(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án giết người, cướp giật, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, giao cấu với trẻ em xảy ra. Thực trạng này đã đến mức báo động và trở nên đáng lo ngại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi đau tội phạm trẻ vị thành niên

Nỗi đau tội phạm trẻ vị thành niên

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh hỏi cung đối tượng trong độ tuổi vị thành niên về tội mua bán, tàng trữ ma túy.

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án giết người, cướp giật, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, giao cấu với trẻ em xảy ra. Thực trạng này đã đến mức báo động và trở nên đáng lo ngại.

Theo số liệu thống kê, chỉ tính từ năm 2014 đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 475 vụ, 739 đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội. Trong đó có các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng như: Giết người 7 vụ, hiếp dâm, cưỡng dâm 15 vụ, cướp và cưỡng đoạt tài sản 34 vụ. Qua phân tích, tổng hợp tình hình cho thấy trẻ vị thành niên tham gia vào các vụ trộm cắp tài sản là 222 vụ, chiếm 46% tổng số vụ và đối tượng; cố ý gây thương tích 87 vụ, chiếm 18%. Ngoài ra còn gây ra nhiều loại tội phạm khác như cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng, tổ chức sử dụng, mua bán và tàng trữ ma túy... Ví như, vụ án giết người xảy ra vào tối 11-8-2018 tại TP Thanh Hóa mà nạn nhân là em N.Đ.T., sinh năm 2002, ở xã Quảng Đông, còn hung thủ là Nguyễn Nam Bắc, sinh năm 2000, ở xã Quảng Phú, TP Thanh Hóa. Nguyên nhân chỉ là do mâu thuẫn trong lúc xem văn nghệ, cho rằng T. “nhìn đểu” mình nên Bắc đã hậm hực, liền rút con dao bấm thủ sẵn trong người đâm vào động mạch đùi bên phải, khiến T. ngã quỵ. Mặc dù đã được người dân đưa đi cấp cứu nhưng do mất quá nhiều máu nên T. đã tử vong.

Theo tài liệu của cơ quan cảnh sát điều tra thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng xấu đến văn hóa, giáo dục, sự tha hóa biến chất, lối sống thực dụng trong một bộ phận lớp trẻ hiện nay; sự tiêm nhiễm những luồng văn hóa độc hại, các trang mạng xã hội, kích động bạo lực, kích động tình dục. Bên cạnh đó là sự non kém, lệch lạc về nhận thức các vấn đề xã hội, pháp luật; những ảnh hưởng tiêu cực từ phía gia đình như: Sự thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, gia đình không hòa thuận, không tôn trọng lẫn nhau, một số thành viên trong gia đình sống buông thả, rượu chè, cờ bạc, thậm chí phạm tội, đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của thanh, thiếu niên. Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc quản lý, giáo dục các em; một số gia đình còn quá nuông chiều con cái để chúng ăn chơi đua đòi, giao lưu với đối tượng xấu, sống buông thả dẫn đến sa ngã. Trong khi đó một số gia đình không quan tâm đến đời sống tinh thần của con, phó mặc cho nhà trường, thậm chí có trường hợp còn dung túng, bao che hành vi vi phạm pháp luật của con, em mình.

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. UBND tỉnh đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; xây dựng và nhân rộng mô hình phòng ngừa trẻ bị xâm hại, bị bạo lực dựa vào cộng đồng. Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Hằng năm tỉnh đã bố trí từ nguồn ngân sách khoảng 2 tỷ đồng thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em. Đến nay, đã hỗ trợ được cho gần 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bằng các hình thức như: Trợ giúp xã hội, trợ giúp y tế, trợ giúp giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên công tác này đang còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với công tác tuyên truyền, các đơn vị công an trong tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn không để trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật. Trung tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, cho biết: Để tuyên truyền pháp luật trong lứa tuổi trẻ vị thành niên, lực lượng công an đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện. Lực lượng công an vẫn là nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm hình sự nói riêng trong lứa tuổi trẻ vị thành niên. Để làm được điều này lực lượng công an phải chủ động nắm tình hình, thực trạng vi phạm pháp luật lứa tuổi trẻ vị thành niên để từ đó phân tích, rút ra các nguyên nhân, điều kiện cũng như các vụ án, vụ việc điển hình, hệ thống hóa lại các hành vi vi phạm từ đó có răn đe, giáo dục chung trong cộng đồng.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội, đặc biệt là gia đình cần phải coi trọng việc quản lý, giáo dục con em mình, đồng thời hãy quan tâm, chăm lo toàn diện cho thế hệ trẻ, nhất là trẻ vị thành niên. Hướng các em đến một cuộc sống lành mạnh, tươi sáng, đừng vô tình đẩy các em vào con đường phạm pháp.

Quốc Hương


Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]