(Baothanhhoa.vn) - Lợi dụng tâm lý ưa dùng hàng ngoại của nhiều bà mẹ, nên việc kinh doanh hàng “xách tay” các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ ngày càng nhộn nhịp, không chỉ tại các cửa hàng mẹ và bé mà cả trên mạng xã hội facebook. Từ các loại sữa công thức, thực phẩm, các loại vi chất dinh dưỡng cho đến cả các loại siro ho, long đờm... được bán một cách công khai, tiềm ẩn những hệ lụy khó lường, nhất là khi đối tượng sử dụng là trẻ em.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhập nhèm các sản phẩm “xách tay” dành cho trẻ em

Lợi dụng tâm lý ưa dùng hàng ngoại của nhiều bà mẹ, nên việc kinh doanh hàng “xách tay” các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ ngày càng nhộn nhịp, không chỉ tại các cửa hàng mẹ và bé mà cả trên mạng xã hội facebook. Từ các loại sữa công thức, thực phẩm, các loại vi chất dinh dưỡng cho đến cả các loại siro ho, long đờm... được bán một cách công khai, tiềm ẩn những hệ lụy khó lường, nhất là khi đối tượng sử dụng là trẻ em.

Hàng “xách tay” dành cho mẹ và bé tại một cửa hàng trên đường Trường Thi (TP Thanh Hóa) được bày bán lẫn với hàng nhập khẩu và hàng trong nước.

Thông tin sản phẩm mập mờ

Trên địa bàn TP Thanh Hóa, các cửa hàng bán sản phẩm dành riêng cho mẹ và bé hoạt động khá tấp nập với các loại hàng hóa đa dạng bao gồm cả hàng sản xuất trong nước, hàng nhập khẩu và cả một số mặt hàng “xách tay”. Có mặt tại một cửa hàng mẹ và bé trên đường Trường Thi (TP Thanh Hóa), một quầy dài bày bán các loại sữa, thực phẩm bổ sung dành cho trẻ với các thương hiệu ngoại. Bên cạnh những loại sữa nhập khẩu đang được thị trường ưa chuộng, như: Meiji, Aptamil, Gallia, có tem, nhãn bằng tiếng Việt rõ ràng thì cửa hàng cũng bày bán khá nhiều các loại sữa, thực phẩm ăn dặm, các loại vi chất dinh dưỡng, thuốc nhỏ mũi, thuốc ho... dành cho trẻ với giá bán khá cao. Chẳng hạn, sản phẩm Vitamin PediaKid của Pháp có giá trên 230.000 đồng/hộp; siro ho Prospan 200.000 đồng/hộp; siro trị ho và cảm lạnh Kids 0-9 Cough & Cold Syrup 235.000 đồng/hộp; thuốc ho long đờm ACC Kindersaft 135.000 đồng/hộp; các loại men vi sinh Optibac có giá gần 400.000 đồng/hộp... Điều đáng nói là trên bao bì của các sản phẩm này đều ghi bằng tiếng nước ngoài và không hề có tem, nhãn tiếng Việt hướng dẫn sử dụng. Khi được hỏi, nhân viên bán hàng ở đây cho biết, các sản phẩm này đều là hàng “xách tay” nên không có nhãn phụ, chị ưng sản phẩm nào thì nhân viên sẽ hướng dẫn cách sử dụng. Nhân viên cũng không quên khẳng định: Chị cứ yên tâm về sản phẩm cho bé vì cửa hàng bên em có nguồn hàng bảo đảm, có cả hóa đơn mua hàng từ các siêu thị ở nước ngoài.

Việc mua bán hàng “xách tay” không chỉ diễn ra sôi nổi tại các cửa hàng mẹ và bé mà các chủ cửa hàng còn tận dụng mạng xã hội để tăng số lượng khách hàng. Các cửa hàng lập tài khoản facebook riêng chuyên quảng cáo các sản phẩm mới về. Các mẹ có nhu cầu có thể xem mẫu, đọc giới thiệu về sản phẩm và được tư vấn cách sử dụng. Nếu đặt mua sẽ có người giao hàng tận nhà. Chị Nguyễn Thị H., phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) thường xuyên mua hàng cho con trên facebook. Một lần, sau khi được chủ cửa hàng tư vấn qua mạng, chị đặt mua 1 hộp vitamin Biocare ZinC sản xuất tại Anh với giá 270.000 đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì bao bì sản phẩm cũ, một phần bị rách, không có tờ hướng dẫn sử dụng. Chị H. không dám cho con sử dụng vì thời hạn sử dụng in trên vỏ hộp cũng sắp hết.

Theo một số người kinh doanh hàng “xách tay” cho trẻ em tiết lộ rằng đa số các sản phẩm “xách tay” dùng cho trẻ đều có kênh phân phối riêng với đủ các sản phẩm được ưa chuộng trên thế giới. Một số đơn vị, cá nhân còn gom hàng tại các siêu thị ở nước ngoài vào các đợt giảm giá lớn. Chủ các cửa hàng nhập về và rao bán trên mạng xã hội. Một số cửa hàng bày bán công khai lẫn với hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu hoặc chỉ lấy ra bán khi khách hàng hỏi đến. Và khi các bà mẹ có nhu cầu thì các cửa hàng đáp ứng, song chất lượng, xuất xứ hàng hóa như thế nào thì cả người bán lẻ lẫn người mua đều không chắc chắn. Cũng không loại trừ trường hợp các loại hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ gắn mác “xách tay” trà trộn vào thị trường.

Quản lý chặt chẽ hơn

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức ký cam kết với 85 cơ sở kinh doanh hàng hóa “xách tay” về việc không treo biển quảng cáo, không kinh doanh, buôn bán các loại hàng hóa “xách tay”, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài phải có đầy đủ tem nhãn, giấy tờ thông quan, hóa đơn. Còn với hàng hóa “xách tay” trà trộn bán cùng các loại hàng hóa khác thì rất khó phân biệt bởi không có cơ sở nào để khẳng định là hàng hóa bảo đảm. Thậm chí, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về sản phẩm, nhiều cơ sở trà trộn hàng lậu, hàng giả để tiêu thụ.

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về kinh doanh hàng “xách tay”. Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn thì được xem là hàng nhập lậu. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 quy định về nhãn hàng hóa. Trong đó, quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung, gồm: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa. Với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Căn cứ theo các quy định này, việc kinh doanh các sản phẩm ngoại nhập đều phải bảo đảm đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như tem nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt theo đúng quy định.

Trước thực trạng nhập nhèm thị trường hàng “xách tay” như hiện nay, người tiêu dùng, nhất là các bà mẹ có con nhỏ không nên vì chữ “xách tay” mà tin tưởng tuyệt đối vào những quảng cáo bán hàng trên facebook hay tại các cửa hàng, nhất là khi mua các nhóm hàng liên quan đến sức khỏe dành cho trẻ nhỏ; nên lựa chọn mua hàng chính hãng tại những cơ sở có uy tín để tránh thiệt hại. Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các loại hàng hóa này nhằm bảo đảm minh bạch thị trường hàng hóa, chống thất thu thuế, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả và quan trọng hơn cả là bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.


Bài và ảnh: Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]