(Baothanhhoa.vn) - Tại một số khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh, tình trạng người dân vào rừng khai thác cây dược liệu một cách tận thu đã khiến nhiều loài dược liệu bị cạn kiệt, khó có khả năng phục hồi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài cây dược liệu

Tại một số khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh, tình trạng người dân vào rừng khai thác cây dược liệu một cách tận thu đã khiến nhiều loài dược liệu bị cạn kiệt, khó có khả năng phục hồi.

Cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên và thôn Hang Cáu, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân kiểm tra tình trạng cây thiên niên kiện tại rừng đặc dụng trên địa bàn thôn Hang Cáu. Ảnh: Hoàng Giang

Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng

Toàn tỉnh hiện có 82.123,44 ha đất rừng đặc dụng, trong đó có 79.887,33 ha diện tích đã có rừng và 2.236,11 ha chưa có rừng, thuộc địa bàn 12 huyện, thành phố. Tại các khu rừng đặc dụng có đa dạng sinh học hệ thực vật rừng với các nhóm loài cây lấy gỗ, nhóm cây làm thuốc, cây ăn quả, cây làm thực phẩm cho người, gia súc và nhóm cây làm cảnh. Trong đó, có rất nhiều loài được ghi trong sách đỏ ở các mức rất nguy cấp cho đến mức ít nguy cấp.

Huyện Thường Xuân có diện tích rừng đặc dụng đứng thứ 2 trong tỉnh với 23.815,5 ha (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên), trên địa bàn 5 xã: Bát Mọt, Yên Nhân, Xuân Cẩm, Lương Sơn, Vạn Xuân. Việc bảo vệ, quản lý nghiêm ngặt để giữ ổn định an ninh rừng, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái rừng đặc dụng luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng người dân vào rừng khai thác dược liệu, cây cảnh, cạn kiệt, quá mức khiến nhiều loài khó có khả năng bảo tồn, phục hồi và phát triển, như: Thiên niên kiện, cát sâm, thạch xương bồ, đinh lăng rừng, dứa dại...

Ông Đỗ Ngọc Dương, Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Khu BTTN Xuân Liên, huyện Thường Xuân, cho biết: Hiện trạng các loài cây dược liệu nói chung tại Khu BTTN Xuân Liên đã bị giảm sút nghiêm trọng so với trước đây. Do giá trị kinh tế cao mà cây dược liệu mang lại, người dân thường tập trung vào rừng khai thác dược liệu vào mùa xuân và mùa hè về bán. Nhiều người dân khai thác không đúng kỹ thuật khiến một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, có loài cát sâm, số lượng cá thể của chúng đang ở mức báo động, là loài khó tái sinh ngoài tự nhiên. Tất cả những cây cát sâm gặp được tại các tuyến điều tra đều là những cây nhỏ, đang tái sinh từ phần rễ và gốc cây mẹ bị khai thác trước đó. Nguyên nhân là do người dân hiện khai thác chủ yếu từ rừng tự nhiên để phục vụ nhu cầu gia đình và đặc biệt là việc khai thác tận diệt để bán cho thương lái mà hầu như chưa có gây trồng.

Qua khảo sát, hiện có 28 loài đang được người dân địa phương khai thác và sử dụng phổ biến tại vùng đệm Khu BTTN Xuân Liên, trong đó nhiều nhất là tại xã Vạn Xuân có đến 91,7% tổng số hộ điều tra khai thác và sử dụng với số lượng là 17 loài; xã Xuân Cẩm và Bát Mọt có 90% tổng số hộ khai thác và sử dụng các loài dược liệu với số lượng là 9 và 7 loài...

Thông thường người dân nơi đây khai thác dược liệu từ rừng, sau đó bán cho người tiêu dùng, hay cho khách đến tham quan. Hoặc sau khi khai thác dược liệu từ rừng về, người dân sơ chế rồi được thương lái thu gom bán cho các cửa hàng thuốc nam trong và ngoài tỉnh.

Hiện rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên còn khoảng 315 loài dược liệu, trong đó có nhiều loài có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt, như: Cát sâm, na rừng, bảy lá một hoa... Lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra rừng. Nhiều người dân đã bị bắt, phạt do khai thác trái phép các loài cây dược liệu, cây gỗ quý nằm trong danh mục cấm. Tính từ năm 2012 đến nay, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Liên thuộc BQL Khu BTTN Xuân Liên đã phối hợp với chính quyền địa phương 5 xã vùng đệm bắt giữ, xử lý hàng chục vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, với số tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước hàng chục triệu đồng.

Tương tự, tại rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông, thuộc 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa có diện tích 17.171,53 ha, tình trạng nhiều cây dược liệu cũng đang bị suy giảm. Theo BQL Khu BTTN Pù Luông, tại vùng lõi, vùng đệm khu bảo tồn này có hơn 4.201 hộ với 18.309 khẩu. Do cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều người dân đã khai thác rừng, cây dược liệu trái phép mà không trồng bổ sung. Trong đó, có 3 loài cây dược liệu quý là giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm hiện đã bị suy giảm nhiều mà không được trồng bổ sung. Hay loài thông đỏ bắc (taxus chinensis) là loại cây được biết đến như một dược liệu quý hiếm trị nhiều bệnh bởi vỏ và lá cây có thể dùng để chiết xuất ra hoạt chất paclitacel có giá trị cao trong việc đặc trị bệnh ung thư, gỗ cây thông đỏ bắc có thể dùng trong ngành xây dựng. Loài cây này thường xuyên bị các đối tượng lâm tặc khai thác trái phép vì sản phẩm của cây cho hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, thông đỏ bắc có khả năng tái sinh tự nhiên kém, rất ít khi bắt gặp cây con tái sinh mà chỉ gặp quần thể cây trưởng thành; vùng phân bố tự nhiên của loài này đã bị thu hẹp. Một số cá thể trưởng thành của loài thông đỏ bắc bị suy giảm nghiêm trọng, quần thể đang bị chia cắt và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ, mất dần nguồn gen...

Tăng cường bảo vệ và phát triển cây dược liệu

Theo kết quả điều tra của BQL Khu BTTN Xuân Liên, mặc dù tại địa phương có nhiều tiềm năng để gây trồng và phát triển các loài dược liệu, tuy nhiên hoạt động này chưa được chú trọng, chỉ có một số ít hộ gây trồng các loài dược liệu, như: Đẳng sâm, nhân trần; một số hộ gia đình tại các xã Vạn Xuân, Yên Nhân gây trồng cây quế, tuy nhiên số lượng không nhiều. Hiện huyện Thường Xuân đang thực hiện đề án bảo tồn và phát triển loài cây quế ngọc.

Ông Ngô Bình Giang, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Liên, cho biết: Người dân khu vực này thường vào rừng khai thác cây dược liệu phục vụ mục đích gia đình. Để ngăn chặn tình trạng khai thác trong rừng đặc dụng, tại mỗi thôn trong xã Vạn Xuân đều thành lập 1 tổ bảo vệ rừng từ 20 đến 50 người. Mặc dù thường xuyên tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng nhưng vẫn có tình trạng một số người dân lén lút vào rừng khai thác dược liệu. Nhằm giúp người dân phát triển kinh tế để giảm nguy cơ khai thác cây dược liệu trong rừng đặc dụng, các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng thông qua một số chương trình nâng cao đời sống cho bà con nhân dân vùng đệm bằng việc tạo mô hình sinh kế cho nhân dân, như: Mô hình chăn thả gia súc có sự quản lý của địa phương, trồng cỏ voi, nuôi nhím, nuôi lợn rừng, nuôi ong mật..., giao khoán rừng cho dân quản lý...

Nhằm bảo vệ, phát triển những loài thực vật, cây dược liệu trước nguy cơ bị tuyệt chủng, BQL Khu BTTN Xuân Liên đã xây dựng mô hình trồng cây dược liệu cát sâm và thiên niên kiện dưới tán rừng; BQL Khu BTTN Pù Luông cũng đã triển khai nhiều dự án, như: Dự án khoa học “Bảo tồn và phát triển các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm thông pà cò và thông đỏ bắc giai đoạn 2017 – 2019 tại Khu BTTN Pù Luông”; “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây thuốc quý hiếm bảy lá một hoa”; dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ các loài dược liệu giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm Việt Nam tại hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (2016-2020)”.

Hiện nay, tại các địa phương có rừng đặc dụng, các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ cập kiến thức về phát triển dược liệu cho người dân; mở rộng mô hình trồng cây dược liệu trong các hộ gia đình, nhằm tạo ra một hướng làm ăn mới, góp phần nâng cao thu nhập, vừa phát triển kinh tế cho người dân, vừa bảo tồn nguồn gen cây dược liệu quý. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân về bảo vệ rừng, các quy định của Nhà nước về bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên...

Rừng đặc dụng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ các nguồn gen động thực vật; là nơi lưu giữ các hệ sinh thái đặc trưng của tỉnh; là các khu rừng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có tiềm năng khai thác, sử dụng thành nơi tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, phòng ngừa những thảm họa thiên nhiên, hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Từ thực trạng về việc khai thác lâm sản nói chung cũng như cây dược liệu nói riêng trong rừng đặc dụng, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục nỗ lực quản lý, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng đặc dụng.


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]