(Baothanhhoa.vn) - Không thể phủ nhận hiệu quả và tầm quan trọng của công tác XKLĐ đối với sự phát triển của nhiều địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện có hậu, vẫn còn tồn tại không ít câu chuyện ảm đạm mà khi “bình tâm” suy xét lại, cái được nhiều và cái mất cũng không ít.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những gam màu “sáng” - “tối” trong xuất khẩu lao động

Không thể phủ nhận hiệu quả và tầm quan trọng của công tác XKLĐ đối với sự phát triển của nhiều địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện có hậu, vẫn còn tồn tại không ít câu chuyện ảm đạm mà khi “bình tâm” suy xét lại, cái được nhiều và cái mất cũng không ít.

Những gam màu “sáng” - “tối” trong xuất khẩu lao động

Xã Đông Khê (Đông Sơn) là một trong những địa phương có số người tham gia xuất khẩu lao động đông nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

Những gam màu sáng...

Theo số liệu thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, trung bình mỗi năm Thanh Hóa có khoảng 10.000 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Như vậy, tính trong 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh có gần 50.000 người đi XKLĐ, tập trung ở các thị trường như: Đài Loan, Malaysia, A-rập Xê-út, Nhật Bản... Với nguồn thu hàng trăm triệu USD, những năm qua XKLĐ không chỉ mở hướng thoát nghèo bền vững mà qua đó còn giúp hàng nghìn hộ dân vươn lên làm giàu, ổn định sinh kế, góp phần đổi mới diện mạo nhiều vùng quê.

Xác định công tác XKLĐ là một trong những giải pháp quan trọng trong chương trình giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là một chỉ tiêu đánh giá bình xét thi đua, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương như Yên Định, Đông Sơn, Như Xuân, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa... đã thực sự vào cuộc trong công tác vận động quần chúng; đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người đi lao động, tạo điều kiện để họ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, có đơn hàng tốt về tuyển chọn lao động đưa đi XKLĐ; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, góp phần ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực, cò mồi, thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hoạt động XKLĐ.

Để đẩy mạnh công tác XKLĐ, tỉnh đã có nhiều chính sách “mở” nhằm khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó phải kể đến Quyết định số 2642/QĐ-UBND ngày 10-8-2009 của UBND tỉnh, quy định mức hỗ trợ cho cả người lao động và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng thực hiện hiệu quả nhiều đề án, dự án khuyến khích XKLĐ, như đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020; dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Để đạt được mục tiêu mỗi năm đưa khoảng 10.000 lao động đi XKLĐ, theo ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), vai trò của chính quyền cơ sở là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả của công tác XKLĐ, các địa phương cần tổ chức được các đợt tham vấn cho cán bộ phụ trách công tác XKLĐ nhằm giải đáp những thắc mắc của người lao động về cơ chế, chính sách và thông tin về thị trường XKLĐ. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan chủ quản, ngành sẽ chủ động tìm kiếm, giới thiệu các doanh nghiệp XKLĐ uy tín để người lao động lựa chọn; công khai mức chi phí đi một số nước, vùng lãnh thổ để người dân biết.

... còn những góc tối

Không thể phủ nhận hiệu quả và tầm quan trọng của công tác XKLĐ đối với sự phát triển của nhiều địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện có hậu, vẫn còn tồn tại không ít câu chuyện ảm đạm mà khi “bình tâm” suy xét lại, cái được nhiều và cái mất cũng không ít.

Gần 20 năm nay, xã Đông Khê (Đông Sơn) vốn được biết đến như một “trung tâm” XKLĐ của Thanh Hóa. Theo thống kê, cả xã hiện có khoảng 1.000 người đi XKLĐ, chủ yếu làm việc tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... Nguồn thu từ XKLĐ đem lại cho người dân địa phương là rất lớn, ước tính mỗi năm khoảng 70 tỷ đồng. Thấy được hiệu quả của XKLĐ, người dân đua nhau đi. Người đi trước dẫn dắt người đi sau. Khi có vốn người dân dành mua đất, xây nhà, gửi ngân hàng, một số ít đầu tư kinh doanh, buôn bán dịch vụ. Thôn nào cũng có nhà cao tầng san sát như phố. Chỉ có điều, sống bên trong những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi ấy thường chỉ có người già và trẻ nhỏ.

Ít có đêm nào bà Lê Thị Uyên ở thôn 9 có được giấc ngủ ngon. Đứa cháu nội mới 6 tháng tuổi bị dứt hơi mẹ quấy khóc nhiều hơn. Nhớ lại cảnh cô con dâu bịn rịn ôm ấp con gái vừa tròn 2 tháng tuổi trước lúc chia tay để quay lại Hàn Quốc làm việc, bà không giấu nổi nước mắt. Giờ ngồi ôm con trẻ, cười đấy nhưng không mấy ai biết lòng người mẹ này đang quặn thắt. “Thôi thì cũng vất vả nhưng vì tương lai của con cái nên ông bà cam chịu hết”, bà Uyên chia sẻ. Cùng cảnh già, chỉ khác là cụ bà Lê Thị Đình ở thôn 7 cũng chỉ sống một mình, thỉnh thoảng 2 đứa cháu ngoại mới ghé thăm. 9 người con của bà, từ trai, gái, dâu, rể và cháu đều đi XKLĐ cả. Khi được hỏi về hoàn cảnh, bà Đình sụt sùi: Tiền bạc các con gửi về đầy đủ nhưng thân già hiu quạnh lắm, nhất là những ngày tết nhà láng giềng có con cháu đến chúc tết, cười nói rôm rả, nhìn lại nhà mình các con tôi đều nơi đất khách. Đêm giao thừa mấy bà cháu chuyền nhau chiếc tai nghe, mắt không rời màn hình vi tính nói chuyện với các con, nhiều hôm cả bố mẹ và các con đều khóc nức nở.

Có thể nói, đối với nhiều gia đình có người đi lao động nước ngoài, chuyện cái ăn, cái mặc hàng ngày cho con trẻ hay cha mẹ già không còn là việc đáng lo, song nuôi dạy, chăm sóc ra sao để con em nên người, hay báo hiếu ra sao để cha mẹ không buồn tủi, cô quạnh - mới là mối lo. Đời sống tình cảm, tinh thần của những đứa trẻ sẽ ít nhiều khiếm khuyết khi buộc phải sớm rời xa vòng tay của bố, mẹ. Những ngôi nhà to cao, đẹp đẽ nhưng lạnh lẽo, thiếu hơi ấm gia đình, người thân ấy liệu có đem lại hạnh phúc đích thực cho những người đang sống trong đó!?

Đi XKLĐ với mong muốn tốt đẹp là đổi đời, là ấm no, hạnh phúc. Song, có không ít gia đình rạn vỡ cũng do XKLĐ. Cũng có nhiều thanh niên đi XKLĐ từ khi còn quá trẻ, cả hiểu biết và nhận thức đều kém, lại mải chơi nên sa đà vào các tệ nạn xã hội, bị chủ sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng sớm, bị trục xuất về nước. Nhiều gia đình vì thế mà ngập trong nợ nần, túng quẫn, bế tắc. Ngược lại, không ít người trở về đã không thể tái hòa nhập cộng đồng, bởi họ đã quen với công việc có thu nhập cao. Một bộ phận nhỏ trong số những thanh niên tiếp tục tái thất nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều người đi XKLĐ trở về chưa xác định được sẽ làm gì, làm như thế nào để tạo ra sinh kế bền vững, ổn định cuộc sống lâu dài, mà thay vào đó thường chỉ thích đầu tư đất đai, xây nhà to, mua xe đẹp để “trưng” với thiên hạ. Với “phông” văn hóa thấp, nhiều người tham gia XKLĐ khi trở về đã “nhiễm” luôn lối sống lai căng, tây – ta lẫn lộn, đòi hỏi hưởng thụ... trái với văn hóa và các giá trị đạo đức và lối sống người Việt. Những làng quê, bên ngoài tưởng chừng vẫn bình yên dưới những nếp nhà mới, thì bên trong nó là tệ cờ bạc, rượu chè, hút xách... đang phát sinh, phát tác...

Những hệ lụy trên đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền các địa phương nên chăng cần nhìn nhận lại, đánh giá lại hiệu quả công tác XKLĐ một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn!?

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài Và Ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]