(Baothanhhoa.vn) - Về với Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, lên Trạm Kiểm lâm Phú Lệ, đóng trên địa bàn xã Phú Lệ (Quan Hóa) để kể tiếp câu chuyện còn dang dở về những người lính kiểm lâm đang ngày đêm căng mình bám rừng, bảo vệ tài nguyên xanh cho thế hệ mai sau, là một trải nghiệm mà tôi không thể nào quên...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người lính giữ rừng

Về với Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, lên Trạm Kiểm lâm Phú Lệ, đóng trên địa bàn xã Phú Lệ (Quan Hóa) để kể tiếp câu chuyện còn dang dở về những người lính kiểm lâm đang ngày đêm căng mình bám rừng, bảo vệ tài nguyên xanh cho thế hệ mai sau, là một trải nghiệm mà tôi không thể nào quên...

Những người lính giữ rừng

Anh Khoa (bên phải) trong một chuyến tuần rừng.

Sau mấy lần lỡ hẹn, mãi đến đầu tháng 4, tôi mới có dịp trở lại Quan Hóa - huyện miền núi cao của tỉnh, để thêm một lần nữa kể tiếp câu chuyện về những kiểm lâm viên. Chàng thanh niên với vóc dáng cao, gầy, da ngăm đen, tên Tào Văn Khoa, 31 tuổi, được giao nhiệm vụ đón tôi lên Trạm Kiểm lâm Phú Lệ. Trạm trực thuộc Khu BTTN Pù Luông, được giao quản lý, bảo vệ 8 tiểu khu: 27, 30, 41, 52, 53, 65, 74, 84 thuộc 2 xã: Phú Xuân và Phú Lệ, với tổng diện tích lên đến 2.762,12 ha. Cả trạm chỉ vẻn vẹn có 3 cán bộ, ngoài anh Khoa còn có trạm trưởng Hà Văn Đặng, xã Trí Nang (Lang Chánh) và anh Lương Văn Thạch, xã Thành Lâm (Bá Thước) - tương đương mỗi cán bộ quản lý gần 1.000 ha rừng.

Trên chiếc xe mô-tô đời cũ, anh Khoa vít ga cật lực đưa tôi vượt qua từng con dốc cao, nằm vắt vẻo quanh sườn núi. Con đường trải nhựa càng ngược lên xã Phú Lệ càng vắng teo trong cái nắng ong ong vàng vọt đầu hè. Ngồi sau chiếc xe của anh Khoa, tầm mắt tôi bị giới hạn bởi hai bên đường là bức tường xanh được kiến tạo bằng cây bụi, dây leo nhằng nhịt. Gió thổi lồng lộng. Tiếng lá rừng rơi xào xạc. Tiếng râm ran của ve sầu gọi hè. Tiếng lũ chim tìm nhau líu lo hoài không nghỉ. Những thanh âm quen thuộc đã ăn sâu vào tiềm thức của anh lính kiểm lâm trẻ. “Hơn 7 năm rồi còn gì? Nhanh thật. Thấm thoát...!” - Khoa mỉm cười, khẽ ngoái đầu nhìn tôi nói, rồi lại bâng quơ nghĩ. Một nỗi niềm khó nói thành lời dâng trào trong khóe mắt cay xè của anh. Núi rừng Pù Luông với anh Khoa chẳng khác nào người bạn tri kỷ! Thật vậy, học đại học lâm nghiệp ra trường, anh chẳng mơ có một công việc nhẹ nhàng bàn giấy hay tu chí để làm chức này chức khác, mà chỉ mong được làm nghề giữ rừng như bao thế hệ kiểm lâm đi trước... Để rồi duyên số đưa anh về và gắn chặt với núi rừng Pù Luông từ thuở ra trường đến giờ. “Núi rừng đại ngàn này đã nuôi dưỡng, chở che và cho người dân bản cuộc sống yên bình. Tôi chỉ muốn ở đây bảo vệ rừng, muốn giữ cho “người bạn” của mình mãi xanh như thế này thôi, cậu ạ!”. Từng lời, từng câu nói của anh Khoa khiến tôi không khỏi hổ thẹn với lòng khi trong suốt quãng đường từ TP Thanh Hóa lên với các anh, tôi đã có bao nhiêu lần than mệt, kêu khổ, bao nhiêu lần có ý định muốn chùn bước đòi bỏ cuộc...

Chiếc xe máy chầm chậm tiến lên, câu chuyện của tôi và anh Khoa cứ tiếp mãi, những mẩu chuyện không đầu không cuối, hòa lẫn trong tiếng vọng vi vu của bạt ngàn núi rừng. Khoa bảo, hồi mới vào nghề, những đêm trực ngồi một mình, nhìn bốn bề tối đen, chỉ có tiếng rừng, anh buồn muốn khóc, trong đầu đã thoáng có ý bỏ nghề. Nhưng người trẻ nào chẳng nung nấu khát vọng cống hiến và mong ước cháy bỏng được thử thách mình, thế là anh kiên nhẫn ở lại với rừng. Hóa ra anh chàng kiểm lâm có tướng cao ráo “chuẩn Men” đã gần mười năm lặn lội trên các cánh rừng thâm u, chịu đựng những cơn sốt rét rừng run cầm cập, cũng có những phút giây yếu lòng đến vậy.

Trời nhá nhem tối, anh Khoa và tôi mới kịp đặt chân tới trạm. Anh dẫn tôi đi tham quan một vòng trạm trước khi trời tối hẳn. Một ngôi nhà 4 gian với 3 phòng ngủ và 1 phòng khách. Cả trạm chẳng có gì đặc biệt, tài sản cũng không. Nhìn trước ngó sau chắc cũng lọt vào chiếc ti vi cũ kĩ, bám đầy mạng nhện được đặt trong góc của phòng khách. Một bình ắc quy được nạp đầy điện lấy từ năng lượng mặt trời cũng chỉ đủ thắp sáng ba bóng đèn điện nhỏ, “nhỏ” đến mức phải sát lại mới nhìn rõ mặt nhau. Những chiếc ống nhựa được thiết kế dẫn nước mưa từ mái trần của trạm, thậm chí là mái nhà tắm, vệ sinh vào bể chứa. Nhưng đâu phải lúc nào trời cũng mưa, đến mùa khô, trời hết nước lại phải thay nhau đi ra suối xách về. Cuộc sống như vậy của ba người đàn ông hai thế hệ cứ lặng lẽ trôi đi giữa bạt ngàn thâm u của núi rừng Pù Luông.

Mâm cơm buổi tối được dọn ra với món “nhộng rừng”. Những ngày bình thường, ba anh em đều trường kỳ với mì tôm, cá khô. Hôm nào bà con làm thịt lợn, hai anh mới được cải thiện bữa ăn. Lý do thì nhiều nhưng cuối cùng vẫn chỉ là đường xa và không có tiền. “Hôm nay có nhà báo lên chơi chẳng nhẽ lại để nhà báo ăn cá khô với anh em thì khó coi. “Bàn bạc” mãi cuối cùng hai anh em thống nhất “đãi” nhà báo món nhộng. Nhộng trên đây ăn ngon lắm, chúng nó chỉ ăn lá cây nên giòn, chắc lại không ngậy như nhộng miền xuôi” - anh Khoa cười giòn.

Tôi vừa thưởng thức ngon lành những món ăn của “núi rừng” vừa hỏi các anh trong trạm về sự quan tâm dành cho gia đình. Không khí bữa cơm chợt chùng xuống, mãi sau anh Thạch mới thở dài bộc bạch: Mỗi tháng chúng tôi được nghỉ sáu ngày thì phải căn ke làm sao để chu toàn mọi mối quan hệ từ gia đình, bạn bè đến xã hội. Đi đi về về cũng phải mấy trăm cây số. Số tiền lương ít ỏi chưa đầy 4 triệu đồng/tháng, có lẽ vừa đủ tiền ăn, tiền xăng xe đi lại, chắt chiu lắm thì mua được cho mẹ già, vợ con ít quà cho họ đỡ tủi. Bây giờ đường sá đỡ rồi chứ trước kia thì gian nan lắm. Chẳng nói gì to tát, chỉ cần muốn về Ban Quản lý khu BTTN Pù Luông họp, chúng tôi phải cởi quần áo ngoài cho vào túi nilon, chạy tuốt ra trạm gác ngoài bìa rừng, lấy nước dội sơ cho đỡ bùn đất rồi lại mặc quần áo vào. Bữa nọ có hai nữ một nam, từ TP Hà Nội về định mở tuyến du lịch dã ngoại. Mới đi thám sát, khi trở ra cô khách nữ ngồi khóc sụt sùi, sợ vắt đến nỗi nhất định bỏ cuộc.

Tôi im lặng, chợt thấy lòng hỗn độn. Từ hôm qua, tôi thấy các trạm kiểm lâm tuyệt nhiên không một bóng hồng, rõ ràng là công việc giữ rừng nơi “thâm sơn cùng cốc” quá nặng nề, nguy hiểm đối với phụ nữ. Sống giữa rừng sâu núi thẳm, xa bè bạn, xa người thân, chịu đựng sự đơn điệu, nhàm chán, thử thách ấy chẳng kém gì ăn đói mặc rét. Vậy mà bao năm qua, các anh kiểm lâm đã sống và làm việc như thế, có mấy ai biết được sự hy sinh lặng thầm của họ. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy như mình mang một món nợ khó trả với anh em vì sự vô tâm của mình.

Trạm trưởng Hà Văn Đặng vội xua tan không khí trầm lắng với kỷ niệm về những chuyến tuần rừng: “Tuần rừng ở trong Khu BTTN Pù Luông gặp muôn vàn khó khăn. Bởi đặc thù núi rừng Pù Luông thuộc kiểu rừng mọc trên núi đá vôi nên đường lên toàn dốc đá, sau mưa lại càng trơn trượt chỉ cần xẩy chân là hậu quả khôn lường. Nhẹ thì trầy xước, bong gân còn nặng có thể lăn xuống phía dưới, gãy tay, chân, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”. Nhưng đó chưa phải là tất cả, đây chỉ là mở đầu cho những gian khổ với nghề của những người lính kiểm lâm. “Cảm giác kinh khủng nhất là cơ thể bị ngứa vì dính phải lá nán, người địa phương còn gọi là lá han. Khi chạm vào lá, cả cơ thể sẽ bị phát ngứa, lở loét và buốt thấu da thịt. Cái cảm giác đó chúng tôi phải “thấm” suốt mấy ngày sau mỗi chuyến đi tuần rừng mới đỡ. Rồi cả việc phải đối mặt với những kẻ phá rừng. Chúng liều lĩnh, ranh ma và sẵn sàng đổ máu để đạt được mục đích. Tất cả chúng tôi chắc ai cũng đã có lần suýt chết vì bị các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tấn công” - anh Khoa tiếp lời.

Sáng hôm sau, trước khi chia tay núi rừng Pù Luông, tôi đọc lướt qua tập tài liệu mà trạm trưởng Đặng trao tay tối qua, những đa dạng sinh học mà Khu BTTN Pù Luông có được cho đến ngày hôm nay: “Pù Luông còn được biết đến là vùng sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao còn lại duy nhất trên vùng đất thấp miền Bắc Việt Nam. Pù Luông được đánh giá là khu BTTN có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái. Cùng với Pù Hu, rừng ở khu vực Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã của tỉnh Thanh Hóa. Không những thế, Pù Luông còn là nơi sinh tồn của hơn 1.540 loài thực vật và hơn 900 loài động vật. Trong đó, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ thế giới, như: Thông Pà Cò, nghiến, lai hàn, kim tuyến đá vôi, voọc xám, báo gấm, sơn dương, gấu đen châu Á...”. Rừng Pù Luông đa dạng sinh học, ngoài cảm ơn sự hào phóng ban đãi của thiên nhiên dành cho đất và người xứ Thanh, chúng ta cũng nên nhắc nhớ đến những chàng lính kiểm lâm như anh Khoa, anh Đặng, anh Thạch, anh Duy... Cảm ơn các anh, những “cánh chim rừng” không mỏi, bởi luôn một lòng cháy bỏng với núi rừng Pù Luông, hiểm nguy, gian khó vẫn nặng nghĩa, kiên gan, bền chí với nghề.

Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông có tổng cộng 33 cán bộ gồm 17 công chức, 3 viên chức và 13 lao động hợp đồng. Tuy nhiên số cán bộ trực thuộc văn phòng đã lên tới 18, số cán bộ kiểm lâm trực tiếp bám rừng, bảo vệ rừng chỉ vẻn vẹn 15 người. Trong khi đó, Khu BTTN Pù Luông có tổng diện tích là 17.171,03 ha. Phép tính cơ bản cũng cho ra một con số: Trung bình mỗi một cán bộ kiểm lâm trong khu bảo tồn sẽ phải quản lý hơn 1.000 ha rừng. Theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP, ngày 24-12-2010 về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì một kiểm lâm chỉ phải quản lý tối đa 500 ha rừng. Dãy số liệu khô khan nhưng cũng đủ khắc họa lên những vất vả, hy sinh của những con người đang ngày đêm căng mình vượt khó bám rừng này.

Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]