(Baothanhhoa.vn) - Đằng sau cánh cửa Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1, ngăn cách không ít những người phụ nữ với cả cộng đồng, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có một điểm chung là đã từng vướng vào ma túy rồi mắc nghiện. Giờ đây, những “bóng hồng” ấy đang quyết tâm sửa chữa sai lầm trong quá khứ để trở về làm lại cuộc đời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi những “bóng hồng” vượt dốc

Nơi những “bóng hồng” vượt dốc

Các học viên nữ đang quyết tâm sửa chữa sai lầm trong quá khứ để trở về làm lại cuộc đời tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1.

Đằng sau cánh cửa Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1, ngăn cách không ít những người phụ nữ với cả cộng đồng, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có một điểm chung là đã từng vướng vào ma túy rồi mắc nghiện. Giờ đây, những “bóng hồng” ấy đang quyết tâm sửa chữa sai lầm trong quá khứ để trở về làm lại cuộc đời.

Khi những bóng hồng lạc lối...

Từ TP Thanh Hóa đi khoảng 20km đến xã Hoàng Giang (Nông Cống) rẽ phải vào một con đường nhỏ, dài chừng 3km, chúng tôi đến Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 vào một buổi chiều thu dịu mát. Khác với sự tưởng tượng khi đứng ngoài cánh cổng, rảo bước trong khuôn viên cơ sở tôi ngỡ mình đang đi trong một khu sinh thái rộng lớn. Nơi ấy là ngôi nhà chung của 500 mảnh đời, trong đó có cả những “nàng Kiều thời nay”.

Nói về những “bóng hồng” hiếm hoi tại đây, ông Đoàn Ngọc Loan, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, cho hay: Mặc dù chỉ có 5 học viên nữ, nhưng việc quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ sinh hoạt tới lao động đều phải tách riêng biệt với các học viên nam.

Để hiểu hơn về số phận, uẩn khúc cuộc đời của những người phụ nữ trót vướng vào ma túy, chúng tôi cùng với cán bộ cơ sở phải mất rất nhiều thời gian tâm tư thì họ mới chịu mở lời. Tôi đặc biệt chú ý đến người phụ nữ có dáng thấp đậm, lúc nào cũng cắm cúi, họa hoằn lắm mới ngước lên nhìn người đối diện. Chị tên là Hà Thị T., sinh năm 1984, người huyện Thường Xuân. Chị kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian mắc nghiện của mình trong nỗi xót xa, sầu tủi. Chị bảo, chị đã muốn chôn chặt nỗi đau này từ lâu, không muốn nhắc lại cái “quá khứ nghiện”, “quãng ngày đen tối” của mình. Bởi, chỉ vì trót không làm chủ được bản thân, chị đã ném đi tất cả từ sức khỏe, danh dự đến tương lai của mình vào ma túy.

Chị T. cho biết, hơn chục năm trước, chị lập gia đình tại quê nhà và đã có hai con, nhưng cuộc sống vợ chồng thường xuyên lục đục vì gánh nặng kinh tế. Sau khi ly hôn, chị để con cho ông bà nội nuôi rồi xuống TP Thanh Hóa tìm việc làm. Tại đây, trong một lần đi chơi với bạn bè và những người em quen biết, chị đã bị rủ rê giải sầu bằng ma túy. Và bi kịch bắt đầu từ đó. Chị bị bắt khi đang cùng nhóm bạn “phiêu” thuốc trong một khách sạn. “Từ khi vào đây, tôi chưa một lần biết đến cảm giác có người thân đến thăm. Mẹ tôi đã quá già để có thể đi lại, hơn nữa kinh tế gia đình khó khăn nên tôi cũng không trông đợi gì” – T. nói, giọng nghẹn lại.

T. vào trung tâm đến nay là tròn 1 năm, đã không còn cảm giác thèm ma túy. Những sự động viên, vỗ về của các nhân viên trong cơ sở và chị em cùng phòng đã làm T. vơi đi buồn tủi. Nhưng thỉnh thoảng, nỗi buồn trong T. lại trỗi dậy, nhất là trước lúc đi ngủ, ăn cơm. Ngẫm thương mình, thương mẹ, thương con, T. lại khóc. T. bảo: “Bây giờ, mình có cơm, thịt để ăn thế này, nhưng không biết ở nhà mẹ và các con có cơm mà ăn không?”.

Những người phụ nữ như T. bị số phận nghiệt ngã đẩy vào ma túy, nhưng giờ đây, chữ tình, chữ hiếu trong con người họ dần thức tỉnh. Và có lẽ, đó sẽ là nguồn cơn, động lực để dẫn dụ họ về con đường sáng. Thế nên, dù không biết rõ mình sẽ làm gì sau khi bước ra khỏi cơ sở cai nghiện này với hai bàn tay trắng? Nhưng, khát vọng sống, khát vọng làm lại cuộc đời của nữ học viên này mãnh liệt hơn bao giờ hết. “Rũ bỏ được tấm áo này, tôi sẽ kiếm một công việc nào đó để làm bằng chính đôi bàn tay lao động của mình để nuôi mẹ già và bù đắp cho những đứa con thơ. Tôi chỉ mong xã hội đừng kỳ thị, rũ bỏ những người đã từng một thời lầm lỗi để tôi có thể vững tin làm lại cuộc đời, sống nốt quãng đời còn lại trong ánh sáng”- T. tâm sự.

Chị cũng nhắn nhủ với những cô gái rằng, tất cả mọi chuyện khúc mắc trong cuộc sống đều có thể giải quyết, đừng bao giờ thử ma túy, dù chỉ một lần. Chị nói: “Tôi tự thấy mình mất tất cả vì ma túy, vào đây càng thấm thía, càng đau khổ. Tôi mong rằng đừng ai dại dột, lầm lỡ như tôi”.

Trong số những “bóng hồng” ở đây, Nguyễn Thị O., sinh năm 1986, là người khá nhanh nhẹn, hoạt bát và rất thân thiện, trông cô chẳng có vẻ gì là từng chìm đắm suốt một thời gian dài, với hàng chục năm sử dụng và buôn bán heroin. O. nói: “Biết chơi ma túy cần phải có... tài”, theo cô gái “tài” tức là biết kiếm tiền để... chơi. Nghe xong lời chia sẻ của O., nữ cán bộ chỉ biết ngao ngán lắc đầu. Bởi, O. vẫn chưa thể xóa hết những “triết lý” lạnh lùng, lầm lạc.

Khi biết được lý lịch của O., tôi lại càng thấy tiếc cho cô. Đến từ huyện Hậu Lộc, O. được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, thuộc dạng “có điều kiện”, tuy nhiên bố mẹ đều đi làm ăn xa từ nhỏ, thế nên, bạn bè, hàng xóm là tất cả mối quan hệ, tình cảm với O. khi ấy. Được bố mẹ chiều chuộng, cung phụng, càng lớn, O. càng ăn chơi, lêu lổng theo bạn bè. 12 tuổi, O. đã bị người chị cùng xóm chích ma túy vào người và lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Có điều, dù ham chơi bời, O. vẫn không quên nhiệm vụ học hành, vẫn cố gắng thi đậu vào trường cấp 3. “Ban đầu, tôi không chủ động dùng ma túy. Nhưng sau đó, càng ngày, tôi càng lấn sâu vào những cuộc vui thác loạn, bị ma túy khống chế. Thanh xuân tươi đẹp của tôi coi như đã mất hết” - O. ngậm ngùi tâm sự.

Được biết, khi đang học lớp 11, O. bị gia đình phát hiện đã nghiện ma túy nên đưa đi cai nghiện theo hình thức tự nguyện. Sau những ngày tháng vật vã trong cơ sở, được sự giúp đỡ của cán bộ, nhân viên tại đây, O. cũng đã cắt cơn và cai nghiện thành công. Nhưng chỉ sau khi rời khỏi trại, O. lại tiếp tục ham chơi với bạn bè, ngập chìm trong những làn khói trắng. Và cách đây hơn một năm, cũng trong một tiệc vui với bạn, O. lại chơi ma túy. Lúc này, công an ập vào kiểm tra. O. bị bắt cùng nhiều người rồi đưa đi cai nghiện bắt buộc. “Bị ma túy khống chế, tinh thần rất tệ nên mặc kệ bố mẹ khuyên ngăn tôi cứ thế lao vào cuộc vui. Nhiều lần nhìn bố mẹ lo lắng, đau khổ, nhưng tôi vẫn không thấy động lòng. Nhưng hiện nay, khi đã vào trại, được thầy cô dạy dỗ, khuyên nhủ, nghĩ lại những năm tháng nông nổi ngoài kia, tôi mới thấy mình sai lầm. Giờ tôi chỉ mong bản thân cải tạo, học tập thật tốt để sớm được ra ngoài kia, về với bố mẹ, làm lại cuộc đời. Tôi tự hứa với bản thân không thể để mình sa ngã thêm lần nào nữa” - O. nói với vẻ mặt, ánh mắt đầy quyết tâm.

... Gặp những “bông hồng thép”

Chị Đậu Thị Thúy, cán bộ quản lý học viên nữ kể, hầu hết các học viên, nhất là nữ, khi vào cơ sở đều có tâm lý bất ổn nên có nhiều hành động tiêu cực, như: Nhịn ăn, la hét... khiến công tác quản lý, giáo dục khó khăn, phức tạp. Để cảm hóa họ, cán bộ phải thường xuyên gần gũi, trò chuyện, động viên tinh thần để họ không còn thấy cô đơn. Đối với những học viên không có người thân đến thăm, các cán bộ đã dùng tiền cá nhân để mua bánh trái làm quà cho họ.

Có không ít những người bước vào “trường học” đặc biệt này khi còn rất trẻ nên chán chường, thường xuyên đánh nhau hoặc “nhẹ” hơn cũng sử dụng những ngôn từ tục tĩu. Một số học viên lớn tuổi, thấy cán bộ trẻ hơn mình nên không nghe lời và có biểu hiện chống đối... Thế nhưng, bằng nghiệp vụ và trái tim nhân hậu, những “bông hồng thép” đã cảm hóa được những con người lì lợm, ngang bướng này.

Ông Đoàn Ngọc Loan nhận xét, công việc quản lý học viên rất nhiều áp lực, bởi giữ con người bao giờ cũng khó hơn giữ tài sản. “Cái khó là phải làm sao để họ hiểu được những điều đúng, sai mà hợp tác điều trị tốt. Không chỉ có vậy, các nữ quản giáo cũng bộn bề công việc gia đình như bao người phụ nữ. Thế nhưng, có thời gian, các chị phải trực 2, 3 ngày/tuần. Dù vậy, các chị vẫn làm tốt công tác chuyên môn và đảm đang vai trò dâu hiền, vợ thảo, nuôi dạy con cái chăm ngoan”.

Bên trong cánh cổng cơ sở cai nghiện, còn có những bóng hồng thầm lặng khác, cũng vất vả và tận tụy như cán bộ nữ quản lý. Đó là đội ngũ cán bộ y tế, những người luôn túc trực 24/24 giờ để có mặt kịp thời khi có học viên hay cán bộ bị ốm đau cần chữa trị. Chị Hoàng Thị Minh, phó phòng y tế phục hồi sức khỏe, chia sẻ: “Tại đây, chúng tôi không những chữa bệnh mà còn chữa cả tâm hồn của họ. Bởi, con đường đến ma túy với nhiều người bắt nguồn từ hạnh phúc gia đình tan vỡ, thiếu tình thương của cha mẹ... Họ là những người đáng thương, cần được sẻ chia, giúp đỡ và đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi làm việc”.

Trước khi vào cơ sở, rất nhiều học viên không được chăm sóc sức khỏe tốt, nhất là những người sử dụng ma túy nên họ mang nhiều bệnh tật. Khi vào cơ sở, thêm phần lo lắng nên bệnh tình xấu hơn; thế nhưng nhiều người buông xuôi, không màng việc chữa trị bệnh. Có người chỉ vì người nhà không đến thăm là họ nhịn ăn nhiều ngày khiến cán bộ y tế phải truyền dịch. Vậy nhưng khi truyền dịch họ lại bứt ống chuyền khiến công tác điều trị gặp khó khăn... Ngoài tâm lý bất cần, không ít trường hợp nhiễm HIV có biểu hiện manh động khiến cán bộ y tế đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ phơi nhiễm. Dù vậy, với việc làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, hàng chục năm qua, những “bông hồng thép” vẫn tận tình khám, chữa bệnh cho học viên. Không những thế, các chị còn giáo dục, động viên bệnh nhân của mình làm lại cuộc đời. “Làm nghề này quan trọng là phải nắm được diễn tiến sức khỏe và tâm lý người nghiện, chủ động dùng thuốc cắt cơn ngay trước khi họ có biểu hiện bộc phát ra bên ngoài”, chị Minh chia sẻ và cho biết bây giờ chỉ cần nói chuyện với người nghiện vài câu là đoán được tình trạng của họ.

Điều trăn trở duy nhất của các cán bộ công tác tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1, là có những học viên dù hứa sẽ không tái nghiện, nhưng cứ ra khỏi cơ sở xã hội một thời gian thì quay lại. Nói về điều này, ông Đoàn Ngọc Loan, chia sẻ: “Cai nghiện là việc không đơn giản, nó phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của từng người. Đối với cai nghiện không khi nào là quá muộn cả; vấn đề là quyết tâm làm lại cuộc đời của họ đến đâu thôi. Điều chúng tôi thấy mừng nhất là vẫn có nhiều người sau khi rời khỏi trung tâm đã làm lại cuộc đời và trở thành những người có ích cho xã hội, có người còn trở thành chủ doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều người khác”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]