(Baothanhhoa.vn) - Gần Tết, hàng loạt sản phẩm, như mứt dừa, mứt gừng, lạp xưởng, giò, chả … tự làm (handmade) được rao bán rầm rộ trên thị tr ường và mạng x ã hội. Vì suy nghĩ đây là những thực phẩm an toàn, nhiều ng ười sẵn sàng bỏ tiền ra mua với giá cao gấp đôi với ngoài chợ. Thế nhưng, thực phẩm “handmade” có thực sự lành?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nở rộ thực phẩm tự làm trong dịp Tết

Gần Tết, hàng loạt sản phẩm, như mứt dừa, mứt gừng, lạp xưởng, giò, chả… tự làm (handmade) được rao bán rầm rộ trên thị trường và mạng xã hội. Vì suy nghĩ đây là những thực phẩm an toàn, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua với giá cao gấp đôi với ngoài chợ. Thế nhưng, thực phẩm “handmade” có thực sự lành?

Nở rộ thực phẩm tự làm trong dịp Tết

Mứt dừa tự làm với đủ màu sắc được bày bán.

Đa dạng thực phẩm nhà làm

Có năng khiếu và sở thích "bếp núc" nên gần Tết, bà Yến, đường Nguyễn Tạo, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) làm mứt, bánh… để bán. Bà Yến cho biết: "Hiện tại, nhiều người không thích các loại mứt, bánh do các công ty lớn sản xuất, vì chúng không giữ được hương vị đặc trưng như nhà làm. Vì thế, cách Tết khoảng 2 tháng, tôi bắt đầu nhập nguyên liệu để chuẩn bị làm mứt, bánh bán. Do tôi tự làm và chủ yếu bán cho bạn bè, người quen, nên tôi chọn thực phẩm tươi, sạch. Độ ngọt, giòn làm theo yêu cầu của từng nhóm khách hàng nên họ rất thích. Tết năm trước, gia đình chỉ làm các loại mứt dừa và bánh nhãn, cả mùa tết bán được gần 30 kg mỗi loại. Vì thế, năm nay tôi quyết định làm thêm một số món mặn, như: Dưa chua, củ kiệu muối, giò thủ…”.

Theo bà Yến, sở dĩ các loại mứt của bà luôn đắt khách là do các khâu sơ chế thực phẩm, con gái bà đã quay clip phát trực tiếp (qua mạng) cho khách hàng thấy việc lựa chọn nguyên liệu, vệ sinh và chế biến sản phẩm hoàn toàn sạch sẽ. Đặc biệt, đối với mứt dừa có đủ màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng, cam...), bà đã chiết xuất màu tự nhiên từ hoa quả, trái cây tươi, như: Lá dứa, cà phê, chanh dây, cà rốt, bột trà xanh...

Tương tự như bà Yến, tết năm 2018, chị Lê Thị Hồng Thái, nhân viên ngân hàng, rao bán thịt bò gác bếp do mẹ chị ở quê (thị trấn Quan Hóa) tự làm. Hết mùa tết (kéo dài khoảng 2 tháng), chị Thái bán được hơn 30 kg thịt bò. Thừa thắng xông lên, Tết năm nay ngoài thịt bò gác bếp, chị Thái báo có thêm món gà khô lá chanh và chỉ mới hơn 1 tháng rao hàng, chị Thái đã bán được gần 20kg cho sản phẩm này. “Thịt bò mình bán 720.000 đồng/kg, gà khô lá chanh 340.000 đồng/kg, cao hơn giá bán ở ngoài chợ hay siêu thị một chút nhưng nhiều người vẫn thích mua. Chủ yếu là tin tưởng mình làm với nguyên liệu sạch, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh”, chị Thái cho biết.

Ngoài các loại bánh, kẹo, thực phẩm như trên, không ít "mẹ bỉm sữa" cũng làm lạp xưởng, kim chi Hàn Quốc để bán trong dịp Tết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bán thực phẩm “handmade” không hề rẻ. Chẳng hạn: Thịt lợn gác bếp 350.000 - 400.000 đồng/kg, thịt bò gác bếp 750.000 – 800.000 đồng/kg loại nguyên miếng, bò khô sợi 780.000 - 820.000 đồng/kg, mứt dừa 130.000 - 150.000 đồng/kg, bánh nhãn 120.000 – 150.000 đồng/kg... Các loại thực phẩm này hầu hết được đóng gói lịch sự hay đựng trong túi hút chân không.

Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo

Phải thừa nhận rằng, mua đồ thực phẩm Tết trên mạng cũng có những ưu điểm, như: Không cần ra chợ chọn lựa, cũng không cần mất công chế biến. Ngồi một chỗ, chỉ cần một cú điện thoại hay tin nhắn là đã có dịch vụ mang đến tận nơi. Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng bán cũng đúng như quảng cáo. Chị Nguyễn Thị Nhung, chủ shop mỹ phẩm Bunny Store, bức xúc: “Tuần trước, mình đặt một hũ gà khô lá chanh trên mạng, nhưng khi mở hàng mình phát hoảng, gà khô lá chanh bị lên mốc, có mùi hôi, trong đó còn có lẫn tóc, khác hẳn với hình ảnh gà khô lá chanh được rao bán bắt mắt, hấp dẫn trên trang mạng”.

Thực tế cho thấy, các trang mạng xã hội cá nhân hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Qua quan sát, các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng gần như không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần, nguồn gốc nguyên liệu. Các chủ trang mạng bán đồ ăn chỉ cam kết chất lượng bằng miệng. Còn việc mua thực phẩm online hầu như bằng niềm tin là chính. Do đó, nếu chủ các trang bán hàng online thấy cái lợi trước mắt, thiếu chữ tâm trong sản xuất, mua những nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh trong chế biến thì hậu quả người tiêu dùng lãnh đủ.

Là người tiêu dùng yêu thích nhiều loại thực phẩm “handmade”, song chị Nguyễn Vân Anh, chung cư Tecco Thanh Hóa, chia sẻ: "Lo lắng trước những thông tin về thực phẩm nhiễm độc, chứa chất bảo quản… kể cả với những sản phẩm thuộc thương hiệu lớn, tôi và nhiều bạn bè đã chọn mua thực phẩm qua mạng, với nguồn gốc “sạch, nhà tự làm”. Nhưng nói thật, thực phẩm “handmade” nghe sơ qua thì có thể yên tâm, vì hầu hết là mua của người quen, tin tưởng nhau về chất lượng. Trên thực tế, tôi chưa lần nào bị ảnh hưởng sức khỏe vì thực phẩm mất an toàn, nhưng nếu họ sản xuất với số lượng lớn để bán đại trà thì khâu chế biến chưa chắc đã sạch sẽ, an toàn. Nguyên liệu họ khẳng định chuẩn nhưng mình cũng không kiểm chứng được. Đặc biệt, nếu có vấn đề gì xảy ra thì người mua không đủ căn cứ để đòi quyền lợi".

Hiện nay, khá phổ biến tình trạng người bán cũng là mối buôn trung gian, nhập hàng từ các chợ đầu mối về bán nhưng bóc mác và nhận tự làm để lấy lòng tin của người mua. Do vậy, người tiêu dùng trước khi mua cần kiểm định thông tin, chịu khó đến tận cơ sở sản xuất, không để chủ hàng lừa nhằm tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi dịp tết đang đến gần.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Hải, Viện dinh dưỡng quốc gia, lưu ý: “Nhiều mặt hàng thực phẩm được bán online là những sản phẩm được chế biến tại hộ gia đình và đây cũng có thể là nguồn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Bởi, thực phẩm phải được chế biến, bảo quản đúng quy định thì mới tránh được ngộ độc, nhưng nhiều hộ chế biến thực phẩm không đủ trang thiết bị để bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng... Đó là chưa kể nhiều loại rau, củ, quả được cho là sạch, nhưng chúng ta chưa biết rõ nguồn gốc. Liệu sản phẩm không có thuốc sâu, không chất bảo quản ấy có gì chứng thực. Vì thế, nếu cứ mua, rồi vô tư sử dụng như hiện nay rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Chúng ta nên thay đổi tư duy mua sắm, nên hướng đến những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ và có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]