(Baothanhhoa.vn) - Trong lúc nhà nhà, người người hối hả, rộn ràng mua sắm tết thì vẫn có những mảnh đời phải “nai lưng” mưu sinh vất vả trong những ngày cuối năm cũng chỉ với mục đích lo cho gia đình, con cái mình một cái tết dù chưa thực sự sung túc nhưng cũng đủ ấm cúng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những mảnh đời mưu sinh ngày giáp tết

Trong lúc nhà nhà, người người hối hả, rộn ràng mua sắm tết thì vẫn có những mảnh đời phải “nai lưng” mưu sinh vất vả trong những ngày cuối năm cũng chỉ với mục đích lo cho gia đình, con cái mình một cái tết dù chưa thực sự sung túc nhưng cũng đủ ấm cúng.

Những mảnh đời mưu sinh ngày giáp tết

Người chở cây cảnh thuê có thu nhập khá trong những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Quảng trường Lam Sơn những ngày giáp tết, len lỏi trong dòng người đang đi mua sắm đào, quất, hoa, cây cảnh... anh Lê Văn Tuấn (quê ở Triệu Sơn) dắt chiếc xe máy cũ, trên yên xe đã được buộc sẵn 1 cái giá gỗ chắc chắn. Đảo đi, đảo lại 2 vòng, anh Tuấn mới được 1 người thuê chở 1 chậu quất về nhà. Dù tết nhưng anh Tuấn cũng chỉ kiếm được 50.000 đồng cho quãng đường gần 4 km chở chậu quất về nhà cho khách. Với bình quân chưa được chục “cuốc” mỗi ngày và cũng khá vất vả khi gặp trời mưa rét song vì miếng cơm, manh áo, anh Tuấn vẫn phải làm công việc mà anh đã gắn bó dăm bảy năm nay vào mỗi dịp tết. Thu nhập có cao hơn nghề phụ hồ của anh nhưng cũng chưa được cải thiện đáng kể do vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt đến từ những “đồng nghiệp” khác. Anh cho biết: “Tôi thuê nhà giá rẻ ở TP Thanh Hóa, tranh thủ làm nghề chở thuê cây cảnh, thậm chí chạy cả xe ôm, miễn sao có thêm chút tiền lo tết cho gia đình, nhất là hai con nhỏ. Phải đến chiều 30 tết tôi mới kết thúc công việc làm sao để kịp về làm cơm tất niên cúng gia tiên”.

Xen lẫn trong chợ hoa, cây cảnh, hàng hóa tết lớn nhất TP Thanh Hóa vẫn có nhiều mảnh đời mưu sinh còn vất vả, khó khăn hơn anh Tuấn. Chị Vân (quê Tĩnh Gia) làm nghề nhặt ve chai, đồng nát vẫn cần cù với công việc của mình cùng chiếc bì tải vác trên vai. Tất cả đồ đồng nát, vỏ lon nước ngọt, vỏ chai nước khoáng... được thu lượm, sẽ được chị Vân chuyển về nhập cho điểm thu mua và nhận về những đồng tiền ít ỏi để lo tết cho gia đình. Cũng may cho chị Vân, những ngày giáp tết chị thu lượm được khối lượng lớn hơn ngày thường và điểm thu mua phế liệu đến chiều 30 tết vẫn nhập hàng đợt cuối.

Đã hơn chục năm nay, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị H. (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) lại tất bật với công việc làm thịt gà cho khách. Là công nhân đã về mất sức, tuổi cũng đã cao, trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn với 3 đứa con ăn học. Chị H. làm đủ thứ nghề khác nhau nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập thấp. Nghề làm thịt gà đã gắn với chị hơn chục năm qua kể từ khi đi làm phụ giúp cho một lò mổ. Dần dần chị tách ra làm riêng, tìm được một chỗ thích hợp trong chợ phường. Tết Nguyên đán được xem là vụ mùa làm ăn của chị. Từ 23 tháng chạp cho tới ngày 30 tết, chị H. gần như hoạt động hết công suất. Bình quân 1 ngày, chị H. đều làm được trên dưới 100 con gà, vịt, ngan các loại.

Việc mưu sinh kiếm miếng cơm manh áo trong những ngày giáp tết mưa rét không còn là chuyện xa lạ. Đặc biệt vào những tháng cuối năm, nhiều người lao động vẫn bám sát góc phố, ngõ chợ để kiếm thêm thu nhập cho tết này. Cùng cảnh xa quê xuống thành phố kiếm sống, chị Trần Thị Hiền (quê Vĩnh Lộc) cùng 4 chị em khác thuê một căn phòng trọ rộng chừng 15m2. Mỗi chị em có hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng chung mục đích kiếm thêm thu nhập, gửi về cho gia đình. Sáng nào cũng dậy sớm, chị Hiền lại đến các gia đình lau dọn nhà cửa. Ngày nhiều cũng được 300.000 - 400.000 đồng, nhưng cũng có ngày không có việc đành về không. Trong những ngày lạnh buốt, chị Hiền nghẹn ngào: “Trời lạnh như này lao động chân tay như chúng tôi vất vả lắm. Nhúng vào nước lạnh buốt, xách xô nước đi lau từng bậc thang, hành lang, có mệt mấy cũng phải gắng chịu. Vì mình còn con nhỏ ở quê, làm việc tất cả vì con cái, gia đình”. Cùng dãy nhà trọ với chị Hiền, hai vợ chồng anh chị Thăng – Nguyệt (quê Thường Xuân) ngày ngày đi khắp TP Thanh Hóa tìm gia đình có nhu cầu sơn cửa, đánh bóng. Tết Nguyên đán được xem là “mùa vụ” làm ăn cao điểm của hai vợ chồng Thăng – Nguyệt với thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/ngày.

Dạo qua mỗi góc phố, con đường, bên cạnh những sắc màu rực rỡ của một mùa xuân mới, chúng ta vẫn có thể bắt gặp từ những em nhỏ bán tăm, bán kẹo, những người bán bóng bay, kẹo bông, đồ ăn vặt, người làm nghề bốc vác cho đến cụ già bán vé số dạo,... những người lao động tự do miệt mài làm việc không quản thời tiết khắc nghiệt, mưa rét... Tất cả đều mong muốn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, họ chưa chắc đã được đón những ngày tết trọn vẹn nhưng chính họ lại tô điểm cho sắc màu ngày xuân thêm đẹp hơn.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]