(Baothanhhoa.vn) - Ngày 5-10-2019 - một ngày đầy ý nghĩa và hạnh phúc đối với những cư dân người Lào khi được nhận quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho nhập quốc tịch Việt Nam sau nhiều năm sống di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa 2 nước và hiện đang cư trú tại 2 huyện Quan Sơn và Mường Lát.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Niềm vui khôn xiết khi được công nhận là công dân Việt Nam

Ngày 5-10-2019 - một ngày đầy ý nghĩa và hạnh phúc đối với những cư dân người Lào khi được nhận quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho nhập quốc tịch Việt Nam sau nhiều năm sống di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa 2 nước và hiện đang cư trú tại 2 huyện Quan Sơn và Mường Lát.

Niềm vui khôn xiết khi được công nhận là công dân Việt Nam

Ông Hơn Văn Súa phấn khởi cầm trong tay quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh: Tiến Đông

Ngay từ tờ mờ sáng, mặc dù chưa đến giờ tổ chức trao quyết định cho nhập quốc tịch nhưng rất đông bà con đã tập trung đầy đủ tại UBND huyện Mường Lát. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người dân. Ông Hơn Văn Súa, sinh năm 1953, ở bản Khằm Nàng, cụm Nằm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào) hiện đang cư trú và sinh sống ở bản Mùa Xuân, xã Xuân Thủy (Quan Sơn) cầm trên tay quyết định cho phép nhập quốc tịch Việt Nam và giấy khai sinh mang tên mình, bày tỏ: “Mình là người dân tộc Mông (Lào) di cư tự do sang Việt Nam lấy vợ và sinh sống đã lâu, tuy nhiên mình không có quốc tịch Việt Nam và không có giấy khai sinh nên gặp rất nhiều khó khăn. Giờ đây, sau mấy chục năm chờ đợi, nhận quyết định được nhập quốc tịch Việt Nam, được cấp giấy khai sinh, mình cảm giác như được sinh ra lần thứ 2, vui lắm vì từ nay mình là người Việt Nam rồi, con cháu mình sẽ có giấy khai sinh, làm được hộ khẩu, chứng minh nhân dân, mình không còn lo nữa, cảm ơn Nhà nước Việt Nam nhiều lắm”.

Niềm vui khôn xiết khi được công nhận là công dân Việt Nam

Chị Lý Pa Dế và chồng là anh Thao Khua Ly.

Nâng niu tờ giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam trong tay, niềm hạnh phúc cũng thể hiện rõ trên khuôn mặt chị Lý Pa Dế, sinh năm 1994 và chồng là anh Thao Khua Ly, sinh năm 1981, hiện trú tại bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn (Mường Lát). Chị Dế chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở bản Pưng, Huổi Hiền, Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào), năm 2012 tôi lấy anh Ly làm chồng rồi về Việt Nam ở. Hơn 7 năm về làm dâu, tôi được chồng và mọi người trong gia đình cũng như bà con trong bản thương yêu, quý mến, nhưng vẫn không đăng ký kết hôn được. Hai con sinh ra cũng chưa làm được giấy khai sinh, khi con đầu đến tuổi đi học, đi khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn do tôi vẫn mang quốc tịch Lào. Cùng với việc không có quốc tịch, tôi cũng chưa được nhập hộ khẩu vào nhà chồng, vì vậy tôi cũng không được cấp thẻ bảo hiểm y tế hay các giấy tờ tùy thân khác. Khi nghe tin mình được nhập quốc tịch Việt Nam, bà con trong gia đình, trong bản đến chúc mừng, chung vui. Vui hơn nữa là được các cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn làm các thủ tục, như: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn... và các thủ tục hộ tịch khác cho gia đình.

Niềm vui khôn xiết khi được công nhận là công dân Việt Nam

Cán bộ Sở Tư pháp Thanh Hóa hướng dẫn bà con làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam.

Cũng như ông Súa, chị Dế, chị Hơ Thị Pa, sinh năm 1980, ở bản Mùa Xuân, xã Xuân Thủy, huyện Quan Sơn, được nhập quốc tịch lần này nghẹn ngào bày tỏ: “Cảm ơn hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào; cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa và 2 huyện Mường Lát, Quan Sơn đã tạo mọi điều kiện để bà con người Lào đang cư trú tại Thanh Hóa được nhập quốc tịch Việt Nam. Bởi, với những người gốc Lào sinh sống di cư tự do trên đất Quan Sơn, Mường Lát và những công dân Lào lấy vợ, lấy chồng người Việt Nam từ nhiều năm nay, việc được nhập quốc tịch Việt Nam là cả một niềm vui lớn. Niềm vui ấy càng trở nên ý nghĩa đối với con cháu chúng tôi khi được khai sinh, được hưởng các chế độ, chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước”.

Theo ông Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp: Thanh Hóa có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào) với chiều dài 192 km; mặc dù đời sống vật chất và tinh thần của đa số đồng bào hai bên biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng từ lâu đã có mối quan hệ thân tộc gần gũi, tắt lửa tối đèn có nhau và gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trong những năm gần đây, di cư nói chung và di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam - Lào nói riêng đang là vấn đề hết sức phức tạp, tác động không nhỏ đến ổn định an ninh biên giới và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới của hai nước. Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa 2 nước; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 20-3-2014 thành lập Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa với sự tham gia của đại diện các sở: Tư pháp, Ngoại vụ, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và UBND huyện Mường Lát, Quan Sơn.

Niềm vui khôn xiết khi được công nhận là công dân Việt Nam

Niềm vui khi được nhập quốc tịch Việt Nam.

Theo đó, tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Hủa Phăn (Lào) đã tiến hành 16 cuộc điều tra đơn phương, 6 cuộc họp đối chiếu hồ sơ danh sách song phương và kết quả phối hợp điều tra, xác minh giữa tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Hủa Phăn (Lào) có 57 trường hợp người di cư tự do, kết hôn không giá thú từ tỉnh Hủa Phăn (Lào) qua cư trú tại 2 huyện Mường Lát, Quan Sơn. Ngoài ra, các đơn vị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác thu thập tài liệu, điều tra thông tin cá nhân người Lào sinh sống trên địa bàn để có số liệu chính xác. Phòng Tư pháp 2 huyện Quan Sơn, Mường Lát và chính quyền các xã thực hiện việc lập danh sách những người Lào sinh sống trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND huyện Quan Sơn, Mường Lát đã tổ chức đoàn công tác lưu động đến UBND các xã có người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú để hướng dẫn, hỗ trợ việc lập và tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Văn Truyền cho biết thêm: Người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam – Lào đã tồn tại nhiều năm nay tại các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào, trong đó có 2 huyện Mường Lát, Quan Sơn. Trải qua nhiều năm cư trú, làm ăn, sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến nay phần lớn các cư dân này đã thực sự hòa nhập với cộng đồng xã hội về nhiều mặt. Tuy nhiên, trước kia chưa được nhập quốc tịch Việt Nam, về mặt pháp lý, họ và con cháu của họ chưa được xác định tư cách công dân một cách đầy đủ. Từ dấu mốc quan trọng này, những ai chưa đăng ký khai sinh sẽ được cấp giấy khai sinh, ai chưa đăng ký kết hôn sẽ được cấp giấy chứng nhận kết hôn. Những công dân mới nhập quốc tịch này sẽ được đăng ký hộ khẩu và cấp các giấy tờ nhân thân, được hưởng các chính sách hỗ trợ và bảo đảm các quyền lợi hợp pháp nhằm từng bước ổn định cuộc sống của mình. Ngoài ra, khi đã được nhập quốc tịch Việt Nam, những gia đình này sẽ là cầu nối làm thắt chặt hơn tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt vốn có của hai bên, nhất là các hoạt động trong gia đình, dòng tộc, để củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình cảm đoàn kết đặc biệt và hợp tác giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn (Lào).

Tiến Đông


Tiến Đông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]