗng giật mình bởi những tiếng la hét, đập phá từ phòng bên vọng lại. Chị Mão tiếp lời: Đó là tiếng la hét của mấy đối tượng có vấn đề về thần kinh. Ban ngày còn đỡ, ban đêm những đối tượng này hầu như la hét, quấy phá cả đêm, cán bộ trực đêm hầu như không thể ngủ bởi những tiếng gào thét này. Ở đây, cán bộ, người lao động không những làm việc ban ngày mà còn phải phân công trực ban đêm; trung bình mỗi cán bộ, người lao động phải trực từ 2 đến 3 đêm/tuần. Đối với những người được phân công trực các đối tượng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người khuyết tật thì được nghỉ bù 1 ngày, còn trực những đối tượng già khỏe mạnh hơn thì không được nghỉ. Nhưng trong cái môi trường này thì trực người già, khuyết tật hay trẻ nhỏ thì đều mệt mỏi như nhau cả.

Khi được chúng tôi hỏi, công việc cực nhọc thế này chắc các cán bộ, người lao động ở đây phải có chế độ đãi ngộ đặc thù chị nhỉ? Nói đến đây giọng chị Mão như trầm lại: Chúng tôi có tiền độc hại, nhưng đó chỉ là cho những người đã được biên chế. Tôi may mắn đã được biên chế, nên được hưởng, nhưng cũng chẳng đáng là bao, song ít ra vẫn hơn những người đang làm việc theo hợp đồng lao động. Đang vật lộn với việc cho một bé bại não ăn kế đó, chị Nguyễn Thị Phương, tiếp lời: Đối với cán bộ làm hợp đồng có thâm niên làm việc hơn 7 năm như chị, thì ngoài mức lương hiện tại chưa đầy 3 triệu đồng/tháng, chị không có thêm bất cứ khoản thu nhập nào. Nhiều lúc thấy cũng tủi thân, muốn đổi qua nghề khác cho đỡ vất vả, thu nhập lại cao hơn, nhưng vì tình thương, lòng trắc ẩn đối với những đối tượng bất hạnh nơi đây mà chị gắn bó. Nếu không vì cái tâm với những mảnh đời bất hạnh thì không chỉ mình chị mà hầu hết cán bộ, người lao động nơi đây đều không thể bám trụ được với nghề.

Công việc cực nhọc, vất vả, song thu nhập lại quá thấp không chỉ là nỗi niềm của các cán bộ, nhất là người lao động, mà đó còn là sự trăn trở của cả ban giám đốc trung tâm trong nhiều năm nay. Ông Nguyễn Kiều Anh, Giám đốc TTBTXH số II, cho biết: Trung tâm hiện có 51 cán bộ, người lao động đang làm việc; trong đó, 21 biên chế và 30 hợp đồng, chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cho gần 200 đối tượng xã hội. Đối với cán bộ đã được biên chế có mức thu nhập ổn định hơn, nhưng còn với số hợp đồng thì tổng thu nhập chưa đến 3 triệu đồng/người/tháng. Bản thân là người đứng đầu trung tâm, ông biết rằng mức thu nhập này là quá thấp và nó càng không thấm tháp gì so với thời gian, công sức và tâm huyết mà người lao động bỏ ra để chăm sóc các đối tượng.

Hình ảnh về những “bảo mẫu” ở trung tâm đang ngày, đêm vật lộn với những mảnh đời bất hạnh cứ bám diết lấy tâm trí tôi. Và câu hỏi, liệu với mức thu nhập như vậy thì những “bảo mẫu” nơi đây có thể bỏ sau lưng gia đình, con cái để bám nghề được bao lâu nữa?!


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]