(Baothanhhoa.vn) - Trước khi có các phương tiện nghe, nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa và tri thức. Minh chứng qua nhiều thế kỷ cho thấy, việc đọc sách đã góp phần xây dựng xã hội và con người văn minh. Thế nên, trong bộn bề công việc, chúng ta vẫn dành cho văn hóa đọc một vị trí xứng đáng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại hoạt động của thư viện cấp huyện, xã

Nhìn lại hoạt động của thư viện cấp huyện, xã

Thư viện huyện Thạch Thành thưa vắng bạn đọc.

Trước khi có các phương tiện nghe, nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa và tri thức. Minh chứng qua nhiều thế kỷ cho thấy, việc đọc sách đã góp phần xây dựng xã hội và con người văn minh. Thế nên, trong bộn bề công việc, chúng ta vẫn dành cho văn hóa đọc một vị trí xứng đáng.

Từ ý nghĩa đó, hệ thống thư viện được quan tâm và phát triển rộng khắp, góp phần đáp ứng nhu cầu đọc sách, học tập, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội.

Tại tỉnh ta, ngoài Thư viện tỉnh còn có 27 thư viện huyện, thị xã, thành phố, hơn 300 thư viện cấp xã, phường, thị trấn và trên 4.000 phòng đọc sách, báo cơ sở. Sự ra đời của các thư viện, phòng đọc sách, báo trở thành địa chỉ văn hóa, giúp Nhân dân tiếp cận sách, báo, trau dồi kiến thức về mọi mặt trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, góp phần nâng cao dân trí... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, những năm gần đây, hoạt động thư viện huyện, xã gặp nhiều khó khăn và phần lớn rơi vào cảnh “đìu hiu chợ chiều”. Với hơn 12.000 bản sách các loại, Thư viện huyện Thạch Thành từng là địa điểm thu hút một lượng lớn bạn đọc, nhất là vào dịp hè. Thế nhưng, những năm gần đây, mỗi năm chỉ có khoảng hơn 500 lượt bạn đọc đến thư viện. Chị Nguyễn Thị Oanh, cán bộ phụ trách Thư viện huyện Thạch Thành chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu đọc sách của người dân không nhiều như trước, hầu hết họ đều nắm bắt thông tin qua truyền hình, máy tính, điện thoại... mà quên đi thói quen đọc sách. Mặt khác, thời gian gần đây số lượng sách bổ sung cho thư viện cắt giảm nên đầu sách không phong phú, vì vậy, số lượng bạn đọc cũng giảm đi nhiều. Những người tìm đến thư viện chủ yếu là học sinh, giáo viên và một số ít người cao tuổi, nhưng họ cũng chỉ mượn sách về chứ không ngồi đọc tại thư viện vì không có phòng đọc”. Được biết, do tình trạng thưa vắng bạn đọc nên việc quan tâm và đầu tư của cấp ủy, chính quyền và đơn vị chức năng cho thư viện cũng không được như trước. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều loại sách trong thư viện chưa được sắp xếp hợp lý vì thiếu giá để sách. Năm 2012, thư viện được đầu tư 10 máy vi tính phục vụ nhu cầu người dân, thế nhưng, đến nay tất cả các máy đều trong tình trạng “đắp chiếu” vì không còn khả năng sử dụng...

Thư viện cấp huyện là vậy, ở cấp xã còn “đìu hiu” hơn. Được đầu tư khá đồng bộ với đầy đủ giá để sách, bàn đọc sách, hơn 260 đầu sách với gần 1.000 bản sách các loại, thế nhưng, nhiều tháng qua Thư viện xã Định Tân (Yên Định) nằm trong khuôn viên trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng của xã luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Chị Lê Thị Phượng, công chức văn hóa, phụ trách thư viện cho hay: “Năm 2015 khi mới thành lập và đưa vào hoạt động, một tuần thư viện mở cửa 2 ngày vào thứ 3 và thứ 6, nhưng chỉ được thời gian đầu. Bản thân tôi cũng tuyên truyền nhiều nhưng người dân không mặn mà đến thư viện. 2 năm trở lại đây do không có người đến nên không mở cửa như kế hoạch được”. Chị Phượng cho biết thêm: “Do không có người đến, công việc chuyên môn lại nhiều nên một tháng nay tôi không mở cửa thư viện”. Nói là một tháng, nhưng qua quan sát từ lớp bụi bám trên mặt bàn và trên từng cuốn sách, giá sách chúng tôi nhận định rằng phải khá lâu rồi thư viện này không mở cửa đón bạn đọc. Điều đặc biệt, trong cuốn sổ theo dõi bạn đọc, chỉ có duy nhất 1 người mượn sách từ năm 2017.

Khi thư viện ở nhiều địa phương hoạt động không hiệu quả, nhiều người cho rằng văn hóa nghe, nhìn, internet đang lấn át văn hóa đọc. Thiết nghĩ, cùng với sự phát triển rộng khắp của công nghệ thông tin, lẽ ra văn hóa đọc của người dân, đặc biệt là lớp trẻ ngày càng được bồi đắp và có ý nghĩa thiết thực, nhưng trên thực tế do yếu tố khách quan và chủ quan, văn hóa đọc hiện nay lại có những thay đổi về chất. Nhiều cán bộ, công chức dành thời gian qua mạng tìm kiếm thông tin cho nhanh khi cần phải viết một báo cáo, một bài phát biểu, làm đề tài hay xem những tin “nóng”. Một bộ phận lớn học sinh, sinh viên ngại đọc sách dày, sách kinh điển, sách lý luận, vì thế để những tác phẩm nổi tiếng thường được ví là sách “gối đầu giường” đã không còn phổ biến. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân khiến cho hệ thống thư viện, phòng đọc sách, báo cơ sở không phát huy được hiệu quả là do thiếu sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương. Thư viện huyện thì nằm trong trung tâm văn hóa – thể thao huyện, phòng đọc sách báo cơ sở thường bố trí chung với nhà văn hóa thôn, bản nên chật hẹp, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn. Vốn sách, báo không nhiều, ít được bổ sung, chậm cập nhật nên không đáp ứng được nhu cầu của người đọc. Cán bộ thư viện thiếu, chưa năng nổ, thiếu nhiệt tình và tâm huyết. Ngoài ra, cũng phải nói đến văn hóa đọc của một bộ phận lớn người dân đã và đang bị mai một...

Thực trạng trên cho thấy, đổi mới một cách toàn diện hoạt động của các thư viện huyện, xã, phòng đọc sách, báo cơ sở là việc làm mang tính cấp thiết hiện nay. Trước hết, cần nâng cao chất lượng của thư viện huyện, xã trên mọi phương diện từ đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, số lượng, thể loại sách. Cần có sự phối hợp giữa thư viện với các đoàn thể và ngành giáo dục trong việc tuyên truyền, giới thiệu sách đến với người đọc thông qua các dịp lễ, ngày hội đọc sách nhằm tạo thói quen đọc sách cho giới trẻ trong gia đình, nhà trường. Và điều quan trọng, để “vực dậy” văn hóa đọc rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, ngành chức năng để kho tàng tri thức ở các thư viện không dần bị lãng quên theo thời gian.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]