(Baothanhhoa.vn) - Khi tiếng ve kêu râm ran gọi hè cũng là thời điểm những cô, cậu học trò tạm rời xa mái trường để bước vào kỳ nghỉ hè đầy hào hức. Tuy nhiên, có nhiều đứa trẻ thay vì được vui chơi lại phải miệt mài đèn sách, gánh trên vai kỳ vọng lớn lao từ những bậc sinh thành...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những đứa trẻ không có mùa hè

Khi tiếng ve kêu râm ran gọi hè cũng là thời điểm những cô, cậu học trò tạm rời xa mái trường để bước vào kỳ nghỉ hè đầy hào hức. Tuy nhiên, có nhiều đứa trẻ thay vì được vui chơi lại phải miệt mài đèn sách, gánh trên vai kỳ vọng lớn lao từ những bậc sinh thành...

Được vừa học vừa chơi chính là môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ.

Khi con trẻ phải “chở” ước mơ của bố mẹ

“Mùa hè mà sáng nào mẹ cũng dúi vào tay em nào sữa, nào bánh để ăn để nhanh chóng đến buổi học thêm. Mà em thì chán ngán chẳng nuốt nổi!. Em thèm được ở nhà, đọc truyện và được chơi với lũ bạn hàng xóm. Lúc sắp hết năm học, mẹ có hứa với em, rằng nếu điểm thi đạt kết quả cao sẽ cho đi tắm biển, về quê nội chơi vào hè này. Để hè được đi chơi, tối nào em cũng chong đèn đến khuya ôn bài. Rồi kết quả thi tuy không được cao nhất lớp nhưng điểm số của em cũng được nằm ở top đầu. Vậy mà mẹ chẳng giữ lời hứa, tắm biển chẳng thấy đâu, lịch về quê nội thì cứ lùi dần hết tuần này sang tuần khác. Chỉ thấy mẹ đưa cho em quyển sổ ghi chép lịch học thêm hè dày đặc, cả tối lẫn ngày. Vậy còn gì là mùa hè nữa anh?”. Em Nguyễn Văn Hoàng, 10 tuổi, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) mở đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng những lời chia sẻ như thế. Em nói, tôi là người đầu tiên được em mở lòng. Bố mẹ chẳng bao giờ chịu ngồi lại để lắng nghe em. Với bố mẹ, em chỉ có hai việc quan trọng nhất đó là ăn và học.

Tiếp tục lắng nghe câu chuyện từ em, Hoàng cho biết, vốn là con một, lại sinh ra trong gia đình có điều kiện. Bởi vậy, em trở thành niềm tự hào của cả gia đình. Nhưng, với Hoàng hai chữ “tự hào” lại mang đến nhiều áp lực hơn là hạnh phúc. 2 chữ đầy trách nhiệm đó buộc em phải khoác lên vai hình ảnh của một “thần đồng” trong mắt bố mẹ. Ngay từ nhỏ cuộc sống của em đã được lập trình sẵn để trở thành người giỏi nhất. Những ngôi trường có chất lượng tốt nhất, được bố mẹ lựa chọn cho em. Những buổi học căng thẳng kéo dài hết ở trường đến các lớp học thêm. Những kỳ nghỉ hè với biết bao háo hức cũng dần trở nên xa xỉ. Biết bao lần em mong ước sẽ có một kỳ nghỉ hè bình dị như các bạn cùng trang lứa ở những làng quê. Ở đó, em sẽ được thả ước mơ của mình bay cao theo những cánh diều. Được ngồi lắc lư trên lưng trâu mà ngêu ngao những câu hát đồng dao trong trẻo. Được hồn nhiên tung tẩy chạy theo trái bóng... Tôi hỏi, đạt kết quả học tập cao chắc bố em tự hào về em nhiều lắm? Hoàng cười khẽ. Tôi hỏi, liệu em tìm thấy niềm vui trong chính những điểm số cao đó? Em khẽ lắc đầu, ánh mắt khẽ nhìn xuống, tay run lên... Và tôi, vẫn kiên nhẫn để hỏi em thêm một lần nữa, rằng phải chăng việc học tập của em hiện tại áp lực nhiều hơn niềm vui? Đáp lại tôi là cái gật đầu thật nhẹ. Cái gật đầu đủ cho tôi cảm nhận những kìm nén về cảm xúc mà bấy lâu nay đứa trẻ này đang phải giấu đi.

Câu chuyện của Hoàng không còn là của riêng em. Đó cũng là câu chuyện chung của biết bao đứa trẻ khác. Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn từng ngày phải “cõng” trên vai biết bao ước mơ lớn lao từ bậc sinh thành. Vì sao cha mẹ lại tạo áp lực học tập cho con? Vì sao lại biến những kỳ nghỉ hè của các con thành cuộc chạy đua về kiến thức cho một năm học mới? Lý giải về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đạt, Trưởng bộ môn tham vấn, Khoa tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết: Nguyên nhân của sự kỳ vọng xuất phát từ chính văn hóa của người Việt. Có lẽ, rất nhiều bậc phụ huynh đều coi con cái mình là tài sản, là “của để dành”. Của cải thì phải mỗi ngày một nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ, khoe khoang của người sở hữu. Những đứa con, những món “của để dành” của các ông bố, bà mẹ cũng thế, luôn phải đáp ứng nhu cầu khoe khoang không giới hạn của mẹ cha. Những đứa trẻ không có bất cứ sự lựa chọn nào bởi người ta mặc định rằng chúng biết gì mà lựa chọn, bởi đã bao giờ trong đầu các phụ huynh mất đi ý niệm “dạy dỗ” bọn trẻ đâu.

Trả lại tuổi thơ cho con trẻ

Mấy năm gần đây, sau mỗi năm học kết thúc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đều ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nghỉ hè. Nội dung công văn nghiêm cấm việc các nhà trường tựu trường trái quy định, tổ chức dạy thêm trước chương trình của năm học mới. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện việc học thêm, dạy thêm trong hè đối với học sinh tiểu học. Ông Trịnh Văn Long, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chia sẻ: Lượng kiến thức các cháu đã được nhà trường dạy trong 1 năm như vậy là đủ. Khoảng thời gian hè nên đảm bảo cho các cháu có một kỳ nghỉ hè vui vẻ, bổ ích tại gia đình và địa phương. Không nên biến kỳ nghỉ hè của các cháu thành học kỳ 3 trong năm học. Bởi lẽ, nếu “ép” trẻ học quá nhiều, có nhiều trường hợp sẽ xảy ra tác dụng ngược, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.

Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề khá cấp thiết để “trẻ em có mùa hè” thì các bậc cha mẹ nên lắng nghe suy nghĩ tâm tư của các con nhiều hơn. Thay vì tất bật với công việc chúng ta hãy dành một khoảng thời gian bên con. Tìm hiểu xem các con cần điều gì? Hãy lắng nghe các con chia sẻ nhiều hơn, hãy cho con được quyền lựa chọn đi học hè hay không học. Thay vì ép các con học các môn khoa học thì hãy cho bé học thêm các môn nghệ thuật: Ca hát, hội họa, bơi lội, võ thuật... để bé hòa đồng hơn với các bạn và được làm điều mình muốn. Đồng thời, cha mẹ cũng nên cùng các con đi du lịch, nghỉ mát hay chỉ đơn thuần là một chuyến về thăm quê. Những việc làm này sẽ giúp các con cảm thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn thay vì lúc nào cũng phải “chạy đua với bài vở”...

Trẻ con cần được đến trường, cần được học tập nhưng cũng cần được yêu thương, được quan tâm chăm sóc, được nghỉ ngơi thư giãn. Hãy cho các con có những mùa hè của riêng mình.


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]