(Baothanhhoa.vn) - Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng sử dụng hàng ngoại, thị trường kinh doanh các mặt hàng này cũng trở nên sôi động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhập nhèm hàng ngoại

Nhập nhèm hàng ngoại

Khách hàng nên lựa chọn hàng hóa nhập ngoại tại những cơ sở uy tín.

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng sử dụng hàng ngoại, thị trường kinh doanh các mặt hàng này cũng trở nên sôi động.

Bên cạnh hình thức bán hàng online đang “bùng nổ”; các cửa hàng, siêu thị bán các loại hàng được quảng cáo có xuất xứ từ các nước, như Nhật, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan... cũng “mọc lên như nấm”. Những mặt hàng ngoại hiện được người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng nhiều là hoa quả, bánh kẹo, mỹ phẩm, thậm chí là các loại thực phẩm, quần áo và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.

Mặc dù giá đắt hơn khá nhiều so với các mặt hàng có xuất xứ trong nước; tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn cho gia đình, trong đó ưu tiên là mặt hàng hoa quả, sữa, mỹ phẩm. Theo khảo sát, giá của các loại hoa quả nhập ngoại hiện nay khá đa dạng và giá cũng khá “chát”, điển hình như các loại hoa quả thường có giá từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/kg, thậm chí 400.000-500.000 đồng/kg với những loại hoa quả cao cấp. Vậy nhưng, nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng “rút hầu bao” chi trả. Chị Lê Phương Mai, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), chia sẻ: Mỗi ngày, gia đình chị có nhu cầu sử dụng khoảng 1kg hoa quả. Do lo ngại các loại hoa quả bán ngoài chợ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên bên cạnh việc “săn” các loại hoa quả quê từ người quen, chị thường xuyên mua các loại hoa quả nhập ngoại về cho gia đình sử dụng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc kinh doanh 1 cách chính quy tại các cửa hàng, siêu thị, hoa quả ngoại hiện được bày bán khá tràn lan trên thị trường. Điều đáng nói, việc phân biệt đâu là hàng Việt, hàng nhập khẩu cao cấp chỉ bằng chiếc tem nhỏ xíu được dán trên mỗi loại quả và lời giới thiệu của người bán hàng dường như đang thiếu cơ sở. Tại một cửa hàng kinh doanh hoa quả trên phố Đào Duy từ, TP Thanh Hóa, ngoài các loại hoa quả trong nước, nhiều loại hoa quả được giới thiệu là hàng ngoại cao cấp như: Táo Envy, táo Gala, nho Mỹ, lê Hàn Quốc, Cherry... Tuy nhiên, chính người bán hàng cũng không rõ về nguồn gốc của các loại hàng hóa. Khi được hỏi xuất xứ của một loại táo, người bán hàng khẳng định là táo Mỹ, tuy nhiên, khi xem kỹ tem dán thì loại hoa quả này ghi có nguồn gốc từ Canada. Người bán hàng cho biết, chị nhập các loại hoa quả này từ đầu mối ở TP Hà Nội chuyển về và dĩ nhiên, cũng không có các giấy tờ, hóa đơn chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Những chiếc tem cũng được dán khá hờ hững và không loại trừ yếu tố được “phù phép”.

Với thị trường hàng tiêu dùng có xuất xứ ngoại nhập, tình hình cũng sôi động không kém. Tại chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa), các loại mỹ phẩm, quần áo, giày dép... khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Nhiều loại mỹ phẩm được tiểu thương giới thiệu có xuất xứ từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan... và rất phong phú về... giá bán. Theo quan sát, đa phần các loại mỹ phẩm ngoại đều không ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt, một quy định bắt buộc đối với hàng nhập khẩu chính ngạch. Nhiều loại son, phấn, nước hoa, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, kem dưỡng tóc... mang thương hiệu nước ngoài, như Geo, Revlon, Olay”s, Esteelauder, thậm chí là Shiseido, Lancom... được tiểu thương chào mời với giá rất hấp dẫn. Trao đổi về chất lượng và sự tin tưởng đối với các loại hàng “nhập ngoại” này, chị Trần Lan C., một chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm lâu năm tại TP Thanh Hóa, chia sẻ: Các loại mỹ phẩm có tên tuổi, thương hiệu đều dễ dàng bị làm giả.

Đối với các mặt hàng mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng, nhiều người tiêu dùng lựa chọn hàng “xách tay”. Không chỉ được bán tràn lan bằng hình thức online, các cửa hàng kinh doanh hàng xách tay cũng hoạt động khá sôi động tại TP Thanh Hóa. Tại một cửa hàng chuyên kinh doanh hàng “xách tay” Hàn Quốc, Nhật Bản tại phố Cao Thắng (TP Thanh Hóa), chủ cửa hàng cho biết: Do có người nhà làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, thường xuyên đi “săn” hàng “sale” gửi về qua đường hàng không nên có nguồn hàng ổn định và đa dạng. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi không khỏi nghi ngờ, khi không chỉ bán lẻ mà cửa hàng này còn “đổ buôn” cho khách sỉ với số lượng lớn hàng “xách tay”? Bên cạnh đó, khi hỏi về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thì các nhân viên đều khẳng định: “hàng tốt”, “chất lượng bảo đảm”, “hàng nhập ngoại”... Tuy nhiên, phần lớn các mặt hàng cũng đều trong tình trạng không có tem hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Vì vậy người mua không thể biết tên, địa chỉ doanh nghiệp sản xuất, công dụng sản phẩm hàng hóa được bày bán và xuất xứ có đúng như quảng cáo hay không. Để lấp liếm điểm yếu này, chủ cửa hàng cam kết đây là hàng chính hãng, sản xuất để tiêu thụ nội địa nên không có hướng dẫn sử dụng tiếng Việt cũng như hóa đơn, chứng từ, xác nhận xuất xứ hàng hóa và phiếu kiểm định chất lượng.

Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 quy định về nhãn hàng hóa. Trong đó, quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung, gồm: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa. Với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Căn cứ theo các quy định này, việc kinh doanh các sản phẩm ngoại nhập đều phải bảo đảm đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như tem nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt. Mặc dù cơ quan chức năng đã có khuyến cáo người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng hàng Việt, tuy nhiên xu hướng “sính” ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân. Bên cạnh đó, thói quen mua hàng tại những siêu thị nhỏ lẻ theo kiểu hàng xách tay, hàng ngoại nhập vẫn được người dân ưa dùng nên những cửa hàng này vẫn có “đất” để tồn tại.

Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với các loại hàng hóa nhập ngoại, các nhà nhập khẩu, phân phối hàng hóa chính thống cần phải tìm cách thay đổi nhận diện cho người tiêu dùng phân biệt và tin tưởng khi tiêu thụ sản phẩm. Công tác kiểm soát các loại hàng hóa này cũng cần phải được siết chặt hơn nhằm bảo đảm minh bạch thị trường hàng hóa, chống thất thu thuế, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả và quan trọng hơn cả là bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Để tránh rủi ro mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên tự biết cách bảo vệ mình, lựa chọn các loại hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh uy tín, tránh để “tiền mất, tật mang”.

Tùng Lâm


Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]