(Baothanhhoa.vn) - Năm 1984, khi cựu chiến binh (CCB) Lê Duy Lâm xuất ngũ trở về quê nhà ở thôn 2, xã Thiệu Đô (huyện Thiệu Hóa), trở lại cuộc sống đời thường với rất nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những cựu chiến binh trên mặt trận kinh tế

Năm 1984, khi cựu chiến binh (CCB) Lê Duy Lâm xuất ngũ trở về quê nhà ở thôn 2, xã Thiệu Đô (huyện Thiệu Hóa), trở lại cuộc sống đời thường với rất nhiều khó khăn.

Lãnh đạo CCB huyện Thạch Thành, CCB xã Thành Vân thăm mô hình trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao của CCB Lê Đức Long, thôn Tiên Quang, xã Thành Vân.

Dù cố gắng bươn trải đủ nghề, nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước, hụt sau. Bước ngoặt đến với gia đình ông khi năm 1987, được sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, anh em họ hàng và từ nguồn vốn vay ủy thác 25 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội qua Hội CCB huyện Thiệu Hóa, ông bàn với vợ mở cửa hàng thu mua nông sản của bà con trong vùng. Mặc dù sức khỏe có hạn nhưng ông vẫn khăn gói đi tìm hiểu nguồn hàng ở các địa phương có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tìm hiểu thị trường tiêu thụ. Khi đã tích lũy được lượng vốn kha khá, nắm bắt nhu cầu thị trường, ông đầu tư mở rộng kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường các nước: Trung Quốc, Lào, Thái Lan. Hiện mỗi năm gia đình ông Lâm thu mua - xuất khẩu hơn 1.000 tấn nông sản, đạt doanh thu từ 1-1,5 tỷ đồng, thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Nhằm thay đổi diện mạo quê hương, ông Lâm đang ấp ủ dự định đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng Khu trung tâm thương mại tại xã Thiệu Đô để mở rộng thêm các mặt hàng đầu tư, kinh doanh. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ tạo thêm việc làm cho 6-10 lao động.

Tại thôn Tiên Quang, xã Thành Vân (Thạch Thành), CCB Lê Đức Long được nhiều người biết đến với mô hình trồng bưởi đem lại giá trị kinh tế cao. Cũng như hầu hết những người lính, năm 1985 sau khi xuất ngũ trở về quê nhà – xã Xuân Thành (Thọ Xuân), cuộc sống gia đình ông Long đầy những khó khăn. Với nghị lực của người lính không cam chịu đói nghèo, năm 1995, ông đưa vợ con lên lập nghiệp ở xã Thành Vân (Thạch Thành). Ông đã mạnh dạn nhận 3 ha đất của Nông trường Vân Du trồng cao su để mong sớm ổn định cuộc sống. Năm 2004, được sự tạo điều kiện về đất đai của xã, ông đã bàn với vợ nhận thêm hơn 1 ha đất trồng bưởi da xanh, bưởi đào đường, bưởi diễn. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu các mô hình trồng bưởi trong và ngoài tỉnh; đồng thời làm tốt công tác chăm sóc nên trong khi nhiều hộ trồng bưởi trong vùng lao đao do chất lượng bưởi kém thì bưởi nhà ông không đủ để cung cấp cho khách hàng. Năm 2010, khi cao su rớt giá, ông Long quyết định phá bỏ toàn bộ 3 ha trồng cao su, đầu tư sang trồng bưởi, cam. Sau gần 10 năm gắn bó với cây bưởi, tích lũy đáng kể về kinh nghiệm và vốn, đến nay, gia trại của gia đình ông Long có hơn 800 gốc bưởi. Năm 2017, với 200 gốc bưởi cho thu hoạch, gia đình ông cũng thu về hơn 600 triệu đồng. Dự kiến, năm 2018, với 400 gốc bưởi cho thu hoạch gia đình sẽ thu về hơn 1,2 tỷ đồng - một nguồn thu đáng kể so với người dân huyện miền núi Thạch Thành, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ gia đình ông Lâm, ông Long, thời gian qua, phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được các cấp hội CCB từ tỉnh đến cơ sở triển khai sâu rộng, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Theo đồng chí Bùi Quang An, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, khi trở về đời thường, hầu hết hội viên CCB phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống thường nhật. Trong lúc khó khăn, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” lại được thể hiện rõ nét khi họ không ngại khó, ngại khổ, tự nghiên cứu, mày mò để tìm ra hướng làm ăn với đủ các ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản đến sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, kinh doanh... Đồng hành cùng hội viên trong quá trình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các cấp hội CCB trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho cán bộ, hội viên; tạo điều kiện cho hội viên đi tham quan những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm; chủ động đấu mối với ngân hàng, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh với số tiền trên 1.769 tỷ đồng. Phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng đã khơi dậy được tình cảm đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái vươn lên trong cuộc sống với tinh thần “xưa thắng giặc, nay thắng nghèo”. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu chính đáng.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có trên 340 doanh nghiệp, 120 HTX, 360 trang trại do hội viên hội CCB làm chủ, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho trên 20.000 lao động là con em hội viên hội CCB và nhân dân địa phương. Các CCB hôm nay vẫn giữ được nguyên vẹn hình ảnh “Anh Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa trong con mắt mọi người khi họ không chỉ biết làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn giúp đỡ đồng đội cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau đang được các cấp hội CCB trong tỉnh tích cực triển khai, thông qua việc thăm hỏi, tặng quà, giúp nhau giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà dột nát... Riêng năm 2018, từ nguồn hỗ trợ 4,5 tỷ đồng của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup), các cấp hội CCB đã vận động hội viên ủng hộ tiền, giúp đỡ ngày công trị giá hơn 600 triệu đồng giúp 90 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn xây mới 90 căn nhà. Đến nay, toàn tỉnh có 40 xã, phường, thị trấn không còn hộ gia đình hội viên CCB nghèo, hộ khá và giàu tăng lên 56%; số hộ nghèo giảm còn 3,7%.


Bài và ảnh: Hoài Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]