(Baothanhhoa.vn) - Dù không đi lại được, đôi tay co quắp nhưng gần 30 năm qua, ông Lê Quang Tý, 60 tuổi, vẫn vượt qua sự đau đớn về thể xác, di chuyển trên chiếc xe lăn cắt tóc dạo, để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học nên người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người đàn ông tàn nhưng không phế

Người đàn ông tàn nhưng không phế

“Tiệm cắt tóc” di động.

Dù không đi lại được, đôi tay co quắp nhưng gần 30 năm qua, ông Lê Quang Tý, 60 tuổi, vẫn vượt qua sự đau đớn về thể xác, di chuyển trên chiếc xe lăn cắt tóc dạo, để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học nên người.

Được người dân dẫn đường, chúng tôi tìm về ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ thuộc xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa). Ông Lê Quang Tý ngồi trên chiếc ghế trượt nhỏ ra đón, còn bà Vũ Thị Sửu - vợ ông Tý, nằm ủ rũ trên giường. Khi thấy chúng tôi đến, bà gắng gượng ngồi dậy chào rồi nằm tiếp. Mấy ngày nay, Thanh Hóa mưa nên 2 vợ chồng ông bà đều ở nhà, bà Sửu đang bị bệnh cảm hàn.

Thường ngày tạnh ráo, 7h sáng, sau khi lót dạ bằng bát cơm nguội hay gói mì tôm, ông Tý khom người đẩy chiếc xe lăn cải tiến từ xe đạp điện ra ngõ, bắt đầu một ngày mưu sinh. Không đủ sức để tự mình đẩy chiếc xe lên khỏi con dốc, ông phải nhờ vợ trợ giúp. Khi xe lên đến triền đê, người vợ quay về nhà để người đàn ông khuyết tật tự xoay sở. Cúi rạp người, ông Tý tra khóa vào ổ, chiếc xe đi chậm rãi. Tiếng hát từ bộ loa đài được gắn theo xe bắt đầu phát lên những bài hát quen thuộc, báo hiệu ông Tý đang đến.

Tất cả những gì cần thiết của một thợ cắt tóc, như: Kéo, dao cạo, lược, phấn cạo... được ông bỏ gọn vào bao ni lông, treo trên xe. Nơi để chân trên chiếc xe cũng được ông cải tiến thành chỗ ngồi của khách, tiện lợi vô cùng. Trên chiếc xe lăn, ngoài bộ đồ nghề và chiếc máy hát nhỏ, ông Tý không quên mang theo gói mì tôm. Đó là phần ăn trưa quen thuộc của ông. “Tiệm cắt tóc” được mở di động ở bất kỳ đâu, từ bờ đê, đầu ngõ hay trong sân của những vị khách. Ngoài tiền công, không ít bà con trong vùng còn cho quà, những đồ dùng không dùng đến để ông vun vén cho tổ ấm. Ông Tý tâm sự: “Tôi sợ nhất là những ngày mưa vì khi đó đường rất trơn. Tay chân tôi vốn yếu, di chuyển trong điều kiện thời tiết bình thường đã khó, trời mưa lại vất vả gấp vạn”.

Khách của ông Tý chủ yếu là trẻ con, nông dân và các cụ già. Ông bảo, việc cắt tóc cho họ khiến ông cảm thấy mình hữu dụng. Bởi, cuộc sống đã không làm ông trở thành một người may mắn nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ biến ông thành người vô dụng. Ông vẫn vui vẻ với cơ thể tật nguyền và mỉm cười với sự cố gắng của mình.

Ông Phạm Văn Hai, chia sẻ: “Tôi là khách quen của ông Tý, tính ra cũng gần 30 năm. Lúc đầu là ủng hộ, một phần vì quen biết, phần khác là do tay nghề. Ông Tý tuy ngồi xe lăn, tay chân lòng khòng nhưng cắt tóc khá đẹp. Quan trọng hơn là mình không mất nhiều thời gian, mỗi khi tóc tốt nghe tiếng loa qua ngõ là tôi chạy ra, ngồi thụp xuống bờ đê cắt ào cho xong để còn đi cày ruộng”.

Vừa giơ bàn tay sần sùi, gân guốc tỉ mẩn cắt tóc cho khách, ông Tý vừa kể về cuộc đời mình. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo có ba người con, ông Tý là con thứ hai. Ngày chào đời, ông lành lặn, khôi ngô như bao đứa trẻ khác. Khi ông 3 tuổi, một cơn sốt kéo đến khiến ông co giật liên hồi, miệng méo xệch, chân tay co rút. Không được chạy chữa kịp thời, ông bị liệt từ đó. Lớn hơn một chút, cha ông tìm gỗ đóng cho ông chiếc ghế để ông lết dưới đất.

Đến tuổi đi học, ông Tý được mẹ cõng đến trường mỗi ngày. Những khi bận việc đồng áng, bà lại nhờ bạn bè đến nhà cõng ông đi học. Cậu bé tật nguyền ngày ấy rất sáng dạ, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Nhưng rồi ước mơ đèn sách của ông đành dở dang khi ngôi trường làng chuyển đến địa điểm mới, cách nhà ông hơn 10km. Nghỉ học, ông tìm đến nhà hàng xóm học nghề đan lưới, rổ rá các loại... Vốn thông minh nên chỉ ít tháng sau, ông đã vá thành thạo những mảnh lưới rách, giúp cha đi cất vó, thả lưới trên sông Mã. Chắc tay nghề, ông bắt đầu đi vá lưới thuê cho những ai có nhu cầu. Nhưng sau đó, công việc vá lưới mai một vì cá tôm cạn kiệt, người làng đều bỏ nghề. Nghề đan rổ, rá cũng ế ẩm vì ít người dùng, ông Tý lại lo lắng tìm công việc mới.

Nghề cắt tóc ông chọn cũng được xem là liều lĩnh. Bởi, việc cầm kéo thao tác trên đầu người khác đối với người lành lặn đã khó thì với đôi tay co quắp của ông nó khó gấp trăm lần. Tuy nhiên, bằng quyết tâm và sự khéo léo, ông đã làm được. Tận dụng chiếc gương cũ trong nhà, mua thêm vài chiếc kéo, chiếc lược... “tiệm cắt tóc” của người đàn ông tàn tật ra đời từ đó... Ông chia sẻ: “Vẫn biết rằng nghề này rất khó đối với tôi nhưng vì miếng cơm manh áo của gia đình nên tôi phải cố gắng. Lúc đầu việc cắt tóc thật sự khó khăn, nhiều người cũng không dám để tôi cắt vì họ sợ hỏng tóc. Nhưng cũng có rất nhiều người ủng hộ vì thương tôi là chính. Thời gian đầu, tôi ngồi một chỗ đợi người ta đến cắt nhưng sau đó thấy ít khách nên tôi phải đi cắt tóc dạo”.

Cứ thế, dù nắng hay mưa, ngày nào cũng vậy, ông Tý rời nhà từ sáng sớm cho đến lúc trời tối mịt mới trở về. Trung bình mỗi ngày, ông kiếm được 100.000 - 150.000 đồng. Số tiền tuy ít ỏi nhưng cũng đủ giúp ông tằn tiện nuôi hai con gái ăn học và người vợ bệnh tật quanh năm. “Cái khó nhất là làm sao để khách hàng hài lòng chứ không phải làm họ cảm thông vì mình khuyết tật. Những điều ấy, mình có tâm huyết ắt sẽ vượt qua được thôi” – ông Tý khẳng định.

Ông Tý không chỉ được người dân ngợi khen bởi nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Người đàn ông này còn có một gia đình hạnh phúc, dù 35 tuổi mới lấy vợ. Thời điểm đó, bà Vũ Thị Sửu, bước sang tuổi 37. Hai người quyết định gắn bó với nhau bất chấp lời đàm tiếu của dân làng và phản ứng dữ dội từ gia đình. “Dù anh ấy bị tật, nhà nghèo đói, nhưng không hiểu sao mới chỉ gặp lần đầu, tôi đã có cảm tình. Nhìn gương mặt hiền lành, khắc khổ, lòng tôi lại có cảm giác khó tả. Đó không hẳn là thương hại, mà là sự cảm phục, mong muốn được cùng người đó gắn bó đến cuối đời. Bởi, đối với tôi, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, miễn sao hai người yêu thương nhau thật lòng là được” – bà Sửu nhớ lại.

Về làm vợ ông Tý, bà Sửu lăn ra làm. Ruộng ít, bà quần quật làm thuê đủ thứ nghề kiếm thêm thu nhập, từ việc cày đất thuê, cho đến đi nhổ lạc, làm cỏ. Lúc không có công việc, người phụ nữ ấy lại ra đồng bắt con cua, con ốc về làm thức ăn cho gia đình, đồng thời bán bớt kiếm tiền. Tất cả cũng chỉ vì bà muốn vun vén cho ngôi nhà nhỏ của mình.

Còn với ông Tý, từ ngày có bà Sửu về chung nhà, tinh thần phấn chấn, vui vẻ hẳn lên. Bà con lối xóm cũng tìm đến cắt tóc nhiều hơn để động viên tinh thần hai vợ chồng. Không lâu sau, bà Sửu lần lượt sinh hạ 2 đứa con bụ bẫm. Cũng đã không ít thời điểm ông bà cảm thấy mệt mỏi trước những áp lực của cuộc sống nhưng chỉ cần cảm nhận các con lớn lên từng ngày, mọi vất vả của ông bà dường như tan biến. Hai người con của ông bà như cảm nhận được tình yêu thương và sự tin tưởng của cha mẹ mà luôn chăm ngoan, học giỏi. Hiện, con gái lớn của ông bà đã lập gia đình, con gái thứ 2 sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng đã bắt đầu đi làm công nhân phụ giúp cha mẹ.

Hiện tại, sức khỏe của ông Tý đã yếu đi rất nhiều, mỗi khi trái gió trở trời là khắp người đau nhức, khó thở. Ông bảo, không biết bản thân còn trụ được bao lâu với công việc của mình? Thế nhưng, hết cơn đau, ông lại rong duổi trên chiếc xe lăn cùng bộ đồ nghề cũ kỹ đi khắp làng trên, xóm dưới. Thương chồng, bà Sửu chỉ biết thuốc thang đều đặn cho chồng. Được biết, hàng tháng vợ chồng ông Tý được trợ cấp 810.000 đồng. Ông Lê Khắc Viễn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Quang, cho biết: “Nói đến ông Tý, chúng tôi đều thán phục. Ông có nghị lực rất mạnh mẽ, tàn tật từ nhỏ, giờ tuổi cao, sức yếu nhưng hàng ngày vẫn chạy xe lăn đi cắt tóc khắp làng để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Có thể xem ông Tý là tấm gương về tính tự lực tự cường, hăng hái lao động ở địa phương”.

Chiều xuống, sương bắt đầu phủ kín hàng cây bên bờ sông Mã. Bữa cơm đạm bạc dưới ngôi nhà nhỏ nay có thêm tiếng cười của đứa cháu ngoại cũng trở nên ấm cúng. Chia tay chúng tôi, ông Tý bộc bạch: “Đối với tôi, dù cơ thể không lành lặn nhưng suốt bao năm qua, tôi luôn nhủ với vợ rằng, nuôi các con lớn lên khỏe mạnh, trưởng thành là ước mơ lớn nhất của cuộc đời vợ chồng chúng tôi”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]