(Baothanhhoa.vn) - Những gương mặt ngơ ngác, vô hồn; những bóng người lặng lẽ hết đi vào rồi đi ra; những tiếng khóc đòi mẹ; những ánh mắt đau đáu, buồn bã khi phải cắt đứt tình thân vì không muốn làm gánh nặng của gia đình... Đó là những gì chúng tôi chứng kiến được ở Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những nỗi đau còn đó

Những gương mặt ngơ ngác, vô hồn; những bóng người lặng lẽ hết đi vào rồi đi ra; những tiếng khóc đòi mẹ; những ánh mắt đau đáu, buồn bã khi phải cắt đứt tình thân vì không muốn làm gánh nặng của gia đình... Đó là những gì chúng tôi chứng kiến được ở Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa.

Mọi sinh hoạt đời thường của thương, bệnh binh ở đây từ tắm gội, giặt giũ, cắt tóc, ăn uống đều do các cán bộ, nhân viên trung tâm lo liệu.

Nằm ở phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn, đây là nơi điều trị và nuôi dưỡng cho hơn 200 thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thân nhân liệt sĩ... trong đó có gần 80 thương, bệnh binh bị tâm thần nặng...

Theo chân các y, bác sĩ xuống tận cùng trong khu điều dưỡng để đến khoa tâm thần. Để vào được đây, chỉ có một con đường duy nhất, một lối đi nhỏ dành cho nhân viên và cán bộ luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Những thương, bệnh binh ở đây, nhiều người thậm chí không nói được, không nhớ mình là ai và không biết tại sao mình lại ở nơi này. Thấy người lạ đến, họ chằm chằm nhìn và chậm chạp bước theo.

10h sáng, cả khu tâm thần nhộn nhịp tiếng gọi của các hộ lý cùng bóng áo xanh của các thương, bệnh binh. Họ tập trung về khu nhà ăn, ngồi vào ghế, mỗi mâm có 5 – 6 người, ăn gọn gàng, trật tự. Nhìn cách họ ăn cũng đủ biết, chỉ là ăn chứ không phải để thưởng thức... Bữa cơm trưa đã xong, những thương binh trở về phòng, giữa không gian yên tĩnh bỗng có tiếng hát cất lên, bài hát về Trường Sơn, rồi về chiến tranh, có lúc lại là những bài dành cho con trẻ...

Họ được sống trong một điều kiện tốt, được sự chăm sóc tận tình, chu đáo, song họ vẫn không thể sống cuộc sống bình thường. Hằn sâu trong tâm trí họ là những năm tháng chiến đấu ác liệt của chiến tranh. Họ phải vật lộn với những cơn đau, gằng xé cả quá khứ và hiện tại. Khi trái gió, trở trời, mọi ký ức lại hiện về dày vò cả thể xác và tinh thần. Những lúc như thế, góc phòng, khoảnh sân nhỏ của trung tâm trở thành chiến trường...

Bên chiếc chân gỗ là một người đàn ông già nua với khuôn mặt buồn bã ngồi thẫn thờ như mong chờ một điều gì đó. Như thấy được sự băn khoăn của chúng tôi, một y tá cho biết, người thương binh ấy là Mai Trọng Bái (sinh năm 1937), quê xã Hoằng Trạch (Hoằng Hóa). Trong ký ức của bác dù có những khoảng nhớ, khoảng quên, nhưng những trận chiến hào hùng ở chiến trường Quảng Trị đầy máu lửa vẫn hiện lên rành rọt. Chính nơi đó đã cướp đi nhiều phần thân thể của bác.

Chiến tranh kết thúc, với thương tật khắp mình bác trở về với hoàn cảnh quá khó khăn, vợ con cũng không đủ điều kiện để chăm sóc nên bác đành phải gắn bó với nơi này trong suốt hơn 30 năm qua.

Một dòng nước trào ra từ đôi mắt sâu hoắm, mờ đục, bác bảo: “Có lẽ, tôi vẫn còn may mắn hơn anh em đồng đội là còn chút tỉnh táo để nhớ về những người mà mình yêu thương. Còn đôi tay để tự chăm sóc cho mình và đôi mắt để cảm nhận một chút ánh sáng... Tôi muốn về nhà nhưng không thể về. Tôi không thể là gánh nặng của vợ con mình thêm nữa, bởi trong 3 đứa con, bà ấy đã phải chăm sóc 2 đứa bị thần kinh là quá đủ rồi”.

Trong một căn phòng khá gọn gàng, ngăn nắp, một người phụ nữ có đôi mắt vô hồn, cứ hết ra lại vào, hết vào lại ra. Bà là Lê Thị Hoa (sinh năm 1957), quê ở xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy). Sau 3 năm trong quân ngũ, bỗng nhiên bà mắc bệnh tâm thần. Mặc dù gia đình cũng như đơn vị đã chạy chữa thuốc thang nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Cứ thế, cuộc đời bà gắn liền với nơi này đã 30 năm.

Ở đây, từ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đến bảo vệ đều cần phải sành tâm lý, giỏi chịu đựng, bởi họ thường phải hứng chịu những cú ra đòn “bất ngờ” mỗi khi lên cơn từ những thương, bệnh binh - những người vốn không còn làm chủ được bản thân mình.

Là một người đã nhiều năm gắn bó với nơi này, bà Lê Thị Nhàn, Phó Khoa Dinh dưỡng, tâm sự: “Những ngày mới vào làm tôi thấy hơi sợ, khi đã quen rồi lại thấy yêu thương và gắn bó. Gần ba mươi năm công tác ở đây, mỗi ngày qua đi lại thấy trân trọng các anh, các chú...”.

Hơn 200 thương, bệnh binh ở đây, mỗi người một số phận, cuộc đời họ không ai giống ai, hầu như họ không còn người thân, còn những người may mắn hơn có gia đình, vợ con nhưng lại quá nghèo, không đủ điều kiện chăm sóc. Những lúc tỉnh táo, người nhà lên thăm còn nhớ, số còn lại hầu hết là các bác, các chú không nhớ gì. Bản thân chị Nhàn cũng như một số các bác sĩ, y tá ở đây đã không ít lần “hứng” những trận đòn của họ sau những lần lên cơn, kích động.

Ông Lương Thế Tập, giám đốc trung tâm, cho biết: “Hầu hết các thương binh này không tự làm được gì, từ việc mắc màn đến tắm giặt, ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân... đều có y tá và hộ lý túc trực 24/24h. Ngoài ra, có khi còn phải bày trò chơi và dạy cách chơi cho họ nữa. Với các thương, bệnh binh tâm thần, các nhân viên ở trung tâm phải đối xử với họ tận tụy như người nhà, thậm chí còn hơn cả người nhà. Những khi các anh tỉnh táo, thấy các anh buồn, chúng tôi thấy nặng lòng”.

Được biết, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa có 215 bệnh nhân với 95 cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động được chia làm 6 phòng, khoa, ban. Trong số 215 người, có 76 người là thương binh, bệnh binh tâm thần; thương binh, bệnh binh tổng hợp 32 người; 1 cán bộ tiền khởi nghĩa; thân nhân liệt sĩ và con lão thành cách mạng 27 người; đối tượng nhiễm chất độc da cam/dioxin 78 người.

Chứng kiến, trò chuyện và tiếp xúc với những cán bộ, nhân viên y tế ở đây, chúng tôi hiểu thêm phần nào công việc đặc biệt này. Họ đã chăm lo cho những bệnh nhân không chỉ bằng trách nhiệm, mà nó là cả tấm lòng để xoa dịu những nỗi đau của chiến tranh. Họ làm việc bằng tình yêu thương, sự kính trọng đối với những người đã hiến dâng cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hơn 40 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau vẫn còn đó!


Bài và ảnh: Lâm Tâm Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]